Phân tích năng suất doanh nghiệp và môi trường đầu tư được WB đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị “Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” ngày 19/12 đánh giá, tiền công và tiền lương của doanh nghiệp trung vị Việt Nam ở mức khoảng 2.739 USD/lao động, cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia và hơn khoảng 30- 45% so với Campuchia, Thái Lan, Philippines. Tuy vậy, chỉ số này của Việt Nam lại thấp hơn so với các nước BRIC.
Cũng theo báo cáo trên, năng suất lao động Việt Nam khá cao, doanh nghiệp trung vị tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Ấn Độ (khoảng 7.000 USD), nhưng lại thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC. Ở Việt Nam chỉ có rất ít doanh nghiệp tạo ra được hơn 60.000 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Phổ biến các công nhân tạo ra giá trị gia tăng khoảng 8.000 USD. Năng suất vốn của Thái Lan lên tới trên 700%, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 160%, Trung Quốc và Ấn Độ là gần 300%, Nga là 300%…
Mức độ thâm dụng vốn và năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn các nước Đông Á khác và ngang bằng các nền kinh tế BRIC. WB đánh giá dù có mức độ thâm dụng vốn tương đương các doanh nghiệp ở BRIC, nhưng doanh nghiệp trung vị của Việt Nam lại có năng suất thấp hơn, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng vốn chưa hiệu quả.
Những con số trên là những thông tin đáng tham khảo để Việt Nam xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, chính sách tiền lương- lao động cũng như việc nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế. Vấn đề mất dần ưu thế về lao động giá rẻ của Việt Nam đã được đánh giá lâu nay phải chăng nay càng biểu hiện rõ? Năng suất lao động vốn được các nghiên cứu đánh giá còn thấp so với khu vực nhưng cũng cần chỉ rõ từng lĩnh vực của nền kinh tế để có những biện pháp nâng cao phù hợp… Giờ đây đứng trước yêu cầu nâng cao năng suất lao động và hiệu suất kinh doanh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 với việc thay thế máy móc cho các lao động giản đơn, những bài toán về lao động, việc làm lại đặt ra cấp bách hơn với các cơ quan xây dựng chính sách và điều hành nền kinh tế.