Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đắk Nông: Tăng nguồn vốn ưu đãi cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 07:46 23/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhiều chương trình lãi suất ưu đãi ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được các ngân hàng tại tỉnh Đắk Nông triển khai nhằm đáp ứng nguồn vốn cho người dân.

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông đến hết tháng 7/2024, tổng dư nợ cho vay toàn ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế tại Đắk Nông 47.979 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 36.000 tỷ đồng, chiếm trên 75% dư nợ.

Tính đến hết 30/6/2024, nguồn vốn ưu đãi từ kênh cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Nông có gần 73.000 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai đạt trên 4.500 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn cho vay các chương trình ưu đãi hỗ trợ xây dựng NTM hơn 3.800 tỷ đồng.  

Cà phê một trong những cây trồng chủ lực tỉnh Đắk Nông. Ảnh: ĐVCC

Theo ông Lê Văn Chiến, Ủy ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông: Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã góp phần tạo nhiều chuyển biến trong đời sống người dân. Từ đầu tư phục vụ sản xuất, giải quyết việc làm đến vệ sinh môi trường nông thôn. Tất cả những tiêu chí trong xây dựng NTM đều có sự góp mặt không nhỏ từ nguồn vốn vay ưu đãi. Nhiều chủ trương, chính sách được ngành Ngân hàng trên địa bàn triển khai kịp thời, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân khi tiếp cận nguồn vốn vay. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp tục vay vốn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong năm 2024, thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng, tổ chức tín dụng tại tỉnh Đắk Nông đã tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, nông nghiệp, nông thôn là lĩnh vực được toàn ngành ưu tiên.

Thông tin từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, hiện nay lãi suất cho vay bình quân các ngân hàng thương mại đều giảm. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giảm bình quân từ 0,5-1,5%/năm so với thời điểm đầu năm 2024. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-9%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 6,5 - 11,5%/năm.

Ông Nguyễn Minh Hướng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông cho biết: Với phương châm “làm hồ sơ tại nhà, giải ngân tại xã”, tất cả hồ sơ, thủ tục liên quan đều được hệ thống tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện. Sau khi đủ điều kiện, đến ngày giao dịch tại điểm lưu động xã, người dân chỉ cần đến ký nhận và nhận số tiền vay. Đa số, bà con đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nguồn vốn ưu đãi tập trung vào những chương trình cho vay như: Hộ nghèo, vệ sinh môi trường, nước sạch… để bảo đảm các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.

Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng địa phương. Với hơn 12 chương trình cho vay mà đơn vị đang triển khai, có gần 1 nửa là tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. Nhiều chương trình đang mang lại hiệu quả cao như: Cho vay tái canh cà phê; cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; cho vay dự án phát triển kinh tế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông…

Các chương trình tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn nhận được ưu đãi về lãi suất. Chi nhánh tích cực tìm kiếm khách hàng, nhất là khách hàng vùng sâu, vùng xa để tạo điều kiện cho vay. Ngoài lãi suất, các ngân hàng từng bước đơn giản hóa thủ tục cho vay. Tính hết tháng 7/2024, dư nợ cho vay tại Agribank Đắk Nông đã đạt trên 12.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 81%.

Để khơi tăng nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng tích cực tìm kiếm khách hàng, nhất là khối khách hàng doanh nghiệp, hộ nông dân. Nhiều chương trình, chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn vay cũng được các ngân hàng triển khai áp dụng. Cùng với nông nghiệp, nông thôn, nhiều lĩnh vực ưu tiên khác cũng được các tổ chức tín dụng tăng cường nguồn vốn để phát triển.