Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Mỗi năm, tỉnh Cà Mau mất gần 800ha rừng phòng hộ ven biển do sạt lở

10:33 21/09/2019 GMT+7
Tối 19/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp về sạt lở Biển Đông và sạt lở sông ngòi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này đang có 8 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 27km, làm mất 17.330ha rừng phòng hộ

Tối 19/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã ký quyết định ban bố tình huống khẩn cấp về sạt lở Biển Đông và sạt lở sông ngòi trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh này đang có 8 đoạn sạt lở nghiêm trọng với chiều dài gần 27km, làm mất 17.330ha rừng phòng hộ uy hiếp trực tiếp hàng ngàn hộ dân sinh sống, đang cần những giải pháp cấp bách cứu dân, níu đất, giữ rừng.

Rừng phòng hộ Biển Đông tháng 9/2019 đang bị tàn phá bởi biến đổi khí hậu. Mỗi năm, Cà Mau mất gần 800ha rừng phòng hộ ven biển. Từ năm 1984 đến nay, Cà Mau đã mất 122km2 đất rừng, tương đương 55 lần diện tích huyện Cồn Cỏ, 17% diện tích Singapore, 15% diện tích tỉnh Bắc Ninh.

Thủy thần giận dữ đôi bờ Đông – Tây

Bán đảo Cà Mau với hai mặt giáp biển, nơi có hai hệ sinh thái mặn ngọt đặc trưng của vùng châu thổ đa dạng bậc nhất thế giới bởi ưu đãi của thiên nhiên. Là nơi cuối dòng Mêkông nên được phù sa tích tụ, tạo thành cánh rừng ngập mặn có diện tích lớn thứ 2 thế giới sau rừng Amazone Nam Mỹ, cùng với rừng nước ngọt U Minh hạ cuối dòng Mêkông nổi tiếng.

Thế nhưng, những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, khó đối phó, khiến bờ  biển Đông-Tây và sông ngòi Cà Mau bị sạt lở nghiêm trọng. Tác động trực tiếp đến cả hai hệ sinh thái nước ngọt mặn, tàn phá hàng chục ngàn hecta rừng.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Thái – Viện phó Viện Thuỷ công, nếu tính từ năm 1984, với số liệu đo đạc được về tình trạng sạt lở ven biển hai bờ Đông – Tây và sông ngòi, Cà Mau đã bị mất hơn 122km2 đất (chủ yếu là rừng phòng hộ), tương đương hơn 55 lần diện tích huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị), 17% diện tích đất nước Singapore, gần 15% diện tích tỉnh Bắc Ninh. Còn theo tính toán của ngành chức năng mới đây, chỉ tính từ năm 2007 đến 2019, sạt lở biển Đông và sông ngòi đã nuốt chửng 8.870ha rừng phòng hộ của Cà Mau (tức 8,87km2, tương đương 4 lần diện tích Cồn Cỏ chỉ 2,2km2).

Tình hình sạt lở hiện đang xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh,  kéo dài với mức độ và qui mô ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống an sinh của hàng trăm ngàn hộ dân của các huyện Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Trần Văn Thời, U Minh.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Cà Mau hiện có 254km bờ biển và trên 10.000km bờ sông, nhưng toàn tỉnh đã có 105km (tức gần 1/3 chiều dài  bờ biển) bị sạt lở ở mức độ nguy hiểm trở lên. Trong đó, mức độ rất nguy hiểm là 65km. Bờ biển Tây, bị xói lở gần 60km, gồm 3 đoạn: Đoạn Tiểu Dừa đến Ba Tỉnh 25km; đoạn Ba Tỉnh đến Mũi Tràm chiều dài 17km; đoạn từ Sông Đốc đến Cửa Bảy Háp chiều dài 15km. Ở bờ Đông, sạt lở đang diễn nghiêm trọng trên bờ biển 48km, trong mức rất nguy hiểm gần 30km.

Một công trình kè chống sạt lở ở bờ biển Tây vừa được khắc phục sau đợt triều cường tháng 8/2019. Mặc dù tập trung mọi nhân lực tài lực, nhưng Cà Mau vẫn thể ngăn chặn hàng ngàn hecta đất, rừng bị sóng biển tàn phá. Đang cần có sự hỗ trợ khẩn cấp từ T.Ư.

Nhiều đoạn xói, khoét sâu vào đất rừng phòng hộ từ 80 đến 100m với chiều dài hơn 18km, gồm: Đoạn Hố Gùi xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn (chiều dài 3km); đoạn Vàm Xoáy xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km); đoạn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển (dài 6,3km); đoạn Hóc Năng xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (dài 4km); đoạn từ cửa biển Khai Long đến Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (dài 5km).

Tận sức, nhưng lực bất tòng tâm

Trước mối đe dọa của biến đổi khí hậu ngày một tăng, hơn 10 năm qua nhất khi tình hình sạt lở ven sông, biển càng diễn biến phức tạp, Cà Mau đã dốc tất cả nhân vật lực “cuộc chiến giành lại đất” với hà bá, thủy thần. Để cứu giữ đất, tỉnh Cà Mau đã và đang khẩn trương cải tạo, nâng cấp nhiều hệ thống đê biển, kè chắn sóng. song song với điều chỉnh quy hoạch, bố trí lại dân cư phù hợp với kịch bản biến đổi khí hậu-nước biển dâng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, dù tận sức tận tâm, song trước diễn biến của biến đổi của khí hậu, thời tiết ngày một phức tạp, khó lường, Cà Mau vẫn phải bất lực nhìn những mảng rừng phòng hộ, công trình đê điều, nhà cửa, hoa màu của dân bị  thủy thần nhấn chìm xuống sông biển.

Đoạn kè Biển Tây bị sóng đánh mất hàng kilômét đang chờ kinh phí khắc phục.Thời điểm triều cường tháng 8/2019 vừa qua, sóng biển đã đánh cao 5-10m, ngập tràn qua đê hơn 0,5m, đe dọa hàng ngàn hecta rừng U Minh hạ cùng hàng ngàn hộ dân.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau còn trên 37km bờ biển bị xói lở nghiêm trọng nhất có vị trí xung yếu, đe dọa rất lớn đến an sinh xã hội của người dân. Trong đó, biển Đông dài hơn 15,5km, biển Tây dài 21,6km. Vì thiếu vốn, nên chưa thể triển khai thực hiện các công trình phòng chống hiệu quả được. Tại những nơi này, rừng phòng hộ rất mỏng, có nơi chỉ còn khoảng từ 5m – 10m là tới thân đê. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, một khi đê bờ Tây của Cà Mau bị vỡ, hàng nghìn hộ dân có đất sản xuất sẽ bị thiệt hại nặng nề, thậm chí, ngay cả hệ sinh thái nước ngọt rừng tràm U Minh Hạ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Không những sạt lở ven biển, triều cường còn làm sông ngòi tỉnh Cà Mau sạt lở nặng làm mất hàng trăm hecta rừng. Gây thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân.

Ngày 18/9/19, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cũng đã nhắc lại thực trạng trên. Trong đó, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay đối phó với tình hình sạt lở nghiêm trọng đó là vấn đề vốn, kinh phí bởi ngân sách địa phương hạn hẹp. Hơn nữa, còn nhiều cơ chế tài chính nghiêm ngặt nên tỉnh khó triển khai các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ đã xử lý phù hợp có hiệu quả cao. Trước mắt, tỉnh chỉ có thể tập trung lo cứu dân, di dời họ cùng tài sản về nơi khác. Tập trung mọi nhân vật lực, tài lực có thể có của tỉnh vào các vị trí xung yếu mỗi khi có sự cố. Về lâu dài, Cà Mau vẫn cần có sự ủng hộ mọi mặt về cơ chế, tài chính của T.Ư và cả nước. Chủ tịch tỉnh trăn trở: “Chúng ta bằng mọi giá, phải cứu lấy bán đảo Cà Mau cho các thế hệ con cháu sau này, trước khi quá muộn!”.

Bài, ảnh: Hoàng Quân