Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hiệu quả từ quỹ hỗ trợ nông dân

19:47 27/01/2018 GMT+7

Hiệu quả sử dụng vốn cao, dư nợ thấp, các dự án, mô hình kinh tế do hội viên, nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân và một số ngân hàng đang góp phần không nhỏ trong việc mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi của người nông dân tỉnh Khánh Hòa.

Hiệu quả từ quỹ hỗ trợ

Đầu năm 2017, 12 thành viên của Tổ hợp tác nuôi tôm hùm lồng tại xã Cam Bình, TP. Cam Ranh quyết định vay vốn mở rộng quy mô nuôi trồng. Với số vốn vay 500 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, các thành viên đã đầu tư nâng cao chất lượng con giống, nguồn thức ăn hợp chuẩn và sửa lại lồng bè, nhờ đó hiệu quả được nâng lên. Sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu về 150 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 24 lao động. Cũng trong năm 2017, 8 thành viên của Tổ hợp tác trồng rau sạch Tiến Ra tại xã Cam Phước Đông, TP. Cam Ranh đã nhận được Quỹ hỗ trợ nông dân cho vay 200 triệu đồng để lắp đặt hệ thống phun tự động và máy cày đất đa năng, giúp kéo giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả đầu tư. Tổ hợp tác cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hệ thống siêu thị tại TP. Cam Ranh, Nha Trang và khu vực Vùng 4 Hải quân để có được đầu ra ổn định. Chỉ với diện tích đất trồng rau mỗi hộ từ 0,5 đến 1ha, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ thu về 55 triệu đồng mỗi năm.

Dự án vay vốn của Tổ hợp tác nuôi gà thả vườn Hùng Nguyện tại xã Cam Tân, huyện Cam Lâm cũng được hỗ trợ 200 triệu đồng cho 7 hộ vay để đầu tư sửa chữa chuồng trại, thức ăn, con giống, hệ thống nước uống tự động… Mỗi hộ nuôi từ 500 đến 600 con/lứa, mỗi lứa khoảng 90 ngày, sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân mỗi hộ từ 25 đến 35 triệu đồng/lứa.

Năm qua, Quỹ hỗ trợ nông dân Khánh Hòa còn đầu tư vốn cho các học viên sau khi học nghề. Đơn cử như Dự án “Trồng và chăm sóc xoài Úc” hỗ trợ vốn cho các thành viên tham gia lớp học nghề trồng cây ăn quả do Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh tổ chức và được hướng dẫn thành lập Tổ hợp tác “Trồng và chăm sóc xoài Úc” tại xã Cam Hiệp Bắc, huyện Câm Lâm. 15 thành viên của tổ hợp tác đã được hỗ trợ vay 1 tỷ đồng để đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước tự động… Do cây xoài phải cần khoảng 4 năm mới cho trái và đánh giá được hiệu quả, nhưng với kiến thức đã được trang bị, với nguồn vốn được hỗ trợ đầu tư ban đầu và đặc biệt là định hướng trồng cây ăn quả chất lượng cao, có thể tin tưởng dự án này đã mở ra hướng đi triển vọng cho các hộ nông dân tham gia.

Tổ hợp tác trồng rau sạch Tiến Ra tại xã Cam Phước Đông vay vốn đầu tư máy cày đất đa năng.

Bà Trần Thị Kim Liên – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, đến cuối năm 2017, Quỹ hỗ trợ nông dân Khánh Hòa đã đạt gần 50 tỷ đồng, tăng gần 4,8 tỷ đồng so với năm 2016. Trong năm, đã có 150 dự án với gần 3.700 hộ nông dân tiếp cận được nguồn vốn này. Các dự án đều đã xây dựng được mô hình sản xuất tốt, thành lập các tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, từng bước giải quyết có hiệu quả đầu ra của sản phẩm. Các dự án đã giải quyết việc làm cho hơn 7.500 lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ tham gia, góp phần tác động tích cực vào một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thêm trợ lực

Từ năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã hướng dẫn các xã, phường, thị trấn về mục chi để hỗ trợ từ 10 đến 20 triệu đồng/năm cấp bổ sung Quỹ hỗ trợ nông dân cấp xã theo các quy định hiện hành. Quyết sách này đã góp phần tăng trưởng nguồn quỹ để hỗ trợ được nhiều dự án hơn và cũng là một trong những cơ sở để Ban điều hành Quỹ hỗ trợ nông dân đặt mục tiêu tăng trưởng vốn trong năm 2018 đạt 5,5 tỷ đồng.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, năm qua, Khánh Hòa nói chung và nông dân Khánh Hòa nói riêng chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12 gây ra. Ngoài việc tổ chức thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ một phần nhỏ nhằm động viên hội viên, nông dân vượt qua khó khăn, Hội Nông dân tỉnh cũng xác định có 27 dự án vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với tổng số tiền vay hơn 5,4 tỷ đồng bị ảnh hưởng. Theo quy định xử lý nợ bị rủi ro, quỹ đã tiến hành xác minh, thống kê và ra quyết định miễn, giảm thu phí và khoanh nợ đối với 27 dự án này với số tiền hơn 530 triệu đồng.

Trong năm qua, nguồn vốn vay từ các ngân hàng đã được nông dân sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả và trả nợ đúng hạn, tỷ lệ quá hạn ở mức độ cho phép, từ đó các ngân hàng cũng mạnh dạn hơn trong việc cho vay. Qua thống kê, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Khánh Hòa đến hết năm 2017 là trên 844 tỷ đồng, tăng 75,5 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,41%, giảm 0,07% so với cuối năm 2016. Còn tại Agribank chi nhánh Khánh Hòa, hiện đã có hơn 9.600 hộ nông dân ở 371 tổ vay vốn tiếp cận được với nguồn vay này, đưa tổng dư nợ vào cuối năm 2017 lên 381 tỷ đồng, tăng 7,2 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn chiếm 0,4%, giảm 0,6% so với cuối năm 2016. Song song với việc đẩy mạnh cho vay, các ngân hàng này cũng đã tiến hành các bước xác minh thiệt hại và có các chính sách khoanh, giãn nợ, miễn, giảm lãi suất, cho vay mới để người nông dân tái sản xuất, chăn nuôi sau thiệt hại do cơn bão số 12.

Theo báo Khánh Hòa