Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cung ứng, hỗ trợ, đảm bảo tường minh, hài hòa lợi ích giữa các bên

Quang Tú - 18:45 23/08/2022 GMT+7
Ngày 23/8/2022, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân, Nông thôn –T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2021 và ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2027.
Bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự có bà Cao Xuân Thu Vân – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam; ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông; ông Trương Xuân Quý – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) và nhiều đại biểu có liên quan; đại diện lãnh đạo của 6 tỉnh thành Hội là Thanh Hóa, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nam, Vĩnh Phúc.

Chương trình hội nghị nhằm đánh giá tổng thể kết quả thực hiện chương trình phối hợp trong ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp và cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên nông dân thông qua các cấp Hội Nông dân; Tập trung đánh giá rõ nét những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, chỉ ra nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn chương trình phối hợp ở giai đoạn tiếp theo.

Hỗ trợ nông dân hiệu quả

Theo báo cáo của lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn trong 5 năm qua, Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đã phối hợp triển khai cung ứng phân bón Tiến Nông trả chậm đến 30 tỉnh, thành Hội từ Quảng Trị trở ra. Hội Nông dân các cấp đã tổ chức triển khai nội dung ký kết, phối hợp với Công ty Tiến Nông tổ chức hàng trăm hội nghị tuyên truyền và tổ chức cung ứng, chính sách bán hàng và quy trình sử dụng phân bón Tiến Nông cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân tham dự.

Đặc biệt, sản phẩm phân bón NPK Si “Vì nông dân Việt” của Công ty Tiến Nông được T.Ư Hội cho phép in logo của Hội NDVN trên bao bì đã tạo niền tin cho nông dân và giúp cho nông dân nhận biết và phân biệt sản phẩm phân bón Tiến Nông trên thị trường.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội đã phối hợp với cán bộ Công ty Tiến Nông trực tiếp xuống chi, tổ Hội để tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ cho hàng trăm nghìn lượt hội viên, nông dân về kỹ thuật sử dụng phân bón Tiến Nông cho các loại cây trồng.

Công ty Tiến Nông còn hỗ trợ cho Hội Nông dân các tỉnh, thành Hội hàng trăm tấn phân bón để xây dựng mô hình trình diễn sử dụng phân bón cho cây trồng. Kết quả các mô hình sử dụng phân bón Tiến Nông cho thấy đạt hiệu quả kinh tế, năng suất cao, tăng từ 10 – 15%.

Một trong những hoạt động đáng chú ý trong chương trình phối hợp là đã tổ chức cung ứng phân bón theo phương thức trả chậm không tính lãi từ 6-8 tháng để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Có thể nói, việc cung ứng phân bón trả chậm đã giúp nông dân khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh của địa phương, cung cấp và trang bị cho nông dân, nhất là nông dân nghèo vùng sâu, vùng xa có vốn, có kiến thức khoa học, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, Công ty đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Hội Nông dân của 3 tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang và Tuyên Quang cung ứng 71.000 tấn phân bón tương ứng với giá trị 445 tỷ đồng cho nông dân. Chương trình đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp.

Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Tiến Nông ký kết hợp tác giai đoạn 2022- 2027.

Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ nông dân

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành tham gia chương trình phối hợp đã thẳng thắn, trao đổi những kết quả làm được cũng như đề xuất các giải pháp thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình, ông Nguyễn Quang Nông - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Các cấp Hội ND trong tỉnh đã tích cực tham gia nhiều chương trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, đặc biệt chú trọng đến các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân, trong đó có Chương trình hỗ trợ nông dân sử dụng phân bón vì nông dân Việt của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông theo phương thức trả chậm. Hội ND tỉnh xác định đây là việc làm phù hợp với nhu cầu nguyện vọng của hệ thống tổ chức Hội, độ ngũ cán bộ Hội nhằm nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Hội Nông dân trong việc tổ chức các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, giúp hội viên, nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường mối liên kết  hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để nông dân được sử dụng sản phẩm trực tiếp của doanh nghiệp mà không cần khâu trung gian.

Trong 5 năm năm, Công ty Tiến Nông đã phối hợp Hội Nông dân Bắc Giang xây dựng 45 mô hình trình diễn ở 10/10 huyện, thành phố với diện tích 150ha, trong đó tập trung vào xây dựng các mô hình cây ăn quả, lúa rau màu. Các mô hình trình diễn đều được nông dân hưởng ứng, đánh giá cao.

Để thực hiện tốt hơn nữa chương trình phối hợp trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đề nghị 6 giải pháp. Theo đó, cần tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tập huấn, xây dựng các mô hình trình điểm.

“Về phía Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn Trung ương Hội cần tham mưu với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành chính sách phù hợp giao cho các Trung tâm Hỗ trợ nông dân chủ động tham mưu và triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân, trong đó có hoạt động cung ứng phân bón Tiến Nông.

Về phía Công ty phân bón Tiến Nông cần có cơ chế giao hàng, thanh toán tiền hàng linh hoạt, điều chỉnh giá phân bón phù hợp với thị trường để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm khác. Tiếp tục duy trì chính sách thưởng, chính sách kích cầu cho các huyện, xã và chi Hội đạt chi tiêu” – ông Nguyễn Quang Nông chia sẻ.

Hà Nam là một trong số các tỉnh được lựa chọn để tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo, ông Tạ Văn Đạt – Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Nam bày tỏ: Hội ND tỉnh có nguyện vọng, rất muốn thực hiện chương trình phối hợp phân bón trả chậm cho hội viên nông dân. Hà Nam có ít diện tích nông nghiệp nhưng có đường giao thông thuận lợi, thuận tiện để phối hợp với Công ty. Hội ND rất sẵn sàng phối hợp để triển khai thực hiện, làm ít cũng được nhưng nhất định phải thành công.

Ông Nguyễn Hồng Phong – Tổng Giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông cho biết: Để giúp nông dân nhiều hơn và lựa chọn, sử dụng những sản phẩm chất lượng, trong giai đoạn tới, Công ty tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm có hiệu quả cao, liên tục sáng tạo để phục vụ nông dân. Đồng thời, dành nhiều nguồn lực hơn nữa để xây dựng tốt chương trình phối hợp và đặt mục tiêu lớn hơn nữa là giúp nông dân tạo ra nông sản chất lượng. “Mong muốn hai bên nỗ lực hơn nữa để sự hợp tác giữa 2 đơn vị thực sự có giá trị, hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo” – ông Nguyễn Hồng Phong bày tỏ.

Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cho rằng: Người nông dân là chủ thể, chính vì vậy nông dân cần phải được biết có những sản phẩm vật tư nông nghiệp nào tốt, giá hợp lý, mua ở đâu. Hội Nông dân cần đa dạng hoá các hoạt động hỗ trợ nông dân với mục tiêu cuối cùng là làm sao để người nông dân được ấm no, nâng cao đời sống.

Hội Nông dân các tỉnh, thành thực hiện cần quan tâm chương trình sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng các đơn vị triển khai tốt chương trình phối hợp.

Về phía Công ty Tiến Nông cần có chính sách phù hợp, tường minh để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa các bên; đẩy mạnh chương trình giám sát cả về chất lượng, giá thành sản phẩm.

“Các bên tham gia chương trình phối hợp nên tập trung triển khai nhân rộng các mô hình điểm tại 3 tỉnh, thành đã thành công. Hội Nông dân phải là sợi dây kết nối, tạo dựng uy tín ở địa phương”- Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Cao Xuân Thu Vân, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các ban đơn vị cơ quan Trung ương Hội cần chủ động phối hợp Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn triển khai đồng bộ. Trung tâm cũng cần tăng cường chủ động việc đặt ra các nội dung phối hợp với các ban, hướng dẫn cho các Trung tâm Hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành cách thức triển khai, chia sẻ kinh nghiệm của những tỉnh, thành đã thực hiện chương trình phối hợp.