Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Hà Tĩnh:

Nông dân tiếp cận chính sách tốt nhờ sự hỗ trợ của Hội

Bùi Ánh - 07:18 15/04/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh luôn tích cực thực hiện tốt các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội và phong trào nông dân tại địa phương.

Đa dạng cách hỗ trợ, linh hoạt trong cách làm
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX xác định rõ, cùng với công nghiệp và thương mại, dịch vụ, phát triển nông nghiệp là một trong ba trụ cột kinh tế để đưa Hà Tĩnh vượt lên. Xác định rõ điều đó, Hội Nông dân tỉnh đã làm tốt vai trò, chức trách của mình trong việc hỗ trợ, đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất, góp phần nâng cao giá trị của ngành Nông nghiệp.
Với nhiều cách làm, phương án hỗ trợ từ Hội, nông dân Hà Tĩnh ngày một tiếp cận được nhiều cơ chế, chính sách tốt. Cụ thể, từ công tác hỗ trợ vốn, tập huấn, đào tạo nghề đến kết nối giao thương các sản phẩm nông sản qua sàn thương mại điện tử,...
Những năm qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ngân hàng để hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư làm ăn, sản xuất như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Liên Việt đạt hơn 5.032 tỷ đồng. Chính điều này đã giải quyết được nhu cầu cấp thiết về nguồn vốn để bắt tay làm kinh tế của nông dân. Cùng với đó, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp trong tỉnh tăng lên 57,851 tỷ đồng, 2504 hộ vay đã cho vay thông qua 260 dự án đã tạo ra nhiều cơ hội bứt phá làm ăn cho các hộ dân.

Ông Ngô Văn Huỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh (đứng thứ 4 từ trái sang) đi kiểm tra mô hình tại huyện Kỳ Anh.
Để nông dân khai thác hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức 62 lớp đào tạo nghề cho 1.982 lao động nông thôn và Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh phối hợp với Trường Trung cấp Hội Nông dân Việt Nam tổ chức 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi gà và trồng rau an toàn cho 120 hội viên nông dân. Song song với việc đào tạo nghề, hoạt động giới thiệu tư vấn việc làm, xuất khẩu lao động cũng được các cấp Hội tích cực triển khai, thường xuyên cập nhật đơn hàng, thông tin, tư vấn thông qua nhiều hình thức; đồng thời chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các công ty cung ứng phân bón, giống cây con và các loại vật tư, thiết bị máy móc cơ giới hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp đảm bảo chất lượng cho bà con nông dân theo phương thức trả chậm để phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân; phối hợp với các công ty tổ chức 107 cuộc tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón cho 8.025 người, cung ứng 6.884 tấn phân bón các loại; 1,148 tấn thức ăn gia súc; 17,653 tấn giống, tổ chức 97 lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường việc làm cho hơn 8.000 lượt người và lồng ghép tuyên truyền.
Thông qua nhiều hình thức, Hội đã trưng bày, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ hơn 30 sản phẩm, phối hợp xây dựng 3 điểm tiêu thụ bưởi Phúc Trạch tại Sơn La, Hải Phòng, Hà Nội; duy trì và quản lý tốt chuỗi cửa hàng nông sản trên toàn tỉnh (29 cửa hàng); thu thập thông tin, hỗ trợ đưa 196 sản phẩm OCOP Hà Tĩnh, mở 02 gian hàng của cửa hàng nông sản an toàn trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn; hỗ trợ xây dựng 104 nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đến nay, có 216/216 xã, phường, thị trấn thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng cấp xã; 41 chi hội và 12 tổ hội số hoạt động có hiệu quả.
Qua đó cho thấy, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng công tác xây dựng, củng cố tổ chức Hội; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chú trọng hướng về cơ sở, hỗ trợ hội viên, nông dân đẩy mạnh các phong trào phát triển kinh tế, xã hội.
Khơi dậy tinh thần đoàn kết, hợp tác, sáng tạo của nông dân
Nông dân Hà Tĩnh luôn phát huy bản chất cần cù, chịu khó, tự lực, vượt qua mọi khó khăn, thể hiện rõ nét nhất là sự tương thân, tương ái hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giúp đỡ ngày công, vật liệu xây dựng nhà ở cho các gia đình khó khăn. Điều đó được thể hiện rõ qua con số thống kê cụ thể: Toàn tỉnh đã quyên góp 5,077 tỷ đồng, 22.319 ngày công, hỗ trợ cây giống, con giống, lương thực trị giá 1.353 triệu đồng giúp 1.399 hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, nâng cao thu nhập; vận động cán bộ, các cấp Hội phối hợp xây nhà tình thương cho 335 hộ (trong đó Hội trực tiếp vận động hội viên nông dân hỗ trợ xây mới 72 nhà ở cho hội viên nghèo, trị giá 2,4 tỷ đồng. Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng 1 nhà ở cho gia đình hội viên ở xã Hương Lâm, huyện Hương Khê với số tiền 80 triệu đồng). Trao tặng trên 1.257 suất quà, trị giá  gần 407 triệu đồng đến các hộ chính sách, hộ đặc biệt khó khăn. 

Hỗ trợ phân bón trả chậm vừa giúp bà con giải quyết khâu thiếu vốn vừa có nguồn phân đảm bảo chất lượng.
Con số ấn tượng 169.440 hộ gia đình đăng ký đạt SXKD giỏi các cấp năm 2023 (vượt 1.440 hộ so với năm 2022) đã chứng minh được sự hỗ trợ tích cực trên mọi phương diện của Hội đạt hiệu quả cao. Đi cùng với đó xuất hiện nhiều gương mặt điển hình làm kinh tế giỏi như: Tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả của bà Phan Thị Hiền ở xã Thượng Lộc (Can Lộc), trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Lê Văn Bàng ở xã Xuân Liên (Nghi Xuân), của ông Nguyễn Thái Huy ở xã Đức Lạng (Đức Thọ), ông Lê Văn Hoa ở phường Kỳ Thịnh (thị xã Kỳ Anh), chị Trương Thị Lan ở xã Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh)… 
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" thời gian qua phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, góp phần tạo nên những thành tựu quan trọng trong phát triển nông, lâm, ngư nghiệp, xây dựng nông thôn mới của địa phương Hà Tĩnh.
Từ việc đẩy mạnh các phong trào thi đua, người dân đã khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần sớm đạt mục tiêu  xây dựng nông thôn mới theo lộ trình tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra.