Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 15:09 05/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thông qua các hoạt động, đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, phát triển nông nghiệp hữu cơ như các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng tới toàn diện, bền vững và hiện đại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng, quảng bá và phát triển nhãn hiệu sở hữu cộng đồng đối với sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương.

Thông qua Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) xếp hạng cấp tỉnh Lâm Đồng có 406 sản phẩm của 220 chủ thể. Qua kết quả rà soát của các huyện, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng có 416 sản phẩm của 223 chủ thể được đánh giá, phân hạng sao OCOP. Trong đó, có 52 sản phẩm OCOP của 18 chủ thể được UBND TP. Đà Lạt cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Được biết, chứng nhận độc quyền thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” theo Quyết định số: 87022/QĐ-SHTT ngày 8/12/2017 gắn kết với 4 sản phẩm gồm: rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông của Đà Lạt - Lâm Đồng.

Với Đề án nhập khẩu giống hoa có bản quyền để phục vụ sản xuất giai đoạn 2021-2025, các công ty nhập khẩu đã nhận được 26 giấy phép kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp, trong đó Công ty TNHH Đà Lạt Hasfarm có 20 giấy phép; Công ty TNHH Linh Ngọc có 3 giấy phép; Công ty TNHH Hoa Chi An có 2 giấy phép; Công ty TNHH Hồng Hoàng có 1 giấy phép. Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đang đề nghị Cục Bảo vệ thực vật hỗ trợ cấp 31 Giấy phép kiểm dịch thực vật đối với 47 giống hoa mới nhập khẩu theo kế hoạch.

Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Ảnh: Vân Nguyễn

Trong công tác thực hiện Chương trình Hỗ trợ phát triển sản xuất giống chủ lực quốc gia và giống khác trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng triển khai Dự án “Khảo nghiệm, xây dựng mô hình và công bố lưu hành một số giống hoa cúc mới lai tạo tại Đà Lạt”. Kết quả Đề án đã phát triển đa dạng hoá sản phẩm hoa đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, góp phần xây dựng và phát triển nhãn hiệu hoa Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng còn phát triển 251 chuỗi liên kết với sự tham gia của 28.893 nông hộ trồng trọt và 2.936 nông hộ chăn nuôi. Quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 53.846,8ha, sản lượng 608.332 tấn, 146 triệu cành hoa; trong chăn nuôi đạt 584.600 con gà; 187.000 con chim cút; 245.200 con heo, 27.502 con bò sữa, 1.600 con bò thịt; 326,5ha dâu tằm; 8.825 đàn ong mật, sản lượng 164.507 tấn.

Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận 17 nhãn hiệu cà phê Arabica Langbiang, rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, cà phê Cầu Đất, dứa Cayenne Đơn Dương, Mác Mác Đơn Dương, trà B’Lao, cà phê Di Linh, tơ lụa Bảo Lộc, sầu riêng Đạ Huoai, diệp hạ châu Cát Tiên, gạo nếp quýt Đạ Tẻh, dâu tây Đà Lạt, hồng Đà Lạt, củ năng Pró, quýt D'ran; 9 nhãn hiệu tập thể lúa gạo Cát Tiên, rượu cần Lang Biang, chuối Laba, nấm Đơn Dương, cá nước lạnh Đà Lạt, bánh tráng Lạc Lâm, mây tre đan Madaguôi, cồng chiêng LangBiang, nấm Đức Trọng. Riêng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng 7 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Thực hiện Quyết định số 892/QĐ-UBND ngày 24/5/2022 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng tập trung đăng ký bảo hộ ra nước ngoài từ 2 nhãn hiệu chứng nhận có tiềm năng xuất khẩu, phấn đấu ít nhất 60% sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; hỗ trợ 1-2 đơn vị bảo hộ giống cây trồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã được cấp 67 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Trong đó, có 65 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 3.416,2ha, 2 mã số vùng trồng chanh leo với diện tích 111ha. Ngoài ra, có 138 cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh nông - lâm - thủy sản đang sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã triển khai 2 dự án hình thành, nâng cấp các Trung tâm Sau thu hoạch gắn với phát triển chuỗi liên kết là: Dự án hình thành Trung tâm Sau thu hoạch gắn với tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Thành và Dự án hình thành, nâng cấp Trung tâm Sau thu hoạch gắn với liên kết phát triển sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Green Leaf Lâm Đồng, qua đó góp phần kiểm soát chất lượng rau, củ, quả của Đà Lạt và các vùng phụ cận, nâng cao giá trị nhãn hiệu tập thể.

Ngoài ra, giai đoạn 2024 - 2025, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ tuyên truyền, vận động thành lập mới mỗi năm 30 hợp tác xã (HTX); mỗi huyện, thành phố phát triển ít nhất 2 HTX, trong đó 1 mô hình HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Cùng với đó phấn đấu 60% thành viên, người lao động trong HTX, liên hiệp HTX được tuyên truyền, phổ biến về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, HTX; 70% cán bộ quản lý bồi dưỡng kiến thức về HTX.

Tiếp tục triển khai Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”; hỗ trợ HTX do phụ nữ quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; tổ chức hội nghị điển hình tiên tiến, diễn đàn kinh tế tập thể, HTX để tôn vinh, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo…

Ngành Nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vừa qua, Cục Thống kê tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024. Theo đó kinh tế của tỉnh đã chịu nhiều tác động từ sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, chuỗi cung ứng hàng hóa, giá nhân công, nguyên liệu,…