Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lào Cai đưa OCOP đến với đồng bào dân tộc thiểu số

Văn Sáng - 07:05 04/12/2021 GMT+7
Là tỉnh biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lào Cai có nhiều lợi thế khi triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trên những nền tảng sẵn có, Lào Cai đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy OCOP theo hướng tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Các sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng trong năm 2020 của Lào Cai.

Đã công nhận 78 sản phẩm OCOP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP ngày 7.5.2018, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện. Trong đó, địa phương đã ban hành các chính sách để hỗ trợ cho sản phẩm đạt sao OCOP. Cụ thể, sản phẩm 3 sao được thưởng 15 triệu đồng, sản phẩm 4 sao được thưởng 30 triệu đồng; sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia được thưởng 80 triệu đồng. Từ đây, đã góp phần tạo ra phong trào phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương.

Qua gần 3 năm triển khai, đến nay, Lào Cai đã tổ chức được 5 đợt đánh giá sản phẩm OCOP, công nhận 78 sản phẩm OCOP của 47 doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình trên địa bàn 39 xã, phường, thị trấn thộc 8/9 huyện, thị xã, thành phố. Các sản phẩm thuộc đủ 6 nhóm ngành gồm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ trang trí, vải may mặc, dược liệu và dịch vụ du lịch và bán hàng. Trong đó có 20 sản phẩm 4 sao và 58 sản phẩm 3 sao.

Để góp phần đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các Hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, đồng thời phối hợp với phía Trung Quốc tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ nông sản, trong đó có các sản phẩm được chứng nhận OCOP. Cùng với hoạt động này, địa phương cập nhật thường xuyên thông tin sản phẩm OCOP trên cổng thông tin điện tử của các sở, ngành, bản tin của ngành Công Thương, Nông nghiệp,… 

Lào Cai cũng tổ chức các khóa đào tạo về thương mại điện tử cho trên 180 học viên đến từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất nhằm đào tạo, nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân trong việc áp dụng thương mại điện tử cho marketing sản phẩm OCOP một cách hiệu quả. Đến nay, trên toàn tỉnh đã có 69 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với quy mô gần 10.600ha, liên kết với gần 21.500 hộ nông dân, giá trị liên kết trên 926 tỷ đồng. Các sản phẩm ngành hàng quan trọng ưu tiên hỗ trợ như: Chè, quế, gạo chất lượng cao, cây dược liệu, rau trái vụ, cây quả ôn đới, gia súc gia cầm bản địa và cá hồi, cá tầm.

Phát triển sản phẩm du lịch góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, tăng thêm thu nhập cho người dân.

Đổi mới tư duy từ OCOP

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, từ những kết quả của Chương trình OCOP đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,46%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,6 triệu đồng. Đáng chú ý, thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng các cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP vẫn hoạt động bình thường, doanh thu tăng từ 10-30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.

Với 5.000m2 đất trồng cây atiso, mỗi năm, gia đình anh Má A Thào (phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) thu về 70-80 triệu đồng. “Trồng atiso mang lại thu nhập cao và ổn định hơn trồng lúa. Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng một vụ lúa rồi bỏ hoang đất. Sau khi được Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sapa hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, chúng tôi đã biết trồng loại cây này. Công ty còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Thào cho biết.

Không chỉ anh Thào, hàng nghìn nông dân đồng bào DTTS ở Lào Cai đã từng bước thay đổi tư duy sản xuất sau khi tham gia OCOP. Chương trình OCOP cũng giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai đánh giá, Chương trình OCOP đã góp phần thay đổi đáng kể cho ngành Nông nghiệp về chất lượng cũng như vị thế sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế. Trên nền tảng các sản phẩm OCOP, tỉnh sẽ đầu tư quy hoạch lại các vùng có quy mô lớn, chất lượng đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu, cũng như đẩy mạnh chế biến.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Sở NN&PTNT Lào Cai, địa phương vẫn còn nhiều khó khăn trong triển khai Chương trình OCOP. Cụ thể, một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP quy mô còn nhỏ, chưa mang tính hàng hóa cao. Đồng thời, các sản phẩm đánh giá trong thời gian vừa qua đa số là sản phẩm sẵn có, còn các sản phẩm và ý tưởng mới chưa được các địa phương quan tâm định hướng phát triển.

Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và người sản xuất tham gia Chương trình còn chưa quan tâm, tìm hiểu sâu về sản xuất bền vững dẫn đến mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau,...

Nhằm khắc phục những khó khăn trên, Sở NN&PTNT Lào Cai cho biết, địa phương sẽ thường xuyên tổ chức truyền thông, nâng cao nhận thức và cách thức triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.

Trên cơ sở xem OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và nâng cao giá trị gia tăng để góp phần xây dựng dựng nông thôn mới bền vững, Lào Cai sẽ phân công lãnh đạo đứng đầu Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của chương trình. Tiếp đến, địa phương sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, quan tâm đến phát triển sản phẩm 5 sao. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm,… đảm bảo theo quy định.

Xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình, do vậy, Lào Cai phấn đấu hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập. Từ đó, mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững. 

Chương trình OCOP đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm của các địa phương của tỉnh Lào Cai với mức tăng bình quân khoảng 17,6%/năm. Ngoài ra, Chương trình còn mang lại công ăn việc làm và thu nhập tốt hơn cho người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.