Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Người nuôi tôm ở Nghệ An gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân

Bùi Ánh - 10:29 04/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ô nhiễm môi trường, đầu vào con giống, dịch bệnh và kèm theo đó là giá cả thị trường đầu ra… đã kéo nhiều hộ nuôi tôm Nghệ An lao đao vì công sức, vốn liếng, hi vọng cứ thế đổ sông, đổ bể.
Vùng nuôi tôm một thời ăn nên làm ra, giờ lao đao vì gặp nhiều bất lợi 

Với chiều dài bờ biển trên 82km, dọc bờ biển lại có đến 6 cửa lạch, đó là những yếu tố trời ban để Nghệ An tập trung phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Cũng từ lợi thế đó, Nghệ An đã từng bước gây dựng, hình thành vùng nuôi trồng thủy sản quy mô hàng chục ngàn hecta, trong đó diện tích nuôi tôm đạt khoảng 2.310ha. Song trên thực tế, diện tích không phát huy hết bởi tình trạng bỏ trống ao, hồ nuôi diễn ra rất nhiều và sản lượng thu hoạch cũng như nguồn thu từ nuôi tôm những năm gần đây không đáng kể.

Đơn cử rõ nhất là từ thực trạng nuôi tôm của Công ty CP nuôi trồng thủy sản Trịnh Môn, tiền thân là Nông trường Trịnh Môn, thành lập năm 1956 và được cổ phần hóa vào năm 2006. Sau cổ phần hóa đơn vị này mới “nghiêng” về nuôi trồng thủy sản hòng tạo bước đột phá, con tôm được số đông gửi gắm niềm tin.

Nhiều diện tích nuôi tôm bị bỏ hoang vì nguồn nước không còn đảm bảo

Chị Đinh Thị Kiều, cán bộ phụ trách mảng thủy sản của Công ty Trịnh Môn chia sẻ: Hiện tại, đơn vị có khoảng 180ha giao khoán cho hàng trăm hộ để nuôi trồng thủy sản. Nếu nói về thời hoàng kim của đơn vị phải kể đến khoảng từ năm 2000, lúc đó không có nghề nào kiếm tiền dễ như nuôi tôm. Xuất phát điểm là con tôm sú, về sau chuyển sang áp dụng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn nào cũng cho tín hiệu khả quan.

Vốn là thành viên của Công ty Trịnh Môn, được phân công quán xuyên, theo dõi các vùng nuôi, đồng thời là người nuôi tôm thẻ chân trắng có tiếng của vùng này ông Hồ Văn Thành vẫn hết sức ái ngại với thực trạng hiện giờ, bởi lẽ chính ông cũng từng trải qua những biến cố trong ngành nuôi tôm.

Trải qua nhiều biến cố trong ngành nuôi tôm, ông Hồ Văn Thành cho rằng nuôi tôm hiện giờ có quá nhiều rủi ro và bất lợi

Hồi ức lại thời kỳ nuôi tôm, ông Thành chia sẻ: Thời điểm mà nuôi được thì người giàu họ cũng bán hết đất với nhà trên đường 1 để xuống đây mua ao, năm 2008 – 2012 thì hầu như thả 10 con thì được cả 10 con, thả 9 con thì được 9 con không cần dùng thuốc men gì. Nước ở sông, ở biển vào nhìn nó trong như nước cất chứ bây giờ nước đặc quẹo kèm theo đó là bùn lầy, rác bủa vây,…

Trước đây, 1 ao từ 1.200 – 1.500m2, một lần nuôi khoảng 60 – 80 ngày, thu được khoảng 3,5 – gần 4 tấn tôm/ao, bây giờ nuôi 1 ao khoảng 500kg tôm là khó lắm. Nhìn chung, thời điểm trước nuôi rất dễ, môi trường tốt, thời tiết tốt, gọi là thả xuống là được ăn. Nhưng từ 2016, 2017 trở về đây thì bị hết bệnh nọ đến bệnh kia, liên tục xuất hiện các bệnh mới ở trên tôm như: bệnh hồng thân, bệnh gan tủy, bệnh chậm lớn,…

Một điều khiến người nuôi tôm hiện nay thua lỗ nữa là giá cả đầu vào, đầu ra chênh lệch lại thêm kháng sinh để điều trị bệnh cho tôm. Rõ nhất là trước đây, tôm bán giá chỉ 90 – 100 nghìn/kg, nhưng tiền thức ăn chỉ hết khoảng 16 – 17 nghìn/kg, còn bây giờ, tôm lên giá được 120 – 130 nghìn/kg, nhưng giá tiền thức ăn cho tôm lại tăng lên đến 30 – 33 nghìn/kg (tăng giá gấp đôi mà tôm thì tăng ít). Hơn nữa, trước đây nuôi tôm hầu như không phải dùng đến thuốc chứ bây giờ đủ thứ thuốc mà vẫn khó thành công ở các vụ nuôi.

Nhiều diện tích nuôi tôm được lấy trực tiếp từ sông Mai Giang 

Vấn đề nan giải nhất hiện nay mà người nuôi tôm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu mong muốn được giải quyết là có nguồn nước sạch để tiếp tục các vụ nuôi tôm hòng giảm bớt rủi ro khi đầu tư. Bởi phần lớn diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện trực tiếp lấy nguồn nước từ sông Mai Giang mà nguồn nước ở đây được nhìn nhận là không đảm bảo cho việc nuôi trồng thủy sản.

Hơn nữa, dòng chảy của sông Mai Giang cao hơn so với các điểm nuôi, nguồn thải bị ứ đọng, tích tụ từ năm này qua năm khác nhưng không được xử lý, lâu dần tăng cao nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh. Về vấn đề này, nhiều năm trước người dân đã kiến nghị các cấp, ngành khẩn trương tiến hành nạo vét, làm sạch lòng sông để hạn chế ô nhiễm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nhà điều hành cũng vì thế mà bỏ hoang 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: Sông Mai Giang trước đây là phục vụ giao thông đi lại nhưng ngày nay chủ yếu là để tiêu nước. Vùng nuôi tôm ở xa biển nên tất cả nguồn nước lấy vào để nuôi đều từ dòng sông này và khi nuôi xong cũng xả ra ngay tại đây nên ở góc nhìn nuôi trồng thủy sản thì nguồn nước bị ô nhiễm. Giải pháp sắp tới huyện đang đưa ra phương án tại những vùng nuôi tập trung sẽ có đầu tư đồng bộ để có khu lắng lọc, xử lý trước khi lấy nước vào ao nuôi. Đồng thời từng bước làm khu thu gom, lắng lọc, xử lí trước khi xả ra sông. Phương án tiếp theo là huyện cũng đã có dự án lấy nước trực tiếp từ ngoài biển vào để cấp cho các ao nuôi nhưng với phương án này không phải chỗ nào cũng có thể làm được. Hiện tại Quỳnh Lưu mới có 1 dự án thực hiện tại Quỳnh Bảng đã bàn giao đưa vào sử dụng bơm cho khoảng 100ha và cũng có một vài hộ dân đã mạnh dạn đầu tư làm theo phương án này.