Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quảng Nam: Vẫn còn nút thắt cần tháo gỡ

Tuệ Anh - 07:16 26/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Năm 2022, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam) đã triển khai đào tạo được 120 lớp nghề cho gần 4.000 lao động nông thôn và hàng trăm lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên, nông dân... góp phần tạo việc làm, tăng năng suất, hiệu quả lao động trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ để công tác đào tạo nghề thiết thực với lao động nông thôn hơn.
Học nghề giúp nông dân hình thành các vườn rau sạch, đảm bảo ATVS thực phẩm. Ảnh: H.B

Chủ động trong công tác đào tạo nghề

Theo ông Nguyễn Văn Thận – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam: Được Trung ương Hội Nông dân và tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu dạy nghề và hỗ trợ nông dân. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ Nông dân đã đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động dạy nghề và dịch vụ hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là làm tốt công tác vận động nông dân phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn hỗ trợ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, chăm lo tốt đời sống hội viên.

Ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động, trực tiếp phối hợp với các đơn vị chức năng, các ban ngành đoàn thể ở cơ sở để tổ chức công tác khảo sát, chiêu sinh và mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Song song với việc dạy nghề, Trung tâm đã liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có nhu cầu tuyển dụng người lao động mở các lớp nghề tại chỗ và bố trí thực hành đồng thời tạo việc làm cho học viên sau khi học viên hoàn thành khóa học.

Công tác dạy nghề do Trung tâm triển khai đã đem lại hiệu quả thiết thực, chất lượng đào tạo nghề ngày một nâng cao, tỷ lệ học viên sau học nghề tự tạo được công việc làm và có việc làm mỗi năm tăng cao. Trong năm qua, Trung tâm đã triển khai đào tạo được 120 lớp nghề (trong đó có 78 lớp nông nghiệp và 42 lớp phi nông nghiệp) cho hơn 3.833 học viên lao động nông thôn, tỷ lệ người lao động có việc làm đạt 80% sau khi được đào tạo và mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho hàng chục ngàn nông dân trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực trong việc tạo việc làm tăng thu nhập cho học viên.

“Hầu hết học viên sau khi hoàn thành các khóa học nghề nông nghiệp đã biết vận dụng kiến thức vào sản xuất; tận dụng hết thời gian để chăn nuôi, làm vườn, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt, kiến thức từ việc đào tạo nghề thực sự góp phần cải tiến tập quán canh tác, nâng cao năng suất lao động, chất lượng cây trồng và con vật nuôi. Nhiều sản phẩm kinh tế vườn có lợi thế của các địa phương đã được liên kết sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị và đăng ký tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” - Ông Nguyễn Văn Thận cũng cho biết thêm.

Lớp học nghề may công nghiệp ở Quảng Nam. Ảnh: H. Thi

Nhiều quy định đào tạo nghề còn cứng nhắc

Trong thời gian qua, mặc dù, Trung tâm đã có một số thành tựu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thận cũng bày tỏ băn khoăn: Hiện nay, cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật còn gò bó, không linh hoạt, chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết ở nông thôn. Cụ thể như, trong công tác đào tạo nghề qui định mỗi người chỉ được học một nghề, đối với nghề nông nghiệp mà đồng nhất với nghề phi nông nghiệp là không hợp lý. Bởi vì, nông dân có nhu cầu được học nhiều nghề trên nhiều đối tượng cây trồng, con vật nuôi khác nhau, có như vậy họ mới có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp.

Hiện nay, ở khu vực nông thôn, nguồn lao động có nhu cầu thật sự về học nghề nhất là các nghề đào tạo gắn với việc làm còn khá lớn nhưng công tác đào tạo nghề của Trung tâm phải tổ chức đào tạo theo kế hoạch hàng năm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và UBND tỉnh giao. Trong khi đó, cơ chế phân cấp quản lý, nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh thường xuyên thay đổi và chưa được hướng dẫn, tập huấn kịp thời nên làm cho cơ sở đào tạo khó tiếp cận và triển khai được thuận lợi.

Đồng thời, định mức đào tạo, kinh phí dành cho đào tạo nghề hàng năm vẫn còn thấp, hạn chế so với nhu cầu học nghề của lao động nông thôn hiện nay, số lao động có nhu cầu nhưng chưa được học nghề trong cộng đồng còn rất cao, nhất là nghề nông nghiệp.

Một nguyên nhân nữa là hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao và thực tế nhiều lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ đến tuổi về hưu nhưng vẫn tiếp tục tham gia thị trường lao động hoặc chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời sau khi các lao động trẻ ở các doanh nghiệp già đi hoặc không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, phần lớn người lao động quay về nông thôn sinh sống và hoạt động nông nghiệp. Vì vậy, rất cần có những điều chỉnh hợp lý trong công tác đào tạo nghề.

Ông Nguyễn Văn Thận cũng đề xuất Trung ương Hội NDVN kiến nghị với các cấp, cơ quan quản lý cần điều chỉnh các quy định đăng ký học nghề linh hoạt; danh mục và định mức kinh phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho phù hợp, đáp ứng với nhu cầu của người học và thực trạng năng lực đào tạo của Trung tâm.

Đồng thời, cần tăng độ tuổi cho đối tượng học nghề, xây dựng cơ chế đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp người lao động lớn tuổi có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. 

Đối với Trung tâm được Trung ương Hội NDVN và UBND tỉnh đầu tư đến nay đã cũ, xuống cấp; một số thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy học không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị đang thực hiện tự chủ nên không bố trí được kinh phí để bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy học. Đề nghị Trung ương Hội NDVN quan tâm tiếp tục đầu tư bổ sung trang thiết bị cho phù hợp.