Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông sản Việt vươn lên bàn tiệc 5 sao

Nguyên Đức - 06:37 27/01/2025 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chuẩn bị mùa Giáng sinh và năm mới 2025, anh Nguyễn Đức Quỳnh, giới thiệu lên trang mạng xã hội của mình những hình ảnh tươi mới về nông sản vùng rừng núi Tây Giang (Quảng Nam). Anh kể rằng, đây chỉ là một phần những gì anh và các cộng sự đang làm, đưa hương vị thiên nhiên về với thành phố, và để những món ăn Việt Nam, từng bước, từng bước, vươn mình lên bàn tiệc 5 sao.

Nguyễn Đức Quỳnh, hiện đang là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khu Du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort Đà Nẵng). Anh đặt mục tiêu xây dựng một khu nghỉ dưỡng ẩm thực chất lượng và tinh tế, tổ chức các sự kiện tốt nhất cho Đà Nẵng, với mấu chốt là tôn vinh những giá trị nông sản - thực phẩm Việt Nam.

Anh Nguyễn Đức Quỳnh giới thiệu chương trình hành trình ẩm thực Việt.

Từ đam mê ẩm thực…

“Tôi nấu ăn được”- Nguyễn Đức Quỳnh luôn tự giới thiệu bản thân như thế, và niềm vui mỗi ngày của anh chỉ là vào bếp nấu món ăn đãi người thân, mời bạn bè. Anh cho biết, gia đình anh có truyền thống ẩm thực, anh toàn tiếp xúc không gian và hương vị những món ngon, nên tự nhiên ham mê nấu ăn. 

Điều khiến Quỳnh bận tâm, là vì sao trong những nhà hàng chuẩn sao, lại ít món ăn Việt. Thế giới ẩm thực người Việt có bao món ăn ngon, sao lại không thể đặt cạnh món nước khác? “Thiếu định tính định lượng, là lý do chúng ta khó giới thiệu món Việt với công chúng toàn cầu. Cùng một tô canh bí đao nấu xương, nhưng bao nhiêu lạng xương, bao nhiêu lạng bí, gia vị thế nào, và cách nấu thế nào, cung cấp bao nhiêu calo cho người ăn, tất cả đều chỉ do cảm tính của người nấu quyết định, không đo đếm được”. Quỳnh tâm tư như vậy.

Bởi thế, ở nhà hàng Furama, anh đưa ra thực đơn “mâm cơm đồng”, giới thiệu cùng du khách châu Âu, châu Mỹ những món ăn quen ở bếp Việt, nhưng được tính kỹ chất liệu, khối lượng, calo… Anh phát hiện tiếp vấn đề, là để cung ứng cho nhà hàng chất lượng, người nấu phải có trách nhiệm truy xuất nguồn nguyên liệu món ăn, phải là nông sản rõ nguồn gốc, có quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến… hợp lý và tự nhiên nhất. 

Thế là Nguyễn Đức Quỳnh cùng Hội Khách sạn Đà Nẵng tìm đầu mối nông sản chất lượng, và anh đến với bà con xã Tr’Hy (Tây Giang, Quảng Nam). “Ấy là một vùng nông nghiệp trải dài, những người nông dân thuần hậu, và rất nghèo. Mình không xa lạ cảnh nghèo, nhưng với bà con ở đây, cảm giác rất khác, là họ lại nghiễm nhiên chấp nhận cuộc sống khó khăn”. Một cách tự nhiên, anh đặt vấn đề làm sao thay đổi đời sống bà con, và câu trả lời nhận được rất đơn giản, là “chỉ cần bán được rau củ”.

Nông sản Việt lên kệ siêu thị và được các thực khách nếm trải.

Đưa nông sản lên bàn tiệc 

Nguyễn Đức Quỳnh đàm phán cùng những đối tác của mình, kiến nghị nhà đầu tư, thăm dò khách hàng, quyết định đầu tư vào chất lượng nông sản cung cấp cho các nhà hàng, tạo đầu ra cho các loại nông sản của bà con nông dân. Cùng với Hội Khách sạn Đà Nẵng, Khu nghỉ dưỡng Furama đã cam kết đón nhận các đơn hàng rau củ từ vùng núi rừng Tây Giang. Những thực khách đến với nhà hàng làm quen dần với thực đơn “Việt hóa”. Tiến thêm một bước, từ đầu năm 2024, anh Quỳnh cùng các cộng sự tổ chức chương trình “hành trình ẩm thực Việt”, biến câu chuyện món ăn Việt thành đề tài hào hứng cho hoạt động du lịch tại Đà Nẵng, Huế và Quảng Nam.

Xác định rõ chất lượng chính là tiêu chí quan trọng để nông sản “lọt vào” bếp ăn chuẩn sao, Hội Khách sạn Đà Nẵng đã phối hợp các hợp tác xã nông nghiệp Quảng Nam, tiêu biểu là đơn vị Việt Farm, mời gọi các chuyên gia nông nghiệp đến với Tây Giang, hướng dẫn bà con nông dân cải tạo giống cây, phương thức canh tác. Đây được xem là giải pháp căn cơ, để thay đổi các loại nông sản từ xã Tr’Hy, định hướng đầu tư các vùng nông sản khác, tạo quy trình “chuỗi giá trị nông sản an toàn nhất” cho hoạt động canh tác nông nghiệp. Theo anh Quỳnh, chỉ khi nào người nông dân tuân thủ những quy trình canh tác nông nghiệp chất lượng cao, các nguồn nông sản Việt Nam mới vững vàng nhập vào các kho hàng thực phẩm, tiến tới các bàn ăn thế giới!

Ông Lê Hoàng Linh, Bí thư Đảng ủy xã Tr’Hy chia sẻ, Tr’Hy là xã vùng cao, cửa ngõ nối liền huyện lỵ Tây Giang với các xã nằm sâu trong rừng núi. Sự thay đổi đời sống người dân ở đây có ý nghĩa đặc biệt với địa phương. Do đó, chính quyền đã hết sức hợp tác cùng chương trình hành động của Hội Khách sạn Đà Nẵng. Chỉ qua một thời gian ngắn, phối hợp cùng các HTX, và cả bộ đội Biên phòng vào cuộc, toàn bộ người dân Tr’Hy đã đẩy mạnh sản xuất canh tác, tổ chức thu hoạch rau củ quả với các tiêu chuẩn ngày càng ngon ngọt hơn. “Chúng tôi có hơn 800 nhân khẩu, tất cả đều tham gia vào chương trình thay đổi nông thôn này, ai ai cũng vui mừng”. Ông Linh nhấn mạnh như vậy.

Dịp 30/4/2024 được xem là mốc thay đổi của bà con nông dân Tây Giang, khi Furama tổ chức sự kiện “điểm nhấn ẩm thực Việt”, mời những người nông dân Tr’Hy về Đà Nẵng để tự giới thiệu sản vật quê nhà. Hơn 20ha vườn ruộng của bà con đã trở thành điểm sản xuất nông sản chất lượng. Các cô gái Tr’Hy đã lập hẳn đội múa với những nhạc điệu quê hương Quảng Nam, hào hứng giới thiệu vùng đất xa với thực khách nước ngoài. Sau những giọt nước mắt và nụ cười đôn hậu của họ, sáng bừng lên khí sắc một vùng đất đang thay da đổi thịt, chấm dứt quan niệm nghèo khó bao đời, từng bước no đủ, an hòa.

Cơm mâm đồng lên bàn tiệc nhà hàng 5 sao.

Khát vọng hương rừng giữa phố…

Sản vật Tây Giang đã hiện hữu với du lịch Đà Nẵng, nhưng Nguyễn Đức Quỳnh chưa dừng lại. Bắt đầu mùa Đông năm Giáp Thìn, anh báo tin các loại nông sản Tr’Hy hiện diện ở Siêu thị Mena Gourmet (Menas Mall Saigon Airport, cạnh Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, Tân Bình, TP.HCM).

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Menas Việt Nam, ban đầu khi anh Quỳnh đề nghị đưa nông sản Quảng Nam vào danh mục hàng hóa siêu thị, cũng có những ý kiến lo ngại. Song trước những kết quả mà chương trình “hành trình ẩm thực Việt” được Khách sạn Furama và Hội Khách sạn Đà Nẵng làm được, từ những ghi nhận qua thực khách đã dùng món ăn tại khu nghỉ dưỡng miền Trung, những người dè dặt nhất cũng “xiêu lòng”. 

“Nhất là, khi câu chuyện món ăn Việt của chúng ta, thành quả lao động của bà con nông dân phải làm sao đưa được vào bàn ăn cao cấp, gần như tâm tư mọi người đều lay động. Những khát khao, tự hào về ẩm thực Việt khiến mọi người “đồng hành cùng nông sản Tây Giang”. Bên cạnh những chủng loại hàng hóa nhập khẩu, các loại nông sản Việt đã lên kệ hàng Mena Gourmet”. Anh Nguyễn Đức Quỳnh cho biết như vậy. Anh thông tin thêm, trước mắt siêu thị này giới thiệu một số sản vật đặc trưng Tây Giang, và khi các đầu bếp, bà nội trợ… đến với siêu thị, là ngỡ ngàng mà lập tức muốn được thử nghiệm những gì được giới thiệu. Thậm chí, theo hỗ trợ của siêu thị, các loại nông sản, thực phẩm được bày bán còn “đi kèm” những “thực phổ” hấp dẫn về cách chế biến, làm các loại nông sản gần gũi hơn và chắc chắn đạt hiệu quả “làm ra món ngon” hơn.

Những tín hiệu ban đầu qua bán hàng nông sản Tây Giang tại hệ thống siêu thị cao cấp, đã củng cố thêm niềm tin cho anh Nguyễn Đức Quỳnh và các cộng sự của anh. Theo anh, từ mùa Hè 2025, chương trình hành động ẩm thực Việt sẽ tìm thêm những nông sản mới, ở vùng quê Quảng Nam, và mở rộng thêm nhiều vùng quê hương khác. Tất cả hướng đến mục tiêu: Nỗ lực đem lại nhiều giá trị tôn vinh nông sản Việt đến với đông đảo người tiêu dùng trong nước cùng du khách quốc tế. 

Ông Nguyễn Ngọc Quý chia sẻ: “Chúng tôi tin việc xây dựng, phân phối nguồn nông sản địa phương sẽ giúp phát huy giá trị văn hóa và nông sản địa phương một cách bền vững, góp phần bảo tồn nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Chúng ta không chỉ tạo những giá trị tiêu dùng cao hơn mà còn chung sức gắn kết lâu dài với người nông dân, tôn vinh và đồng hành với họ”.

“Vậy hóa ra, hành trình ẩm thực Việt mà anh muốn là đưa món ăn Việt làm quen với thực khách quốc tế, vươn lên những bàn ăn quốc tế, đưa hương vị quê nhà đến từng bếp ăn thế giới?”. Trả lời câu hỏi này, Nguyễn Đức Quỳnh mỉm cười, chuyển sang nói về định hướng mới, từ hành trình giới thiệu những món ăn Việt, làm sao góp phần đào tạo nhân sự ở các khu nghỉ dưỡng, ở các đơn vị du lịch, lữ hành. Anh nói: “Sứ mệnh cao cả của người làm ẩm thực, không chỉ là sáng tạo ra những món ăn ngon, mà còn là bảo tồn văn hóa và lịch sử qua từng hương vị. Mỗi món ăn là một câu chuyện, và người đầu bếp chính là người kể chuyện, truyền tải tinh hoa của một vùng đất đến từng thực khách”. 
 

Tăng cường quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, cả nước đã có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp để phục vụ xuất khẩu theo yêu cầu của các thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ giám sát mã số sau khi cấp đối với vùng trồng là 40,8%, cơ sở đóng gói là 17%, những tỷ lệ này quá thấp so với yêu cầu thực tế.