Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hơn 5.200 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm

21:42 24/02/2019 GMT+7
Năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất hơn 70.500 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 40 tỷ đồng. Đó là một trong những thông

Năm 2018, toàn ngành nông nghiệp đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất hơn 70.500 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, phát hiện 5.223 cơ sở vi phạm và xử phạt gần 40 tỷ đồng.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019 do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng (22/2), tại Hà Nội.

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2018, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đảm bảo răn đe ngăn ngừa tái phạm.

Năm 2018 ghi nhận có sự chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực so với năm 2017, 2016. Cụ thể, các cơ quan chức năng không phát hiện mẫu dương tính với chất cấm Salbutamol trong 477 mẫu thịt, 3.506 mẫu nước tiểu; 271/2.060 mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh (chiếm 13,1%, giảm so với năm 2017 là 26,7%); 5/2.472 mẫu thịt tươi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh (chiếm 0,2%, giảm so với năm 2017 là 0,63%, năm 2016 là 1,76%)…

Năm 2018 ghi nhận chuyển biến đáng kể về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở và chỉ số an toàn thực phẩm các nhóm sản phẩm chủ lực. Ảnh: Nguyễn Thanh

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan và các địa phương yêu cầu truy xuất, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và tăng cường kiểm soát trong sản xuất, lưu hành, sử dụng thuốc thú y, hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; giải quyết kịp thời, hiệu quả các rào cản kỹ thuật về kiểm dịch và an toàn thực phẩm, duy trì xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường truyền thống như EU, Hàn Quốc, Trung Quốc… Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt khoảng 40 tỷ USD.

Tuy vậy, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cũng nêu rõ: Trong quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Chậm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; bộ máy quản lý, nguồn lực kiểm soát tại các địa phương vẫn chưa đáp ứng để thực hiện các nhiệm vụ.

Ngoài ra, việc xử lý dứt điểm vấn đề lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong kinh doanh rau, quả và thủy sản vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT, để đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2019, ngoài việc khuyến khích đầu tư, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sẽ ưu tiên thanh tra đột xuất cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, cơ sở giết mổ, cơ sở sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm… Điều này nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm. Bộ sẽ xử lý triệt để các cơ sở sản xuất, nhập khẩu đưa sản phẩm vi phạm chất lượng ra lưu thông trên thị trường…

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh: “Thanh tra kiểm tra sẽ có kế hoạch, nhưng thanh tra kiểm tra đột xuất và xử phạt nghiêm theo quy định cần phải tăng lên mới có thể đảm bảo giảm thiểu số cơ sở sản xuất vi phạm”.

PV