Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, cần giải quyết 5 vấn đề căn bản*

08:53 29/05/2022 GMT+7
Tối 28/5, tại thành phố Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) Việt Nam năm 2022. Tạp chí Nông Thôn Mới trân trọng giới thiệu phát biểu của Thủ tướng Chính phủ tại lễ khai mạc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khai mạc Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước!

Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Sơn La, các bộ, ngành Trung ương, địa phương!

Thưa quý vị đại biểu, khách quý, đồng bào, đồng chí!

Sơn La là bức họa đồng quê mang nét đẹp đặc trưng, sâu lắng, hào hùng của thiên nhiên, lịch sử, văn hóa vùng Tây Bắc. Những di tích lịch sử của khúc tráng ca, những con đường của núi rừng điệp trùng ngập sắc hoa, những đồi chè của sắc xanh bát ngát, những đồng cỏ của thảo nguyên bao la, những bản làng của những điệu khèn, điệu múa xòe làm say đắm lòng người, là mảnh đất có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng. Vì vậy, tôi đánh giá cao sáng kiến của tỉnh Sơn La phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã lựa chọn nơi đây để tổ chức "Lễ hội trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam" năm 2022.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung ương, địa phương, quý vị đại biểu, khách quý và toàn thể đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Lễ hội này là nơi quy tụ các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân gặp gỡ, để giới thiệu, để lan tỏa, để học hỏi, để liên kết xúc tiến, mở rộng thị trường phát triển du lịch và các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là trái cây và các sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Quy mô hơn 400 gian hàng trực tiếp, 65 gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử của 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đã thể hiện thành công của Lễ hội.

Thưa đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý!

Sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân được nâng lên. Dịch bệnh COVID-19 diễn ra trong hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng đến mọi mặt kinh tế - xã hội trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam của chúng ta. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp đã thể hiện vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế và an ninh lương thực nước ta.

Điều chúng ta vui mừng là Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu trên thế giới với trị giá hơn 48 tỷ USD năm 2021, trong đó rau quả đóng góp gần 3,6 tỷ USD. Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó Sơn La là một điểm sáng về phát triển cây ăn trái.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2018 với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, cả nước đã có gần 7.500 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, riêng Sơn La đã có 83 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống tinh thần và vật chất.

Những kết quả trên có được là nhờ sự cố gắng và nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương; sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp nói chung và trái cây nói riêng vẫn còn những khó khăn, thách thức. Đó là nhiều loại giống cây trồng, vật tư đầu vào còn phụ thuộc vào nhập khẩu; vùng nguyên liệu chưa tập trung; quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún; công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch chưa phát triển; thị trường tiêu thụ thiếu ổn định và chưa đa dạng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm ngày càng cao với các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe; phát thải khí metal gây ô nhiễm môi trường...

Thưa đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý!

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thảo luận, cho ý kiến về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí chiến lược trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị của chúng ta.

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành nông nghiệp nói chung và Sơn La nói riêng cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, hệ sinh thái ngành trái cây; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu… Đây là định hướng chiến lược phù hợp để phát huy tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh khác biệt của tỉnh Sơn La và của vùng Tây Bắc và là cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Để nông sản, trái cây, sản phẩm OCOP phát triển bền vững, chúng ta cần tập trung giải quyết 5 vấn đề căn bản là: Xây dựng thương hiệu; quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác công - tư; phát triển và mở rộng thị trường, đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.

Thưa đồng bào, đồng chí, quý vị đại biểu, khách quý!

Ngành nông nghiệp đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong thời gian qua. Nhưng để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế và tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp, chúng ta còn nhiều việc phải làm từ khâu quy hoạch, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để nông nghiệp Việt Nam có vị trí cao hơn trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa cho khu vực nông thôn.

Tôi tin tưởng rằng, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tích cực chủ động hội nhập, với ý chí "Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền" và tinh thần "Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" của người nông dân Việt Nam; cùng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước; nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ phát triển ngày càng vươn xa như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại từng căn dặn khi lên thăm Nông trường Mộc Châu, Sơn La năm 1959:

"Luôn luôn cố gắng

Khắc phục khó khăn

Tiến lên thật hăng

Làm tròn nhiệm vụ"

Một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các quý vị đại biểu, khách quý, các khán thính giả, bà con nông dân trên cả nước, đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Xin trân trọng cảm ơn!"

(-) Tiêu đề do Tạp chí Nông Thôn Mới đặt, nguồn Chinhphu,vn

 

Ngày hội trái cây và sản phẩm OCOP tại “phố núi”
Ngày 28/5/2022, tại Sơn La, Lễ hội Fastival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam đã chính thức được khai mạc. Đây là sự kiện do Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và tỉnh Sơn La tổ chức.