Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Giúp nhau từ nhà ra ruộng

14:42 19/02/2021 GMT+7

Nhà ở nơi thấp bị ngập, nhà nơi cao mở rộng cửa đùm bọc, tương trợ từ cái ăn, chỗ ngủ. Ruộng một nhà bị bồi lấp, nhiều nhà, cơ quan, đoàn thể vác cuốc, xẻng, huy động máy móc ra đồng giúp “tìm lại mặt ruộng” để kịp sản xuất. Đó là tinh thần đoàn kết giúp nhau vượt qua thiên tai, bắt tay vào vụ Đông Xuân và dịp Tết Nguyên đán của người dân Quảng Trị.

Một người dân Quảng Trị được nhận cơm nóng ăn để hồi phục sức khoẻ sau khi ra khỏi vùng ngập.

Đùm bọc nhau trong lũ

Những ngày giáp Tết, người dân thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đang cùng nhau tất bật sửa soạn, trang trí lại nhà cửa, sân vườn, lối ngõ, đường làng để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán – một cái Tết như bao năm nay, luôn đầm ấm tình người dù điều kiện kinh tế không được đầy đủ. Bởi như anh Trịnh Minh Trí (đội 2, Hà Xá) nói, sau trận lũ lịch sử, tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ của xóm giềng lớn hơn bao giờ hết.

Ở tuổi 24, chưa bao giờ anh Trí phải đối mặt với trận lũ nào lớn đến vậy. Ký ức tuổi thơ nơi anh sống bình yên, lằng lặng trôi qua. Mãi đến tháng 10/2020, anh mới bàng hoàng trước cơn lũ quá lớn, có sức tàn phá khủng khiếp.

Anh Trí nhớ lại, 10h ngày 9/10, nước lũ ở đâu cuồn cuộn đổ về. Anh Trí cùng anh trai chuyển được một ít đồ đạc lên nơi cao được một lúc thì nước đã dâng quá cửa sổ. Hai anh em bì bõm trong nước lũ, trèo lên mái nhà rồi gửi lời cầu cứu. 40 ngôi nhà ở đội 2, đội 3 thôn Hà Xá cùng chung số phận như nhà anh Trí. Mọi người bị mưa lạnh, nước lũ làm cho đói lả.

20h cùng ngày, anh Trí và hàng chục người khác mới được Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đưa lên đội 1, cùng thôn Hà Xá. Nơi đây, từ 13h, chị em phụ nữ, người góp gạo, người góp cá, rau… tập trung tại nhà bà Võ Thị Dương để nấu 130 suất cơm tiếp ứng kịp thời cho mọi người qua cơn đói.

Bà Võ Thị Dương cho biết: “Thấy nước dâng quá nhanh, ngập sâu, chị em tôi biết bà con vùng lũ không thể nấu nướng, sẽ đói rét nên nấu cơm đợi sẵn”.

Anh Trí cho hay, vừa được đưa khỏi vùng ngập, anh nhận được lời thăm hỏi, động viên và được ăn cơm nóng, lấy lại sức khoẻ. “Đó là hạt cơm nghĩa tình, hạt ngọc giữa đời” – anh Trí nói.

Hải Phong là xã ngập sâu nhất ở huyện Hải Lăng. Nơi đây, những người có thuyền, đò đã tự nguyện chở lương thực, đặc biệt là cơm nóng của các đoàn từ thiện đến với người ở vùng ngập.

Ông Nguyễn Văn Cư cho biết, người dân ở vùng lũ gặp khó khăn, không thể nấu nướng, đói rét. Thương bà con, ông Cư cùng một số người có thuyền, đò tự nguyện chở cơm nóng đến tận nhà dân. Theo ông Cư, nếu không phải người rành địa bàn thì rất khó di chuyển bởi thuyền có thể xảy ra va chạm những thứ ngập trong nước, mắc kẹt hoặc rơi vào dòng nước xoáy rất nguy hiểm.

Giữa cơn mưa, nghe tiếng gọi “đò ơi mệ (bà-PV) ở đây”, “đò ơi cho xin nước uống với”… là người lái đò lại nhanh chóng đến nơi.

“Nhận được cơm, nước uống giữa mênh mông nước lũ, nhiều người mừng đến bật khóc. Hình ảnh đó khiến tôi và các anh em càng phải nỗ lực hơn để giúp bà con” – ông Cư chia sẻ.

Máy móc, nhân lực được huy động để cải tạo đồng ruộng cho nông dân sản xuất kịp thời vụ.

Giúp nhau vét bùn tìm ruộng, khôi phục sản xuất

Trận lũ lịch sử tháng 10/2020 đã khiến hàng trăm ngàn hộ dân Quảng Trị bị ngập, 175 nhà bị hư hỏng nặng, 2.540ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, gần 1.400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi… Quảng Trị là tỉnh có diện tích đất bị bồi lấp nặng nhất – hơn 1.645ha, trong đó 1.459ha thay đổi hiện trạng cần phải cải tạo kịp thời để tổ chức sản xuất vụ Đông Xuân 2020-2021.

Sau 5 trận lũ liên tiếp, bà Hồ Thị Năm (trú thôn Trà Liên Đông, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) ra đồng thăm 5 sào ruộng của mình. Thử lội xuống ruộng, bà Năm đã bị lún ngang hông, mắc kẹt, phải nhờ người kéo lên và chỉ biết ôm mặt khóc. “Nhìn khối lượng đất cát bồi lấp quá lớn, tôi đã nghĩ đến cảnh không còn đất để sản xuất, gia đình trở về cảnh chạy ăn từng bữa nên khóc rất nhiều” – bà Năm nhớ lại.

Bà Phan Thị Hoa, trú thôn Trà Liên Đông cũng có 6 sào ruộng bị bồi lấp. Vậy là gia đình bà Hoa, bà Năm và nhiều gia đình khác lập thành nhóm, hàng ngày nạo vét, cải tạo ruộng đồng. “Hôm nay nhóm giúp nhà này, mai giúp nhà kia, hết một lượt lại quay vòng cho đến khi mặt ruộng trở về như cũ” – bà Hoa chia sẻ.

Ông Trịnh Đình Vinh – Giám đốc Hợp tác xã Trà Liên Đông, xã Triệu Giang cho biết, sau 5 đợt lũ liên tiếp, trên 23ha ruộng của hợp tác xã Trà Liên Đông bị bồi lấp nghiêm trọng, độ dày từ 0,5 – 1m. Với lượng bùn đất bồi lấp quá lớn, chỉ mình nông dân không đủ sức khắc phục, vì vậy UBND huyện Triệu Phong đã phát động phong trào ra quân nạo vét, khơi thông kênh mương, cải tạo đồng ruộng. Phong trào nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Lực lượng nông dân, thanh niên, phụ nữ, quân đội, công an… cùng nhau cầm cuốc, xẻng ra đồng nạo vét kênh mương và những vùng đất bị bồi lấp nhỏ. Các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp tiền thuê máy móc san ủi, cải tạo những nơi bị bồi lấp lớn.

Không chỉ Triệu Phong, toàn tỉnh Quảng Trị đồng loạt ra quân khôi phục ruộng đồng cho nông dân sau lũ. Hình ảnh người lính lưng mang loa, miệng hát cùng lời nhạc, còn tay ra sức đào lớp đất nhão nhoẹt vét kênh mương bị bồi lấp trên cánh đồng xã Triệu Giang (Triệu Phong) đã gây xúc động mạnh, cổ vũ mọi người hăng say giúp đỡ nhân dân. Bàn tay chai sạn của hàng ngàn con người bất chấp nắng mưa… đổi lấy đồng ruộng được cải tạo để kịp sản xuất vụ Đông – Xuân năm nay, đảm bảo an ninh lương thực.

Một thực tế dễ nhận thấy cho nỗ lực khôi phục sản xuất tại Quảng Trị đó là sau trận lũ lịch sử, giá rau xanh tăng gấp 3 lần, nhưng chỉ sau 1 tháng, giá rau đã giảm còn một nửa, ngành chăn nuôi cũng có những tín hiệu khởi sắc. Người dân Quảng Trị đã chuẩn bị đón Tết Nguyên đán với tinh thần đùm bọc, sẻ chia vốn có truyền thống từ bao đời nay của người dân khúc ruột miền Trung.

Tỉnh Quảng Trị đã rà soát hiện trạng diện tích đất lúa, hoa màu bị vùi lấp, phân loại độ sâu vùi lấp, loại đất vùi để đưa ra các giải pháp khôi phục, cải tạo phù hợp. Từ đó, tỉnh huy động tổng thể các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị triển khai san, gạt, cải tạo đồng ruộng và diện tích hoa màu bị vùi lấp, hàn gắn tạm thời các tuyến kênh mương bị hư hỏng, triển khai vụ Đông và vụ Đông Xuân 2020 – 2021.
Ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh

Bài, ảnh: Vũ Ngọc