Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài: Được hỗ trợ tiền nếu bị rủi ro do Covid-19

09:28 15/04/2020 GMT+7
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến ngày 26.3, Việt Nam có 560.000 lao động đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, tuy nhiên hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19. Lao động đang làm việc ở

Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến ngày 26.3, Việt Nam có 560.000 lao động đang làm việc tại 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19, tuy nhiên hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Covid-19. Lao động đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc do dịch Covid-19 ngoài được trả phí môi giới, tiền dịch vụ, sẽ được hỗ trợ từ Quỹ việc làm ngoài nước.

Thực tập sinh Việt Nam làm việc tại một tòa nhà ở Tokyo.(Ảnh minh họa Ken Kobayashi- NikkeiAseanReview).

Thị trường tuyển dụng chính co hẹp

Theo trang điện tử chuyên kết nối việc làm “Saramin” của Hàn Quốc ngày 26.3 công bố kết quả phân tích các thông báo tuyển dụng đăng trên trang này từ đầu năm tới tuần thứ hai của tháng 3.2020. Theo đó, thời điểm cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 thường là thời điểm các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên mới nhiều nhất trong nửa đầu năm, nhưng năm nay số lượng thông báo tuyển dụng đã giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019, số thông báo tuyển dụng nhân viên có kinh nghiệm giảm 7,2%, thông báo tuyển dụng nhân viên mới giảm tới 17,3%.

Tuy nhiên, một số tập đoàn lớn như SK, Lotte, Posco vẫn tổ chức các buổi tuyển dụng theo hình thức trực tuyến. 32 công ty thành viên của tập đoàn Lotte đang tiến hành tuyển dụng nhân viên mới. Tập đoàn này dự kiến sẽ kéo dài thời gian tiếp nhận hồ sơ, lùi một tháng thời gian đánh giá hồ sơ và phỏng vấn.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Nhật Bản sẽ tạm dừng hiệu lực của thị thực (visa) lần 1 và nhiều lần đã được Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán nước này cấp đối với các nước ASEAN và các quốc gia khác, thời hạn áp dụng kể từ 0 giờ ngày 28.3 cho đến cuối tháng 4. Trong thời gian này, các thực tập sinh và lao động sẽ không được nhập cảnh vào Nhật Bản. Đối với thực tập sinh, lao động tạm thời về nước (khi xuất cảnh Nhật Bản có khai báo về nước tạm thời và sẽ tái nhập cảnh) được phép tái nhập cảnh nhưng bắt buộc phải kiểm tra y tế và cách ly 14 ngày.

Lao động Việt Nam vẫn làm việc bình thường

Tại Hàn Quốc hiện có khoảng 48.000 lao động Việt Nam đang làm việc. Các địa phương là tâm dịch của Hàn Quốc đều có lao động Việt Nam như: Daegu có 1.000 người, Gyeongbuk có 3.007 người. Hiện nay, các lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và tại các địa phương trên vẫn đi làm bình thường.
Tại Nhật Bản, có khoảng 230.000 thực tập sinh/lao động người Việt đang làm việc tại 47 tỉnh, thành (số này chưa bao gồm khoảng 9.000 người là thực tập sinh đã bỏ trốn, đang cư trú bất hợp pháp). Các doanh nghiệp của Nhật Bản vẫn hoạt động bình thường và thực hiện nghiêm việc cho nhân viên nghỉ khi có biểu hiện sốt, ho cùng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm.

Còn tại Đài Loan (Trung Quốc) có 224.713 lao động Việt Nam đang làm việc. Theo thông báo của phía Đài Loan, kể từ 0h ngày 19.3, tất cả người nước ngoài bị cấm nhập cảnh trừ những người nước ngoài có thẻ cư trú Đài Loan (ARC), giấy tờ chứng minh ngoại giao, công vụ, giấy tờ chứng minh đang thực hiện thương vụ và giấy tờ chứng minh đặc biệt khác. Lệnh cấm này vô thời hạn, cho đến khi có thông báo tiếp theo của các cơ quan chức năng.

Biểu đồ về số lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài về nước trong Quý I.2020 (nguồn Bộ LĐTBXH)

Trong khi đó, châu Âu có hơn 10.000 lao động Việt làm việc tại 13 quốc gia. Romania có hơn 5.000 lao động, tiếp đến là Đức, Belarus đều có hơn 1.000 lao động.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Đến ngày 26.3, chưa có lao động Việt Nam nào ở nước ngoài bị nhiễm bệnh Covid-19. Đây là số liệu cập nhật thường xuyên từ các ban Quản lý lao động tại thị trường nước ngoài”. Theo đánh giá của của Bộ LĐTB&XH, hiện người lao động (NLĐ) Việt Nam đang làm việc tại các nước có dịch COVID-19 vẫn tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về y tế của nước sở tại, chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Qua khảo sát, NLĐ chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này.

Việt Nam hiện đã ghi nhận các trường hợp nhiễm dịch Covid-19 là khách du lịch nước ngoài và du học sinh Việt Nam trở về nước. Ông Tống Hải Nam cho rằng, du học sinh Việt Nam mắc dịch nhiều có thể do lây nhiễm trong quá trình di chuyển qua đường hàng không về Việt Nam, hoặc bị nhiễm ở nước ngoài khi tham gia giao thông công cộng, đi làm thêm ngoài giờ… “Còn lao động Việt Nam phần lớn ở tập trung gần khu vực nhà máy, cách xa các thành phố đông dân cư. Trong thời gian này, các chủ sử dụng lao động quản lý rất chặt chẽ, theo dõi sát tình hình sức khỏe của người lao động” – ông Nam nói.

Hỗ trợ cho lao động gặp rủi ro tối đa 5 triệu đồng/người

Trong quý 1.2020, số lao động về nước là 4.929 người, chủ yếu là do hết hạn hợp đồng, từ một số thị trường chính như là Nhật Bản (2.978 người), Hàn Quốc (1.255 người) và Đài Loan (633 người).
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ LĐTBXH đã hướng dẫn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch. Theo đó, những lao động này sẽ được hoàn trả tiền môi giới theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT- BLĐTBXH-BTP ngày 4.9.2007.

Cụ thể, NLĐ phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của NLĐ thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại một phần tiền môi giới NLĐ đã nộp theo nguyên tắc: NLĐ làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Nếu làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho NLĐ theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế, theo quy định của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với tiền dịch vụ, trường hợp NLĐ phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của NLĐ thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế NLĐ làm việc ở nước ngoài.

Ngoài ra, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trong một số trường hợp rủi ro khách quan khác được hỗ trợ từ nguồn kinh phí Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Mức hỗ trợ được Bộ trưởng Bộ LĐTBXH quyết định tối đa 5 triệu đồng/người. Tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19, mức độ, số lượng NLĐ bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng sẽ hỗ trợ NLĐ, doanh nghiệp khi cần thiết.

Bộ LĐTBXH đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp rà soát, tổng hợp, báo cáo số lượng lao động đang làm việc tại các quốc gia, lao động phục vụ trên các tàu quốc tế, thuyền viên tàu vận tải, thuyền viên tàu cá, đặc biệt số lao động có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19. Cập nhật danh sách ngay khi NLĐ về nước. Đối với NLĐ về nước từ vùng dịch do hết thời hạn hợp đồng và những trường hợp cá biệt khác, khuyến cáo NLĐ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về y tế, cách ly y tế theo quy định.

Trung Kiên