Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kế thừa và phát triển để Tạp chí Nông thôn mới xứng tầm nhiệm vụ

08:12 10/02/2021 GMT+7

Với mục đích xuất bản một tờ Tạp chí của Hội Nông dân Việt Nam từ những người đặt nền móng cho ra đời Tạp chí Nông thôn mới, đến nay, trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với biết bao thăng trầm, đổi thay và chứa chất bao kỷ niệm buồn, vui nhưng trong hoàn cảnh nào thì các thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên và nhân viên của Tạp chí Nông thôn mới vẫn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi đem đến cho độc giả của mình một lượng lớn thông tin đa chiều, thiết thực, có tính tổng kết, nghiên cứu, lý luận về khoa học nông vận, về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, về công tác Hội và phong trào nông dân vì mục tiêu xây dựng thành công Nông thôn mới giàu có, hạnh phúc, văn minh.

“Nông thôn mới” – Tạp chí nghiên cứu, lý luận về giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của một Tạp chí đối với giai cấp Nông dân và Hội Nông dân Việt Nam, cuối năm 1995, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định thành lập cơ quan Tạp chí của Hội để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nghiên cứu, lý luận về giai cấp Nông dân và vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam. Việc cho ra đời một tờ Tạp chí trước hết là đảm bảo không trùng với tờ báo đã có của Hội vừa khẳng định được vị thế của cơ quan Tạp chí đồng thời thể hiện được tôn chỉ, mục đích và định hướng, quan điểm chính trị của Hội Nông dân Việt Nam – Đây là một vấn đề mới, khó khăn với những người được giao nhiệm vụ đầu tiên để hình thành nên Tạp chí – Ông Lê Hữu Quế, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nông dân Việt Nam lúc bấy giờ (nay là Báo Nông thôn Ngày nay) sau này trở thành Tổng Biên tạp Tạp chí Nông thôn mới được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phân công sang làm nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng Đề án thành lập Tạp chí Nông thôn mới chia sẻ.

Tạp chí “Nông thôn mới” với nhiệm vụ là cơ quan thông tin, nghiên cứu, lý luận của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; diễn đàn của giai cấp Nông dân đã được Ban Thường vụ Trung ương Hội quyết định thành lập vào ngày 19 tháng 12 năm 1995, số đầu tiên được xuất bản và đến tay bạn đọc vào dịp đầu Xuân năm 1996.

Thời kỳ đầu, (từ năm 1996 đến năm 2000) Tạp chí chỉ xuất bản với tần xuất 2 tháng 1 kỳ. Từ năm 2001 đến năm 2016, Tạp chí Nông thôn mới đã xuất bản 2 kỳ trong 1 tháng và kể từ năm 2016 đến nay, Tạp chí Nông thôn mới xuất bản đều đặn 3 kỳ trong 1 tháng. Từ mục đích ban đầu hình thành nên tờ Tạp chí và xuyên suốt các thời kỳ kể từ khi Tạp chí xuất bản số đầu tiên cho đến nay, nội dung của Tạp chí Nông thôn mới luôn bám sát vào tôn chỉ mục đích là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nghiên cứu, lý luận về giai cấp Nông dân và vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam. Các ấn phẩm Tạp chí Nông thôn mới tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nông dân, nông thôn, nông nghiệp; các chương trình, nhiệm vụ công tác của Hội Nông dân Việt Nam; Phản ánh, tổng kết phong trào thi đua yêu nước, tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến của nông dân, của tổ chức Hội nhằm động viên hội viên nông dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế xã hội do Đảng, Nhà nước đề ra. Cùng với đó, Tạp chí đã tập trung phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của nông dân với Đảng, Nhà nước, các cơ quan bộ, ban, ngành có liên quan, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện của báo chí.

Tạp chí Nông thôn mới tổ chức hoạt động hỗ trợ đồng bào miền Trung bị thiên tai trong năm 2020.

Không ngừng đổi mới nội dung và hình thức trong 25 năm qua, Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn mới luôn chú trọng cải tiến nội dung, hình thức của tờ Tạp chí để đáp ứng kịp thời yêu cầu của bạn đọc trên cơ sở giữ vững tôn chỉ, mục đích. Việc xây dựng các mục trên Tạp chí Nông thôn mới được xem xét, cân nhắc lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công tác Hội và thời điểm tuyên truyền nhằm tạo sức hấp dẫn độc giả, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Vì vậy, từng giai đoạn khác nhau, các mục của Tạp chí có sự thay đổi phù hợp như: Mục Vấn đề – Sự kiện rồi Vấn đề hôm nay và đến nay là mục Tiêu điểm; Mục Văn hoá – xã hội, Đời sống nông thôn rồi mục cụ thể hơn như mục Phản ảnh từ cơ sở, Phản hồi; Bạn đọc viết; Tiếng dân; Pháp luật và cuộc sống, Trả lời bạn đọc, Chuyện quê, Văn bản mới, Trên đường Hội nhập; Doanh nghiệp với nông dân; Mục Công tác Hội, Phong trào nông dân, Gương chi hội trưởng, Hoạt động Hội…

Là Tạp chí thông tin, nghiên cứu, lý luận của Hội Nông dân Việt Nam nên Tạp chí đã chú trọng đến việc tổ chức các diễn đàn thông qua hình thức tổ chức các chuyên đề trên mỗi số Tạp chí. Nội dung các chuyên đề có tính định hướng, gợi mở, bàn thảo, giải pháp về những vấn đề có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn gồm chùm bài bàn sâu về một vấn đề cụ thể, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác Hội, bám sát các hoạt động, phong trào của Hội Nông dân để có những bài viết phản ánh, giám sát, phản biện và tuyên truyền.

Nhiều chuyên đề có chất lượng, đề tài sát với thực tiễn hơi thở cuộc sống, được độc giả đón nhận, đánh giá cao, có giá trị giám sát, phản biện như: Chuyên đề “Chính sách từ bàn giấy”; Chuyên đề Chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp; Chăn nuôi an toàn sinh học – giải pháp chống dịch; Chuyên đề Xuất khẩu gạo – lợi nhuận và an ninh lương thực; Làm nông nghiệp tử tế hướng phát triển bền vững; Chuyên đề Đừng để thuốc BVTV thành di họa; Giảm nghèo bền vững – Từ chính sách đến thực tiễn …

Việc bố trí các trang, mục của Tạp chí Nông thôn mới được điều chỉnh trên cơ sở yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền và tiếp thu ý kiến đóng góp của độc giả, các cộng tác viên tránh sự khô cứng nhưng vẫn đảm bảo chức năng thông tin, lý luận và là diễn đàn của giai cấp Nông dân Việt Nam.

Lễ khai mạc Giải vật truyền thống nông dân 14-10 Cúp Tạp chí Nông thôn mới lần thứ XII (Yên Lạc, Vĩnh Phúc từ 26-28.10.2008.

Đổi mới để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và xu thế phát triển của báo chí

Sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là sự phát triển công nghệ trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, với sự bùng nổ của các ứng dụng internet trên toàn thế giới đã ảnh hưởng lớn đến báo chí thế giới và Việt Nam. Sự phát triển về công nghệ thông tin – truyền thông cũng kéo theo thay đổi cách thức báo chí tiếp cận độc giả, thay đổi về phương tiện báo chí sử dụng, thay đổi cách bố trí nhân sự, và thay đổi đời sống của những người làm báo. Nhu cầu thay đổi, thì “cung” – những sản phẩm báo chí, những người làm báo – cũng phải thay đổi kịp mới có cơ hội tồn tại và phát triển. Cơ cấu ấn phẩm của Tạp chí Nông Thôn Mới, cách thức làm báo, bố trí nhân sự cũng cần thay đổi theo cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Mặt khác, thực tiễn về công tác Hội và phong trào nông dân đã có nhiều thay đổi lớn trong những năm gần đây theo hướng tập trung giải quyết các vấn đề cốt lõi của giai cấp Nông dân, tập trung vào yếu tố con người – nông dân – yếu tố trung tâm, chủ thể của “Tam nông”, đòi hỏi Hội luôn đổi mới nội dung phương thức hoạt động cho phù hợp và hiệu quả. Yêu cầu của công tác thông tin, tuyên truyền của tổ chức Hội cần phải đổi mới, công tác nghiên cứu lý luận của Hội cần được chú trọng, đầu tư, tập trung trí tuệ cao hơn nữa. Tạp chí Nông thôn mới là cơ quan thông tin, lý luận của Trung ương Hội vì vậy phải đổi mới để nâng cao chất lượng, ngang tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong 3 năm liên tiếp từ 2018 – 2020 tổ chức thực hiện Lễ Tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”.

Trước những yêu cầu đó, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Ban Biên tập Tạp chí Nông thôn mới xây dựng Đề án “Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Tạp chí Nông thôn mới” và đã được Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phê duyệt trong Quyết định số 2148 – QĐ/HNDTW ngày 03 tháng 7 năm 2020. Đây là một Đề án tổng thể thực hiện Nghị quyết số 19 – NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (Khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” trong đó đổi mới về công tác quản lý gồm đổi mới tổ chức bộ máy, nhân sự (bố trí theo vị trí việc làm); đổi mới về nội dung, hình thức các ấn phẩm Tạp chí Nông thôn mới in và điện tử.

Về tổ chức bộ máy: Kiện toàn đầy đủ Ban Biên tập và phòng, bộ phận, tăng cường phóng viên, biên tập viên có chất lượng cao. Thành lập Hội đồng Biên tập của Tạp chí nhằm giúp nâng cao chất lượng hoạt động trên nhiều mặt, đặc biệt là nâng cao chất lượng nội dung nghiên cứu – lý luận, gia tăng sự lãnh đạo tổng thể của lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và tập trung trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín cao trong nước đối với công tác nghiên cứu, lý luận về khoa học nông vận và lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (định hướng nội dung, thu hút bài viết nghiên cứu từ các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội Nông dân Việt Nam), gia tăng uy tín của tổ chức Hội.

Về đổi mới nội dung các ấn phẩm: Tăng cường dung lượng các bài viết, chuyên đề truyền thông và nghiên cứu, lý luận về giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam, khoa học nông vận, Tam nông; nghiên cứu, phổ biến khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ sản xuất kinh doanh nông nghiệp và những chủ đề liên quan đến đời sống hội viên nông dân; Gia tăng số lượng và chất lượng các bài nghiên cứu, lý luận, đúc kết kinh nghiệm. Đổi mới nội dung tăng hàm lượng các bài có tính nghiên cứu, lý luận; cách trình bày và khuôn khổ Tạp chí Nông thôn mới in. Thống nhất măng séc giữa Tạp chí in và Tạp chí điện tử với cùng một tên gọi là “Nông thôn mới” (thay cho Tạp chí điện tử Làng mới).

Không thể không nhắc đến, trong 25 năm qua, ngoài nhiệm vụ chuyên môn thì Tạp chí Nông thôn mới đã tổ chức được nhiều hoạt động sau báo nổi bật và có ý nghĩa. Tạp chí đã tổ chức thành công Giải vật Truyền thống Nông dân toàn quốc 11 năm liền. Tham mưu và tổ chức chương trình tôn vinh “Nhà Khoa học của Nhà nông” đến nay đã tổ chức được 3 năm liên tiếp; Tổ chức các hội thảo khoa học như: Hội thảo nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, hội thảo Bảo hộ trí tuệ nông sản Việt, Hội thảo “Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc – chân dung một con người trong đổi mới sáng tạo phát triển nông nghiệp”… Cùng với đó, Tạp chí đã tích cực tổ chức các chương trình từ thiện giúp đỡ trẻ em nghèo ở vùng sâu, vùng xa; vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống, đợt lũ lụt trong năm 2020, Tạp chí đã vận động hỗ trợ gần 4 vạn con gà giống, hạt giống, nhu yếu phẩm… giúp đồng bào  miền Trung, được cán bộ, hội viên và độc giả ghi nhận, đánh giá cao.
Có thể nói, trong 25 năm qua, trên bước đường phát triển có cả thuận lợi, khó khăn và hiện nay trực tiếp là những khó khăn do tác động của sự phát triển công nghệ trong lĩnh lực thông tin và truyền thông, phát triển báo mạng điện tử, ảnh hưởng đến báo in; rồi thực hiện kinh tế báo chí khi Tạp chí phải tự chủ tài chính tự đảm bảo một phần kinh phí buộc Tạp chí NTM phải thay đổi, thích ứng cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Xuân 2021 này, độc giả cầm trên tay cuốn “Nông thôn mới” có một diện mạo mới cả về nội dung và hình thức. Dù hình thức trình bày có thay đổi nhưng 25 năm qua, Tạp chí vẫn trung thành với một tên gọi “Nông thôn mới” đầy ý nghĩa và dù có thay đổi thế nào thì trong đó đều kết tinh bởi trí tuệ và mồ hôi, công sức của bao thế hệ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên của Tạp chí Nông thôn mới; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn, Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội; sự quan tâm, phối hợp của các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội; các cấp Hội Nông dân trong cả nước; các cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan… để Tạp chí Nông thôn mới hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được những thành tựu đáng tự hào trong suốt 25 năm qua.

Huyền Đức