Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông dân Thanh Hóa nâng cao thu nhập thông qua nguồn vốn Quỹ

Nguyễn Quân - 07:29 16/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân do các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quản lý đã giúp các hộ ND có thêm nguồn lực để đầu tư cho phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhân rộng mô hình sinh kế hiệu quả
Thời gian qua, Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã tích cực giải ngân, hỗ trợ hội viên vay vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ nguồn vốn vay này, nhiều gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn đã xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, vươn lên ổn định cuộc sống và có những đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế hiệu quả được hình thành từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân.
Tính đến thời điểm hiện tại, Quỹ HTND toàn tỉnh quản lý 63,834 tỷ đồng cho gần 3.238 lượt hộ vay ở 702 dự án. Các dự án đã và đang thực hiện xây dựng hàng trăm mô hình về trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ ngành nghề mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Điển hình như: Dự án “Trồng cây đào cảnh” tại xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn đã xây dựng thành công HTX trồng đào cảnh và vùng cây cảnh của huyện Triệu Sơn; Dự án “Trồng rau quả chất lượng cao trong nhà lưới” tại xã Nga Thành, huyện Nga Sơn đã xây dựng thành công HTX sản xuất rau, quả chất lượng cao Nga Thành và 02 sản phẩm (dưa vàng và dưa chuột) của HTX đạt sản phẩm OCOP; Dự án “Ươm giống cây công nghiệp” xã Vạn Hòa và dự án “Trồng cây ăn quả” tại xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống đã xây dựng thành công HTX giống cây lâm nghiệp xã Vạn Hòa và HTX cây ăn quả Yên Mỹ; Dự án “Nuôi ong mật” đã góp phần phát triển nghề nuôi ong lấy mật ở xã Hà Đông, huyện Hà Trung; Dự án “Nuôi chim bồ câu thương phẩm” tại xã Dân Quyền huyện Triệu Sơn đã góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi của địa phương, hướng tới sản xuất hàng hóa…
Các hộ vay vốn luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm, dám nghĩ, dám làm, đi đầu trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn đúng mục đích, nên các dự án đều mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Điểm tựa vững chắc của nhà nông
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, Hội luôn lấy mục tiêu huy động tốt nguồn vốn, hỗ trợ hội viên nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tại địa phương và tổ chức lại sản xuất theo mô hình liên kết, tổ hợp tác, làm khâu đột phá trong quá trình thực hiện. Sau giải ngân thì tiến hành kiểm tra việc sử dụng vốn, phối hợp tập huấn, chuyển giao, ứng dụng kỹ thuật cho lao động; xây dựng và quản lý mô hình dự án theo loại hình tổ hợp tác, sản xuất theo hướng liên kết, hợp tác phát triển sản xuất. Chu kỳ hỗ trợ vốn vay là 24 tháng, bình quân từ 30 đến 50 triệu đồng/hộ.

Hội viên nông dân đã tích cực tận dụng công nghệ, góp phần tăng giá trị thu nhập .
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ KHKT cho 140.488  lượt cán bộ, hội viên, ND tham gia, trong đó có các hộ tham gia vay vốn Quỹ HTND; tổ chức được 57 lớp dạy nghề cho 2.589 lượt hội viên ND, giúp được 923 hội viên ND, người lao động có việc làm sau đào tạo; hướng dẫn xây dựng được 93 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và theo hướng công nghệ cao, gắn với xây dựng chuỗi giá trị, như ở các địa phương: Thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, các huyện Hậu Lộc, Hà Trung, Đông Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Vĩnh Lộc... Qua đó, giúp cán bộ, hội viên ND nâng cao nhận thức, kỹ năng, mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng các tiến bộ KHKT, lựa chọn đưa các giống cây, có năng suất, hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các địa phương trong tỉnh.
Nhiều mô hình phát triển kinh tế được xây dựng và nhân rộng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế và làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, ngày càng xuất hiện nhiều vùng quê đáng sống. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13/27 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 363 xã nông thôn mới, 80 xã nông thôn mới nâng cao, 17 xã nông thôn mới kiểu mẫu; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Trong năm 2023, các cấp Hội ND tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân cho 77 dự án, với nguồn quỹ hơn 37 tỷ đồng với gần 600 hộ vay vốn; phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao KHKT cho ND, lồng ghép các chương trình, dự án của ngành Nông nghiệp để phổ biến những kinh nghiệm hay, mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Nhờ đó, các hộ vay vốn đã áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, đem lại thu nhập cao.
(Nguồn: Hội Nông dân Thanh Hóa)

Có thể thấy, hiệu quả của nguồn vốn Quỹ HTND đã và đang trở thành điểm tựa giúp hội viên ND trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương ND làm kinh tế giỏi. Tiêu biểu như ông Nguyễn Đức Hiệu, tổ dân phố 1, phường Đông Cương (TP. Thanh Hoá) với mô hình trồng hoa và cây ăn quả, quy mô 0,8ha cho thu nhập mỗi năm 240 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động; ông Lê Văn Sơn, thôn Sơn Hà, xã Hoằng Đại, huyện Hoằng Hóa với mô hình gia trại chăn nuôi gà, số lượng khoảng 10.000 con và mô hình nuôi ốc nhồi cho hiệu quả kinh tế cao với thu nhập mỗi năm khoảng 350 triệu đồng.
 Hay mô hình của anh Nguyễn Văn Xuân, phường Đông Lĩnh (TP. Thanh Hóa) sản xuất đồ gỗ, doanh thu hàng năm từ 9 tỷ đồng trở lên, giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương. Đáng nói hơn, từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, người ND không chỉ nâng cao thu nhập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mà còn góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao.