Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Kon Tum nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

07:03 19/09/2021 GMT+7

Kon Tum là một trong 21 tỉnh trong cả nước thực hiện Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn giai đoạn 2016 – 2020. Đến nay, Chương trình đã triển khai thực hiện vệ sinh toàn xã tại 15 xã, trong đó có 5 xã đạt tiêu chí vệ sinh toàn xã. Nhiều công trình nước sạch được xây dựng và đi vào hoạt động đã giúp cho hàng ngàn hộ dân nông thôn trong tỉnh được hưởng lợi.

Gia đình ông Trần Phú Trương vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch.

Nước sạch đã được bao phủ khắp các vùng nông thôn

Như nhiều vùng nông thôn khác, xã Đăk Cấm (TP. Kon Tum) hàng năm đến thời điểm mùa khô người dân gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Nhưng năm nay mọi chuyện đã thay đổi, nhiều hộ dân trong xã rất phấn khởi khi trạm cấp nước sinh hoạt xã Đăk Cấm đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 với công suất thiết kế 400 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 870 hộ, tương đương 3.930 nhân khẩu.

Vui mừng khi được sử dụng nguồn nước sạch, ông Trần Phú Trương (thôn 4, xã Đăk Cấm) chia sẻ: “Trước đây sinh hoạt của gia đình là nguồn nước giếng khoan. Tuy nhiên, vào mùa Hè nước giếng cạn kiệt, không đủ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Hiện có thêm nguồn nước sạch, gia đình tôi không lo thiếu nước sử dụng như trước nữa”.

Cũng được hưởng niềm vui khi được sử dụng nguồn nước sạch, hàng ngàn hộ dân tại xã Ia Chim và xã Hòa Bình (TP. Kon Tum) trong thời gian nắng nóng kéo dài gần 2 tháng qua không phải lo cảnh thiếu nước cũng như sử dụng nước chưa đảm bảo an toàn vệ sinh.

Các công trình cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường (NS&VSMTNT) Kon Tum đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Trong đó, công trình cấp nước sinh hoạt xã Ia Chim với công suất thiết kế 415 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 1.050 hộ; công trình cấp nước xã Hòa Bình với công suất thiết kế 350 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 700 hộ. Ngoài ra, công trình cấp nước xã Tân Cảnh, (huyện Đăk Tô) với công suất thiết kế 500 m3/ngày đêm, quy mô cấp nước 1.000 hộ dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2021.

Chương trình cũng đã hỗ trợ xây mới 1.270 nhà tiêu hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Triển khai các hoạt động truyền thông, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường. Tỷ lệ hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh tại các xã nằm trong chương trình đạt hơn 70% và 100% số trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh…

Ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Kon Tum cho biết, việc xây dựng các dự án nước sạch nằm trong danh mục quy hoạch đầu tư của tỉnh Kon Tum và đặc biệt là dựa trên nhu cầu sinh hoạt cần thiết và sức khỏe của người dân. Như 2 dự án tại xã Đăk La và cụm xã Diên Bình (huyện Đăk Tô), xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) sau nhiều năm hoạt động, sức khỏe người dân đã được cải thiện hơn rất nhiều, không còn mắc bệnh tiêu chảy, đau mắt như trước đây.

Mặc dù nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng ông Đặng Trần Huân thừa nhận, hiện nhu cầu dùng nước sạch của người dân vẫn còn khiêm tốn. Nếu so với công suất thiết kế của các trạm nước và nhu cầu sử dụng của người dân vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân là do người dân vẫn có thói quen dùng nước giếng trong sinh hoạt gia đình. “Cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nghèo nên họ chưa chấp nhận việc hàng tháng phải bỏ ra số tiền để trả cho việc dùng nước sạch. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Huân cho biết.

Công trình nước sinh hoạt xã Đăk Cấm mới được đưa vào sử dụng cuối năm 2020.

Cần thành lập Tổ tự quản để quản lý, vận hành nguồn nước sạch hiệu quả

Điều đáng quan tâm là nhiều công trình nước sạch ít được các địa phương chú trọng khâu quản lý, vận hành nên không phát huy tác dụng. Tại xã Đăk Môn (Đăk Glei), người dân phản ánh, công trình nước tự chảy mới được xây dựng thì vài ngày sau lại không có nước. Lý do là người dân đục phá đường ống dẫn nước để nguồn nước thất thoát ra ngoài. Hay như tại xã Đăk Uy (Đăk Hà), công trình cấp nước được đầu tư hơn 40 tỷ đồng và đưa vào sử dụng từ năm 2011, nhưng đến nay đã dừng hoạt động do giếng khoan không đủ lượng nước cung cấp theo thiết kế và 2/3 khóa nước đã bị bẻ gãy, dân nhét giẻ đóng nước dẫn đến lượng nước thất thoát lớn. Theo đánh giá của HĐND tỉnh, có khoảng 61% công trình nước đang hoạt động, còn lại không phát huy hiệu quả.

Theo ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT Kon Tum: Để công trình cấp nước phát huy hiệu quả, các địa phương cần phải thành lập tổ tự quản (Ban Quản lý) do cộng đồng bầu ra để quản lý, vận hành và bảo dưỡng công trình. Tổ tự quản có từ 2-3 người và phải có quy chế quản lý, vận hành. Mô hình này cũng đã được Trung tâm NS&VSMTNT tập huấn cho các xã. Người dân sử dụng nước hàng tháng phải hỗ trợ một khoản tiền cho tổ tự quản để họ quản lý công trình. Không thành lập tổ tự quản, công trình trở thành “cha chung không ai khóc”, hư hỏng không ai lo, người dân tự tiện đục phá…

Mô hình này đã được một số địa phương thành lập, đem lại hiệu quả thiết thực như: Tổ dịch vụ thị trấn Đăk Tô, Kon Rẫy, Đăk Hà…. Các Ban Quản lý đều xây dựng quy chế hoạt động, phương án quản lý và sử dụng nước, có thu tiền nước để trang trải chi phí quản lý công trình. Theo đánh giá của Sở NNPTNT, địa phương nào thành lập Tổ tự quản, Tổ dịch vụ thì công trình được quan tâm và vận hành tương đối tốt; tuổi thọ công trình kéo dài. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục từng bước đổi mới công nghệ cấp nước, đảm bảo chất lượng nước và phát huy tối đa công suất thiết kế; đồng thời chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý, vận hành…

“Hiện toàn tỉnh Kon Tum có 359 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, số công trình hoạt động tốt là 18%, hoạt động bình thường 65% và hoạt động kém là 17%. Hiện tại giá nước được áp dụng là 6.200 đồng/m3, trong đó tỉnh Kon Tum cũng hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương hàng năm. Việc các dự án được xây dựng nhằm giúp người dân nâng cao văn hóa dùng nước sạch, đảm bảo sức khỏe hơn”.
Ông Đặng Trần Huân, Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Kon Tum.

Bài, ảnh: Tuấn Anh