Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nâng cao hiểu biết pháp luật cho hội viên ở vùng dân tộc thiểu số

Thu Quỳnh - 07:03 30/09/2022 GMT+7
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn thấp, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, cơ sở hạ tầng để tiếp cận thông tin còn hạn chế. Trong những năm qua, Hội NDVN luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các hội viên, nông dân thuộc khu vực này, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức pháp luật và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
Đại diện các hộ gia đình ở xóm 3, xã Vinh Quang, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng ký cam kết thực hiện khu dân cư bình yên.

Phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật

Trong những năm qua (2017-2021), Trung ương Hội NDVN đã phối hợp với quân đội, Bộ đội Biên phòng, Bộ Công an, Ban Tôn giáo (Bộ Nội vụ), Ủy ban Dân Tộc tổ chức nhiều hoạt động, nhiều hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, nông dân có tôn giáo.

Ở địa phương, các cấp Hội đã phối hợp với chính quyền, công an, quân đội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và Nghị quyết của Hội, quy định của địa phương; vận động hội viên, nông dân không di cư tự do, không nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động con em của cán bộ, hội viên, nông dân tham gia đăng ký và khám tuyển nghĩa vụ quân sự đảm bảo số lượng, đạt kế hoạch chỉ tiêu giao.

Bên cạnh đó, Hội phát động phong trào nông dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi; xây dựng được nhiều mô hình về phòng chống tội phạm như: Mô hình “Hội ND làm kinh tế giỏi kết hợp với phòng, chống tội phạm” ở Thanh Hóa; mô hình phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy ở Quảng Ninh; mô hình tự quản về an ninh, trật tự tại các cơ sở Hội. 

Đến nay, cả nước đã có trên 5.000 mô hình tự quản ở cơ sở, bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.
Ngoài ra, T.Ư Hội NDVN còn chỉ đạo các cấp Hội tổ chức Hội thi nông dân tuyên truyền về phòng, chống tội phạm và chương trình giao lưu Câu lạc bộ nông dân phòng, chống tội phạm tại 11 tỉnh như: Hòa Bình, Nam Định, Phú Thọ, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên với 1100 người tham gia.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó trưởng Ban Dân tộc, Tôn giáo- Quốc phòng, An ninh (T.Ư Hội NDVN) cho biết, Hội NDVN luôn quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên, nông dân, đặc biệt là hội viên, nông dân vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, vùng nông dân có tôn giáo. 

Trong những năm qua, Hội NDVN đã phối hợp với Ban Tôn giáo (Bộ Nội vụ) mở gần 78 nghìn lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tôn giáo cho gần 1,7 triệu cán bộ Hội các cấp vùng tôn giáo; In và phát hành tới cơ sở Hội 20 nghìn cuốn sách hỏi- đáp về chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; 150 nghìn tập tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng kiến thức tôn giáo cho cán bộ, hội viên nông dân có tôn giáo…

Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Để thu hút, vận động hội viên nông dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn, nông dân có tôn giáo chung sức đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thời gian tới, các cấp Hội  trên cả nước tiếp tục chủ động phối hợp với các lực lượng vũ trang tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Đồng thời, nắm chắc tình hình sản xuất, đời sống, tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của cán bộ, hội viên nhất là hội viên vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng có đông đồng bào các tôn giáo để đề xuất kịp thời với cấp ủy, chính quyền có chủ trương, giải pháp giúp đồng bào các dân tộc miền núi, tôn giáo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước của nông dân.

Theo bà Ngọc việc phổ biến giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân trong những năm qua đã góp phần nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cả nước nói chung và vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Qua đó, chúng ta sẽ kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân vận động gia đình, người thân, bà con lối xóm chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tích cực phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn nông thôn.

Để thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên nông dân, trong thời gian tới, các cấp Hội cần tăng cường tuyên truyền đa dạng các hình thức truyền thông phù hợp với địa bàn. Đặc biệt sử dụng mạng xã hội (zalo, Facebook) cung cấp thông tin liên quan đến phòng, chống tội phạm để người dân nắm bắt.

Hội cũng cần kịp thời biểu dương, nhân rộng các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào phòng, chống tội phạm trên cả nước; xây dựng xã, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự.

“Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thông tin không đúng sự thật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kết quả công tác phòng, chống tội phạm ở địa bàn nông thôn”, bà Ngọc cho biết.