Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nhiều mô hình cho thu nhập cao từ “phong trào sản xuất kinh doanh giỏi”

Bài, ảnh: Ngọc Minh - 07:04 26/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hội Nông dân huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) hiện có 74 chi hội và 242 tổ hội với hơn 8.300 hội viên. Thời gian qua, cùng với việc xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chú trọng xây dựng, quản lý và phát huy hiệu quả nguồn vốn Quỹ HTND.
Anh Nguyễn Tự Vững (bên trái) ở thôn 3, xã Kông Yang (huyện Kông Chro) áp dụng kỹ thuật ép nhãn ra hoa đậu quả trái vụ mang lại thu nhập cao.

Xây dựng nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cao

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” (SXKDG) được Hội Nông dân (ND) huyện Kông Chro triển khai sâu rộng nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của ND trong sản xuất kinh doanh để từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế.

Gia đình anh Nguyễn Tự Vững (thôn 3, xã Kông Yang) có gần 4ha đất chuyên trồng mía và mì. Vài năm nay, giá mía, mì giảm nên lợi nhuận rất thấp, thậm chí lỗ vốn. Sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, anh Vững đã quyết định chuyển đổi gần 3ha mì sang trồng na và nhãn.

Anh Vững cho hay, đến nay 1,3ha na đã cho thu hoạch, mang lại cho gia đình hơn 100 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Còn vườn nhãn, nhờ áp dụng các kỹ thuật mới, anh đã ép cho cây ra hoa đậu quả trái vụ nên dễ tiêu thụ và bán giá cao.

“Hiện nay, gia đình tôi có 200 gốc nhãn, sản lượng đạt 3-3,5 tấn quả/năm, giá bán tại vườn khoảng 30 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ các loại chi phí, tôi thu về gần 80 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng mì, mía. Sắp tới, tôi chuyển diện tích mì còn lại sang trồng cây ăn quả” - anh Vững phấn khởi nói.

Cũng nhờ tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, gia đình ông Đinh Brung (làng Rơng Tnia, xã Yang Nam) không những thoát nghèo mà còn có thu nhập cao. Ông Brung kể: Trước đây, gia đình ông thiếu ăn quanh năm. Từ khi được tập huấn kỹ thuật, ông mạnh dạn chuyển 8ha đất lúa rẫy sang trồng mì, bí đỏ và bắp lai. Ông cũng chuyển sang nuôi bò lai thay vì giống bò địa phương như trước để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện đàn bò của gia đình ông có 16 con, chủ yếu là bò sinh sản. Năm 2020, ông Brung bán 6 con bò để mua máy cày, xe công nông phục vụ sản xuất của gia đình và kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, ông Brung còn nuôi trên 20 con dê. “Từ khi chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thu nhập bình quân của gia đình tôi đạt gần 200 triệu đồng/năm, riêng năm 2020 được 300 triệu đồng”-ông Brung cho hay.

Còn ông Trần Văn Luyện (làng Sơ Rơn, xã Chư Krêy) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi cũng chỉ quanh quẩn với cây lúa rẫy, khoai, mì nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau nhiều năm chuyển đổi, đến nay, gia đình tôi trồng được gần 5ha cây keo, bạch đàn và hơn 3ha mía. Từ những mô hình này đã mang lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí đầu tư”.

 Chị Vũ Thị Của (thôn 10, xã Yang Trung, huyện Kông Chro) vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND xã để đầu tư trồng bí, mang lại thu nhập cao. 

Tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân

Ông Đinh Văn Súy, Chủ tịch Hội ND huyện Kông Chro cho biết: Nhằm giúp hội viên, ND có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từ năm 2018 đến nay, Hội đã giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) tỉnh, huyện cho 78 hộ hội viên, ND vay với số tiền gần 800 triệu đồng. Trong đó, giải ngân 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh cho 10 hội viên vay tham gia mô hình chăm sóc cây ăn quả tại xã Chư Krêy; 200 triệu đồng nguồn vốn UBND huyện cho 5 hội viên vay để triển khai dự án nuôi bò sinh sản ở thị trấn Kông Chro; gần 300 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND huyện cho 63 hộ hội viên vay để phát triển sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn quỹ do hội viên, ND trên địa bàn đóng góp được gần 3 tỷ đồng, Hội ND các xã, thị trấn đã giải ngân cho khoảng 1.000 lượt hội viên, nông dân vay để có thêm kinh phí đầu tư trồng trọt, chăn nuôi

Là 1 trong 5 hộ tham gia dự án chăn nuôi bò sinh sản ở thị trấn Kông Chro, đầu năm 2018, chị Phạm Thị Luận được hỗ trợ vay 40 triệu đồng mua 2 con bò. Trong quá trình chăn nuôi, gia đình chị được cán bộ Hội ND huyện hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh. Nhờ đó, đàn bò sinh trưởng phát triển tốt. Chị Luận phấn khởi chia sẻ: “Đến giữa năm 2019, bò mẹ đã đẻ bê. Hiện con bò này đang chuẩn bị đẻ lứa thứ 2”.

Tương tự, gia đình chị Vũ Thị Của (thôn 10, xã Yang Trung) được vay 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND của xã để đầu tư trồng bí. Chị Của cho hay: “Đầu năm 2020, gia đình tôi trồng 4ha bí. Nhờ được vay vốn mà gia đình kịp thời mua phân bón, thuê nhân công chăm sóc nên bí phát triển tốt. Sau hơn 3 tháng trồng, bí cho thu hoạch. Do vừa được mùa, được giá nên gia đình thu về hơn 230 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Vừa qua gia đình tôi trả lại nguồn vốn vay để các hội viên khác có cơ hội tiếp cận”.

Ông Nguyễn Trực, Chủ tịch Hội ND xã Yang Trung cho biết: “Song song với việc tuyên truyền, vận động hội viên đóng góp hội phí, Hội còn vận động hội viên, ND đóng góp vào Quỹ HTND của xã. Hiện nay, Hội ND xã đang quản lý nguồn quỹ gần 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, hàng năm, Hội cho 2-3 hội viên vay với số tiền 5-10 triệu đồng/hộ để có thêm nguồn kinh phí đầu tư phát triển sản xuất”. 

Cùng với đó, Hội tăng cường công tác phối hợp với ngành chức năng tổ chức 21 lớp dạy nghề cho 782 người, giải quyết việc làm cho 726 lao động; hỗ trợ hội viên, ND quảng bá và tiêu thụ sản phẩm tại Phiên chợ nông sản do Hội ND tỉnh tổ chức. Đồng thời, Hội thường xuyên giúp ND kết nối cung cầu, hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tiếp cận thông tin, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; định hướng cho hội viên, ND sản xuất an toàn... 

 “Để phong trào “Nông dân thi đua SXKDG” đi vào chiều sâu, thời gian tới, Hội tiếp tục tập trung hỗ trợ hội viên, ND về kỹ thuật, nguồn vốn; duy trì mô hình hộ sản xuất giỏi giúp đỡ hộ gặp khó khăn cùng phát triển. Hội cũng sẽ tổ chức cho cán bộ, hội viên, ND tham quan, học tập những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; vận động các hộ SXKDG giúp các hộ nghèo về kỹ thuật, vốn, vật tư, kinh nghiệm”.
Ông Đinh Văn Súy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kông Chro.