Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hội Nông dân Đắk Lắk tập huấn canh tác nông nghiệp hữu cơ và làm nông dược tự nhiên 

Vân Anh - 13:18 20/06/2022 GMT+7
Ngày 19/6, Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức lớp tập huấn ứng dụng công nghệ trong trồng trọt hữu cơ và làm nông dược tự nhiên.

Tại lớp tập huấn, 50 học viên là cán bộ, hội viên nông dân các địa phương đã được các chuyên gia đến từ Nhật Bản giới thiệu về nông nghiệp hữu cơ với một số nội dung như: Các phương châm cơ bản, chính sách canh tác hữu cơ; quản lý, chăm sóc sức khỏe cây trồng; làm đất, cải tạo đất; phân biệt phân trộn và phân bón, cách làm phân trộn; các loại vật tư nông nghiệp hữu cơ; tìm hiểu các phương pháp diệt sâu hại khi làm nông nghiệp hữu cơ; phương pháp chẩn đoán đất để phát hiện, bổ sung dưỡng chất còn thiếu, giảm dưỡng chất dư thừa, tiệm cận mức cân bằng tối ưu để nâng cao sản lượng, ổn định chất lượng cây trồng…

Lớp tập huấn với 50 học viên là cán bộ, hội viên nông dân các địa phương đã được các chuyên gia giới thiệu về nông nghiệp hữu cơ.

Trong khuôn khổ chương trình, các học viên đã được các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản hướng dẫn cách ủ phân, thực nghiệm sử dụng phân hữu cơ tại mô hình canh tác sầu riêng của nông hộ Trần Quốc Ái (thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc).

Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên nông dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và xử lý chất thải nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường, cải tạo đất và nâng cao giá trị trong chuỗi nông nghiệp hiện đại.

Theo các chuyên gia đến từ Nhật Bản, khi bón phân hữu cơ vào đất, chất hữu cơ có tác dụng cải thiện trạng thái kết cấu đất, làm đất thông thoáng tránh sự tạo váng, tránh sự xói mòn, làm đất tơi xốp, thoáng khí, ổn định pH, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng chống hạn cho cây trồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật hoạt động trong đất, giúp bộ rễ và cây trồng phát triển tốt, đẩy mạnh quá trình phân giải các hợp chất vô cơ, hữu cơ thành nguồn dinh dưỡng dễ tiêu như N, P, K trung, vi lượng… để cây trồng hấp thụ qua đó giảm thiểu các tổn thất do bay hơi, rửa trôi gây ra.

Các học viên tham gia tập huấn hướng dẫn cách ủ phân, thực nghiệm sử dụng phân hữu cơ.

Chất hữu cơ làm tăng khả năng hấp phụ của đất, giữ được các chất dinh dưỡng, đồng thời làm tăng tính đệm của đất. Trong quá trình phân giải, phân hữu cơ cung cấp thêm thức ăn cho vi sinh vật, nên khi vùi phân hữu cơ vào đất, lượng lớn vi sinh vật trong đất phát triển nhanh, giun đất cũng phát triển mạnh.

Hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã biết ứng dụng quy trình bón phân cho các loại cây trồng theo khuyến cáo của các nhà khoa học, cùng với các loại phân bón hữu cơ có sẵn tại địa phương ủ cùng các chủng vi sinh vật có ích.

Tuy nhiên, tình hình sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng tại các địa phương trong tỉnh còn nhiều hạn chế, như điều kiện tiểu khí hậu, đất đai của từng địa bàn khác nhau, theo đó dinh dưỡng tự nhiên của từng chân đất khác nhau, cần chế độ phân bón hữu cơ khác nhau để cung cấp cho cây. Đặc điểm sinh lý dinh dưỡng của từng nhóm cây khác nhau và trong mỗi nhóm, nhu cầu dinh dưỡng từng loại cây cũng khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm sinh lý, thời gian sinh trưởng, tiềm năng về năng suất… Vì vậy, khó có những quy trình bón phân cụ thể hợp lý với đất đai, địa hình, sinh thái ở cơ sở cho cây trồng theo yêu cầu của người sản xuất. Một vấn đề đáng lo ngại nữa là vẫn còn nguồn phân hữu cơ chưa đảm bảo chất lượng lưu hành trên thị trường, ảnh hưởng đến cây trồng, đất đai và hiệu quả kinh tế của nông dân. Không ít nông dân vẫn còn chủ quan trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng, ít tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được tổ chức tại địa phương.

Lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội viên nông dân trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và xử lý chất thải nông nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường..

Để khắc phục những khó khăn trên, khai thác được lợi ích từ việc bón phân hữu cơ mang lại cho sản xuất nông nghiệp, trước hết, nông dân phải tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp như: vỏ cà phê, chất thải động vật, thực vật, rác hữu cơ, than bùn... chế biến theo phương pháp ủ truyền thống cùng với công nghệ sinh học để tạo nguồn phân chất lượng cung cấp cho cây trồng. Tăng cường tham gia các lớp tập huấn về chuyển giao các tiến bộ khoa học thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm tiếp thu kiến thức về các quy trình ủ phân hữu cơ, xử lý phân chuồng, cách bón phân cho các loại cây trồng. Cần tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ các loại phân hữu cơ vi sinh đang có trên thị trường, trước khi mua phân bón vào cây trồng. Ngoài các loại phân hữu cơ bón lót cho cây trồng, còn có các loại chế phẩm hữu cơ bổ sung bằng cách bón thúc vào các giai đoạn sinh trưởng của cây để cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho cây trồng.

Thanh Hóa: Giải pháp giúp nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp, phân bón an toàn
(Tapchinongthonmoi.vn) - Giá xăng dầu tăng cao đã kéo theo nguyên liệu sản xuất của một số mặt hàng khan hiếm, trong đó có các loại vật tư nông nghiệp, phân bón. Từ nguyên nhân này, lợi dụng tình hình, nhiều đối tượng đã sản xuất hàng kém chất lượng, hàng giả tung ra thị trường nhằm trục lợi.