Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hợp tác cùng phát triển các mô hình liên kết nông dân gắn và phát triển chuỗi giá trị bền vững

15:44 13/11/2020 GMT+7
Trong 2 ngày 12 và 13/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTCP2 giai đoạn 2014 – 2020 và lập kế hoạch Chương trình Nông dân châu Á – Thái Bình Dương (APFP) giai đoạn

Trong 2 ngày 12 và 13/11, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTCP2 giai đoạn 2014 – 2020 và lập kế hoạch Chương trình Nông dân châu Á – Thái Bình Dương (APFP) giai đoạn 2021 – 2025”

Đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN và đại diện: Các ban, đơn vị T.Ư Hội; Văn phòng IFAD tại Việt Nam; Hội ND 15 tỉnh; Ban Điều phối các cấp của các Dự án thuộc chương trình IFAD quốc gia,  và các tổ hợp tác, hợp tác xã…

Đào tạo hơn 200 giảng viên nguồn và hơn 11.700 hội viên nông dân về tiếp cận thông tin

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Định cho biết: Qua triển khai thực hiện tại 15 tỉnh (trong đó có 11 tỉnh tham gia Chương trình IFAD quốc gia) tại Việt Nam, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ qua hai giai đoạn, điển hình như giữa Hội NDVN và Văn phòng IFAD tại Việt Nam đã ký thoả thuận hợp tác cho hai giai đoạn, nhiều tỉnh nằm trong IFAD đã được trực tiếp tham gia các nội dung hợp tác. Chương trình MTCP2 đã giúp tăng cường sự tham gia của Hội ND các cấp vào Chương trình IFAD quốc gia giai đoạn 2 từ 2015-2019 do Hội Nông dân Việt Nam ký với Văn phòng IFAD tại Việt Nam, Hội Nông dân 11 tỉnh nằm trong Chương trình IFAD quốc gia đã phối hợp với Ban Điều phối IFAD tỉnh đào tạo nghề cho 1.500 hội viên nông dân; đào tạo hơn 200 giảng viên nguồn và hơn 11.700 hội viên nông dân về tiếp cận thông tin, thị trường, phát triển chuỗi giá trị, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, quản lý tổ nhóm, quản lý tài chính, xây dựng nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ thành lập 1.970 nhóm nông dân đồng sở thích với 21.280 thành viên …

Chương trình MTCP 2 (giai đoạn  2014 – 2020) bên cạnh nâng cao năng lực tổ chức điều hành cho hội viên, nông dân, nâng cao năng lực tham gia  hoạch định chính sách từ trung ương  đến địa phương  thì còn tập trung hơn vào tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ cho các thành viên và các hội viên. Trong suốt giai đoạn từ năm 2016-2020 đã tổ chức nhiều hoạt động trong đó có kỹ năng về vận động chính sách hỗ trợ các tham vấn chính sách và vận động chính sách, hướng dẫn tổ chức đào tạo để phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã để các thành viên trong hợp tác xã biết thế nào là kế hoạch sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường…

“Chương trình MTCP 2 đã đạt được những kết quả tích cực, Ban Quản lý chương trình tổ chức Hội thảo với mục tiêu đánh giá được toàn bộ những kết quả đã đạt được, chia sẻ những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện dự án, cũng như cùng nhau rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh những vấn đề còn chưa phù hợp, đồng thời đề xuất những ý kiến đóng góp nhằm tăng hiệu quả tác động tích cực của Chương trình đối với công tác Hội và hỗ trợ nông dân, hôm nay, T.Ư Hội NDVN tổ chức Hội thảo Tổng kết Chương trình MTCP2 giai đoạn 2014 – 2020 và lập kế hoạch Chương trình Hỗ trợ ND khu vực (APFP) giai đoạn tiếp theo”, đồng chí Nguyễn Xuân Định nhấn mạnh.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Theo đồng chí Mai Bắc Mỹ, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội NDVN) ,Giám đốc Chương trình cho biết: Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) là tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hợp quốc. Mục tiêu hoạt động chủ yếu của IFAD là huy động các nguồn vốn bổ sung từ các nước tài trợ để phát triển sản xuất và tăng cường dinh dưỡng cho các nhóm có thu nhập thấp ở các nước đang phát triển. Quỹ tập trung hỗ trợ phát triển của những cộng đồng nghèo ở nông thôn, đặc biệt là những người nông dân không có ruộng đất, ngư dân, người chăn nuôi gia súc và những phụ nữ nghèo; đồng thời cũng quan tâm đến những cách tiếp cận tiên tiến được xây dựng trên cơ sở tham gia của địa phương và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Năm 1991, Quỹ IFAD chính thức hỗ trợ Việt Nam. Năm 1997, Việt Nam gia nhập IFAD và nằm trong nhóm nhóm các nước nhận viện trợ là chủ yếu. Chương trình quốc gia của IFAD tại Việt Nam được gắn với Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội của Chính phủ. Năm 2012, Chính phủ Việt Nam và IFAD đã ký Chương trình hợp tác Chiến lược Quốc gia Việt Nam – IFAD giai đoạn 2012-2017, gia hạn đến năm 2020 với 3 mục tiêu chiến lược là: Một là, hỗ trợ các tỉnh nông thôn nghèo phát triển theo định hướng thị trường hỗ trợ người nghèo. Hai là, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường hàng hóa và lao động của người nghèo ở nông thôn, nhất là phụ nữ. Ba là, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các hộ nông thôn nghèo.

Tuy nhiên, cơ chế phối hợp của IFAD với Việt Nam cũng như với các quốc gia khác là thông qua kênh chính phủ, không có sự tham gia trực tiếp của các tổ chức nông dân. Năm 2010, lần đầu tiên, IFAD tài trợ thông qua tổ chức nông dân trong khu vực khuôn khổ Chương trình hợp tác trung hạn giữa Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) với các tổ chức nông dân khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2010 – 2014 (Chương trình MTCP 1), Hội NDVN  là một tổ chức tham gia Chương trình. Năm 2014, IFAD và Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ cho Chương trình giai đoạn 2 (Chương trình MTCP2) với sự tham gia của 17 nước và vùng lãnh thổ. Mục tiêu của Chương trình MTCP2 nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức nông dân ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trong quá trình tham vấn chính sách có liên quan đến lợi ích của nông dân sản xuất nhỏ ở cấp quốc gia, tiểu khu vực và khu vực, tăng cường sự tham gia của  tổ chức nông dân vào các chương trình phát triển, đồng thời cải thiện việc cung cấp các dịch vụ cho người nghèo ở nông thôn.

Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày tại Hội thảo.

Chương trình MTCP 2 tập trung hỗ trợ phát triển 16 tổ hợp tác, hợp tác xã về sản xuất rau an toàn, cam, ba kích, na dai, chuối mồ côi, cà phê, chăn nuôi dê, bò thuộc 8 tỉnh, 10 huyện, 12 xã trong vùng dự án, trong đó tổ chức 27 khóa tập huấn về lập kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường, kỹ thuật sản xuất, phát triển hợp tác xã, marketing, xây dựng, thảo luận nhóm trọng tâm, tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh, huyện, xã, tham gia hội chợ, xây dựng thương hiệu, nhãn mác, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ cây giống, con giống; 6 hội thảo về liên kết hợp tác xã, tổ hợp tác với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 15 nghiên cứu thị trường; 8 chuyến thăm quan nghiên cứu; 32 cuộc thảo luận nhóm trọng tâm… Đến nay, đã có 6 tổ hợp tác do Chương trình hỗ trợ phát triển lên hợp tác xã, thu hút thêm thành viên tham gia, mang lại thu nhập ngày càng tốt hơn cho các thành viên.

Hiệu quả khi triển khai thực hiện Chương trình

Tại Hội thảo, ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Cạn chia sẻ:  Để thực hiện có hiệu quả chương trình 3PAD, từ năm 2011 Hội ND tỉnh Bắc Cạn đã phối hợp với Ban quản lý dự án 3PAD tổ chức thực hiện một số hoạt động cụ thể như sau: Tổ chức hội nghị triển khai các hợp đồng dịch vụ 21% thuộc quỹ CDF; Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ Hội Nông dân các cấp vùng dự án; Tập huấn nâng cao năng lực cho Nhóm trưởng nhóm sở thích, trưởng thôn, chi hội trưởng, chi hội phó, chủ tịch, phó chủ tịch Hội ND xã; Xây dựng mô hình sản xuất phân vi sinh từ phế thải nông nghiệp; Xây dựng mô hình canh tác bền vững trên đất dốc; Hoạt động mô hình nông dân dạy nông dân; Tập huấn nâng cao năng lực cho nhóm sở thích.

“Trong đó, mô hình canh tác bền vững trên đất dốc với quy mô 60 hộ tham gia/6ha. Đối tượng được hưởng lợi là hội viên nông dân. Mô hình được thiết kế trồng ngô và trồng cỏ theo đường đồng mức giảm xói mòn chống rửa trôi, tăng được thu nhập cho các hộ tham gia mô hình trên cùng đơn vị diện tích so với trồng ngô theo phương pháp truyền thống. Cán bộ kỹ thuật tập huấn cho các học viên theo phương pháp “Cầm tay chỉ việc”, tập huấn trực tiếp tại hiện trường…” ông Quảng cho biết.

Ông Lưu Văn Quảng, Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Cạn phát biểu tại Hội thảo.

Đại diện Hội ND tỉnh Lâm Đồng, bà Nguyễn Thị Tường Vi chia sẻ:  Những năm trước khi triển khai Chương trình MTCP 2, phần lớn nông dân trong tỉnh vẫn sản xuất theo những phương pháp truyền thống do đó còn tồn tại những hạn chế từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, chế biến nên chất lượng cà phê tại địa phương đã không đáp ứng nhu cầu và sự phát triển của các nước trên thế giới. 12% diện tích cà phê của tỉnh Lâm Đồng được trồng cách đây trên 20 năm, 73% diện tích trồng từ 10 đến 20 năm, 20.000ha bị sâu bệnh nặng cần phá bỏ, cà phê chủ yếu được trồng với quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nên chất lượng giống cũng như quy trình canh tác không đảm bảo, nhiều diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả, năng suất, chất lượng đều giảm. Tỉnh Lâm Đồng chưa có cơ sở chế biến nên sản phẩm chủ yếu do các doanh nghiệp thu mua và xuất thô. Chính vì sản phẩm có sức cạnh tranh kém, nông dân chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, bị ép giá… nên giá thấp, không ổn định từ đó đã ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ nông dân (trong đó, phần lớn là nông dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sống tại địa phương).

Với sự hỗ trợ của Hội ND các cấp và chính quyền địa phương, tại huyện Lâm Hà, 2 nhóm liên kết đã thành lập tổ hợp tác (THT), xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Từ 5 thành viên ban đầu của mỗi nhóm, 2 THT sản xuất cà phê bền vững Từ Liêm- Thăng Long và Chi Lăng – Đông Anh đã có 110 thành viên với tổng diện tích trồng cà phê khoảng 200ha. Bà con đã cùng nhau lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ quốc tế, trong đó đặc biệt chú trọng đến sản xuất bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Sau Hội nghị liên kết với doanh nghiệp và tổ chức UTZ quốc tế do Chương trình MTCP2 hỗ trợ, tổ hợp tác đã kết nối được với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, 2 tổ hợp tác đã phát triển thành hợp tác xã và hoạt động hiệu quả.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Còn ông Trần Xuân Thủy, Chủ tịch Hội ND Hà Giang cho biết về những khó khăn gặp phải khi thực hiện đó là, nhiều nơi cán bộ xã còn hạn chế về năng lực chuyên môn và thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa nắm chắc các quy định và mục tiêu chương trình; bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong vùng dự án còn nhiều hạn chế, nên việc tiếp thu về các tiến bộ khoa học và áp dụng vào sản xuất còn chậm và chưa đồng bộ; năng lực một số Ban quản lý nhóm còn yếu và chưa năng động trong triển khai công việc; các nhóm hầu như chưa tự xây dựng được đề án/phương án sản xuất kinh doanh của nhóm mà vẫn cần sự giúp đỡ của cán bộ Hội, hỗ trợ chương trình; sản phẩm hàng hóa của các nhóm còn nhỏ lẻ và manh mún, nên việc tiêu thụ còn phụ thuộc nhiều vào thị trường, do không có nhiều doanh nghiệp/tư thương cam kết và ký kết hợp đồng tiêu thụ; chương trình được triển khai ở các xã đặc biệt khó khăn về  địa hình nên việc di chuyển đến các thôn và các nhóm mất nhiều thời gian, nhất là vào mùa mưa nên ảnh hưởng đến SXKD của các nhóm…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng – chuyên gia cao cấp, Văn phòng IFAD Việt Nam đánh giá cao những kết quả hợp tác toàn diện giữa Hội NDVN và IFAD trong những năm qua. Với mục tiêu hợp tác cùng phát triển các mô hình liên kết nông dân và phát triển chuỗi giá trị bền vững, ông Tùng cho rằng: “Trong thời gian tới 2 bên cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách hỗ trợ dựa trên các thực tiễn hoạt động của Hội NDVN. Đồng thời, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; các liên kết giữa các tổ chức nông dân với các doanh nghiệp cung cấp…”. 

Hải Quỳnh