Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giá giảm sâu, người nuôi lươn không bùn ở Hậu Giang gặp khó

07:19 18/11/2021 GMT+7
Sản lượng lươn nuôi gia tăng trong khi đầu ra chưa ổn định, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho người nuôi lươn ở Hậu Giang đang lâm vào thế khó...

Những năm gần đây, mô hình nuôi lươn không bùn trong bể bạt hay bể xi măng phát triển rất mạnh ở tỉnh Hậu Giang do mô hình này không cần kỹ thuật quá phức tạp, phù hợp với nhiều đối tượng kể cả hộ nghèo, hộ ít đất sản xuất nhưng cho thu nhập cao.

Tuy nhiên, do có nhiều người nuôi dẫn đến gia tăng về số lượng, sản lượng trong khi đầu ra chưa ổn định, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho người nuôi lươn ở địa phương này hiện nay lâm vào thế khó, khi lươn quá lứa thu hoạch nhưng không có người mua, giá lươn thương phẩm liên tục giảm.

Mô hình nuôi lươn không bùn phát triển mạnh ở tỉnh Hậu Giang.

Vào thời điểm này tại xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ có đến 155 hộ nuôi lươn trong 450 bể, với tổng số hơn 900.000 con lươn. Bà con ở đây cho biết, hiện số lượng lươn thương phẩm xuất bán được trong tháng 11 và tháng 12 tới, khoảng 31 tấn, tuy nhiên ít có thương lái tìm mua và giá thu mua lươn thương phẩm đã giảm sâu chỉ còn bằng 1/2 giá năm ngoái.

Anh Bùi Trường Giang ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A cho biết, anh nuôi đến 10.000 con lươn nhưng giờ không biết xuất bán cho ai. “Do ảnh hưởng bởi dịch nên thời điểm này giá lươn rất thấp, khoảng 105.000-110.000 đồng/kg lươn thịt thành phẩm, lượng thương lái thu mua bây giờ cũng giảm so với mọi năm”, anh Giang chia sẻ.

Tại huyện Phụng Hiệp, bà con nuôi lươn không bùn trong bể cũng đang gặp khó khăn tương tự. Anh Nguyễn Quốc Việt ở xã Hiệp Hưng cho biết, anh nuôi 4 bể lươn với tổng đàn hơn 11.000 con. Hiện số lươn này với sản lượng gần 3,5 tấn đã quá lứa thu hoạch hơn 3 tháng nay nhưng anh vẫn chưa thể bán, bởi giá hiện nay chỉ ở mức 120.000 đồng/kg lươn loại 1, thấp hơn 1/2 giá cùng kỳ năm trước. Theo anh Việt nếu anh bán hết số lươn này với giá hiện tại, gia đình sẽ lỗ gần 100 triệu đồng, tuy nhiên cũng khó kiếm người mua bởi khi anh liên hệ với những thương lái từng thu mua lươn của gia đình trước đây thì họ đều thoái thác và hẹn lại.

“Gia đình tính đợi cho giá lươn cao hơn chút mới bán được, bởi nếu bán giá này sẽ bị lỗ. Thức ăn lúc này vẫn đang tăng, lên gần 700.000 đồng/bao nên gia đình chỉ cho ăn cầm chừng rất ảnh hưởng đến chất lượng đàn lươn”, anh Việt cho biết.

Hiện huyện Long Mỹ có hơn 300 hộ nuôi lươn không bùn với số lượng lươn giống thả nuôi hơn 2,8 triệu con, còn tại huyện Phụng Hiệp có hơn 100 hộ nuôi, với số lượng lươn giống thả nuôi hơn 200.000 con. Ước số lượng lươn của bà còn tại 2 địa phương này đã đến thời điểm xuất bán khoảng 60 tấn.

Người nuôi lươn gặp khó khi giá lươn xuống thấp.

Theo ông Trần Văn Tuấn- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, trong các chương trình đột phá của huyện, mỗi loại cây trồng, vật nuôi triển khai xây dựng đều có liên kết đầu ra và con lươn cũng vậy. Thời điểm cách đây 2 năm mô hình nuôi lươn không bùn cho hiệu quả kinh tế rất cao. Với 1.000 con lươn sau 8 tháng nuôi theo mô hình này, khi thu hoạch trừ đi chi phí người nuôi có thể thu nhập hơn 20 triệu đồng.

Chính vì vậy, nhiều người dân ở địa phương đã chuyển đổi từ mô hình sản xuất kém hiệu quả sang nuôi lươn, trong đó có không ít hộ ùn ùn mở rộng diện tích nuôi tự phát rồi tự liên hệ với các thương lái để tiêu thụ. Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid-19 nên việc tiêu thụ gặp khó, trong khi sản lượng lươn đến tuổi thu hoạch lại nhiều, từ đó dẫn đến khủng hoảng thừa, giá bán giảm mạnh.

“Trước tình hình hiện nay, Phòng NN&PTNT kêu gọi các đơn vị thu mua đến huyện Phụng Hiệp xem xét, khảo sát và ký kết hợp đồng với người dân. Phòng cũng khuyến cáo người dân hạn chế nhân rộng mô hình này vì lo ngại nguồn cung sẽ tiếp tục vượt cầu, đồng thời cũng khuyến cáo người dân nên thành lập các tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã nuôi lươn, từ đó có sản lượng ổn định, có địa chỉ rõ ràng để các doanh nghiệp đến thu mua”, ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp cho biết thêm.

Khi một loại cây trồng, vật nuôi không mang lại hiệu quả kinh tế, việc chuyển đổi sang mô hình mới là điều tất yếu. Tuy nhiên, thúc đẩy sản xuất bằng việc gia tăng sản lượng nhưng không chú trọng đến đầu ra sản phẩm dễ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, giá bán giảm. Việc tập trung nuôi lươn mà không quan tâm đến thị trường tiêu thụ tiếp tục là bài học sâu sắc cho nông dân vùng ĐBSCL./.
 

Theo VOV

Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn đáy không bùn
Nhằm đa dạng hoá các sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản cho hội viên nông dân và đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Năm 2020 T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã triển khai dự án nuôi lươn trong bể xi măng đáy không