Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Luật Đất đai gỡ nút thắt liên quan đất trồng lúa

Nam Sơn - 08:26 24/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Luật Đất đai năm 2024 cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục hecta đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đoàn Bình Phước

Quốc hội đang xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15, theo hướng cho phép các luật này có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, tức từ 1/8/2024 thay vì 1/1/2025.

Nhìn chung các ý kiến Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 đều đánh giá Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục hạn chế, vướng mắc của các luật trước đây, đồng thời, có nhiều quy định mang tính đổi mới, tiến bộ, được người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Và việc các luật sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. 

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ về việc đề nghị điều chỉnh thời hạn có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 đối với 4 luật trên, nhất là việc điều chỉnh hiệu lực của Luật Đất đai sớm hơn sẽ rất có lợi cho người sử dụng đất. 

Ông Nguyễn Tuấn Anh dẫn quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2024 về điều kiện thực hiện các quyền của người sử dụng đất thì không còn quy định này, tức là các cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được nhận chuyển nhượng, cho, tặng đất trồng lúa. 

“Việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng, cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện về bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn hiện nay” – ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Vị đại biểu đoàn Bình Phước cũng khẳng định, quy định mới tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới và nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp của đất nước và tạo điều kiện cho các hộ cá nhân, gia đình được chuyển nhượng thuận tiện hơn trong việc chuyển đổi và bảo đảm cuộc sống.

Thực tế các địa phương cho thấy, tổ chức, cá nhân rất dè chừng trong việc sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và sản xuất nông nghiệp theo công nghệ cao. Việc chuyển đổi quy mô sản xuất, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chi phí đầu tư ban đầu rất lớn và việc thu hồi vốn là cả một quá trình rất dài. 

Trong khi đó, theo quy định cũ, việc thuê lại đất của người dân chỉ được tối đa 5 năm, doanh nghiệp không được nhận quyền chuyển nhượng đất nông nghiệp. Nếu hết thời hạn hợp đồng thuê đất, địa phương và người dân không tạo điều kiện cho thuê sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của tổ chức và cá nhân. Hệ thống nhà màng, nhà kín, phun tưới tự động chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng khi không sử dụng lại có giá trị thu hồi rất thấp. 

Vì vậy, Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có thể nhận chuyển nhượng đất trồng lúa lên tới hàng chục hecta đã tháo gỡ nút thắt cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 cho phép hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất thay vì 10 lần ở Luật Đất đai năm 2013, đã tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các dự án quy mô lớn hơn, qua đó sẽ gia tăng giá trị sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả hơn so với trước đây.

Bên cạnh đó, các cơ chế cho thuê đất nông nghiệp thuận tiện cho người có nhu cầu sử dụng đất dùng sản xuất nông nghiệp và nông dân chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo kế hoạch được sử dụng đất kết hợp vào nhiều mục đích khác nhau, làm tăng hiệu quả sử dụng đất.

Luật Đất đai mới nhất được Quốc khóa XV thông qua ngày 18/01/2024 tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, dành 1 điều riêng với 6 khoản quy định về đất trồng lúa (Điều 182). 

Trong đó yêu cầu Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại cho vùng quy hoạch trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; bảo vệ đất trồng lúa, hạn chế chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Người sử dụng đất trồng lúa có trách nhiệm cải tạo, làm tăng độ phì của đất; không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Ngoài ra, khoản 7 Điều 45 quy định cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật Đất đai thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.