Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Nông hội Đỏ trong Cách mạng tháng Tám

23:13 18/08/2019 GMT+7

Trước khi Đảng ra đời, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân đều thất bại. Chỉ từ khi có Đảng Cộng sản, vai trò của người nông dân được củng cố và là lực lượng quan trọng của Cách mạng.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, chèo lái Cách mạng Việt Nam với những đường lối cách mạng sáng suốt và triệt để. Kẻ thù của cách mạng được xác định: đế quốc và phong kiến. Nội dung nghị quyết của cách mạng cũng được nêu lên rõ ràng: “Giành độc lập dân tộc và thực hiện người cày có ruộng”. Nông dân Việt Nam, từ lâu qua kinh nghiệm đấu tranh rất tha thiết có người lãnh đạo, thì nay người lãnh đã đạo đến với họ. Như buồm được gió, phong trào của nông dân vì vậy lúc này lại cuồn cuộn dâng lên như bão táp. Đầu tháng 3 năm 1930, tiếp theo cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền cao su Mít- sơ-lanh và các cuộc bãi công của công nhân Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ, phất cao ngọn cờ đỏ cách mạng. Người nông dân Việt Nam từ nay đã có tổ chức của mình và người chỉ đường – đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.  

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19.8.1945. Ảnh Tư liệu

Nông hội  Đỏ ra đời

Hình thức tổ chức đầu tiên của nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng là Nông hội Đỏ. Trong cao trào năm 1930, cuộc đấu tranh của nông dân ở Nghệ Tĩnh đã phát triển đến một mức cao nhất của nó: Lật đổ chính quyền thống trị thực dân phong kiến, lập lên chính quyền công nông. Nông hội đỏ (Tiền thân của Hội Nông dân Việt Nam) ra đời. Từ những nông dân ưu tú có cảm tình với Cách mạng. Mở đầu là cuộc biểu tình thị uy của công nhân Bến Thủy và hàng vạn nông dân Hưng Nguyên, Nghi Lộc mang theo khẩu hiệu: “Tăng tiền lương, bớt giờ làm”, “giảm sưu thuế, chống khủng bố trắng”… Suốt trong hai tháng 6, 7 năm đó, đã diễn ra 11 cuộc biểu tình lớn. Càng bị khủng bố, công nhân và nông dân càng xông lên đấu tranh. Ngày 12 tháng 9, hàng vạn nông dân Hưng Nguyên tập trung biểu tình, gần 100 người bị bắn chết và bị thương, nhưng họ vẫn tiến lên. Nông dân Nghi Lộc bắn chết huyện trưởng là Tôn Thất Đàm. Bộ máy thống trị của đế quốc ở nông thôn dần dần tan rã. Quan lại bỏ trốn, lý trưởng nộp triện. Vấn đề nằm chính quyền được đặt ra. Các Xô viết  mà thành phần chính là Nông hội Đỏ bắt đầu được thành lập. Nông dân lần đầu tiên được hưởng những quyền lợi quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là việc chia lại ruộng đất cho nông dân nghèo. Vai trò của Nông hội Đỏ  đã được khẳng định trong thời gian này. Nông dân ở Nam bộ cũng biểu tình khắp nơi để ủng hộ Nghệ An.

Hoạt động nghệ thuật tái hiện Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ảnh Tư liệu

Phong trào đang trên đà phát triển mạnh. Nhưng vì kẻ thù tăng cường đàn áp mạnh, phong trào tạm thời lắng xuống. Thời kỳ này, chúng ta gọi là thời kỳ thoái trào. Trong tình hình đó, Đảng Cộng sản Đông Dương một mặt lo củng cố tổ chức, một mặt tìm mọi cách giáo dục, giác ngộ cách mạng cho quần chúng để phục hồi phong trào. Trong thời tạm lắng, Nông hội Đỏ vẫn tồn tại và hoạt động bí mật ủng hộ Đảng.

Trong thời Mặt trận bình dân 1935 trở đi, mô hình Nông hội Đỏ lần lượt ra đời ở Nam, Trung, Bắc. Đặc biệt là các tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Cạn… Những Đảng viên Cộng sản bị giặc bắt giam, sau khi ra khỏi tù đã là nòng cốt của Nông hội.

Nông dân trong cách mạng tháng 8

Đầu năm 1940, tình hình thế giới nhiều biến chuyển. Năm 1941, Bác Hồ về Việt Nam để trực tiếp tổ chức và chỉ đạo Cách mạng. Phong trào năm 1940-1945 của nông dân ta lúc này được kế thừa trên một trình độ rất cao truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc, chống phong kiến của mình từ bao đời nay. Nông dân ta là nhân tố quan trọng đóng một vai trò quyết định đến thắng lợi cách mạng tháng Tám. Từ đó, Nông hội hăng hái đấu tranh để bảo vệ và phát triển thành công của cuộc cách mạng đó. Và nông dân luôn tỏ ra là lực lượng chủ yếu của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Trong tình hình Cách mạng chín muồi, Đảng quyết định lập Mặt trận Việt Minh, và công tác của Đảng lúc này là dựa vào nông thôn, xây dựng căn cứ địa ở nông thôn để tiến tới giải phóng toàn quốc đồng thời không bỏ lỏng thành thị. Những chủ trương mới của Đảng mở ra một thời đại mới cho phong trào nông dân. Phong trào cứu nước đang lên sôi nổi trong toàn quốc. Căn cứ đại Cách mạng được thành lập ở ba tỉnh Cao – Bắc – Lạng năm 1942 dựa vào sức đoàn kết và đấu tranh của nông dân các dân tộc ít người ở đó. Nông Hội giúp và hậu thuẫn cho phong trào rất nhiều. Lực lượng võ trang của cách mạng bắt đầu xuất hiện với những đội tự vệ là thành viên nông thôn ưu tú.

Nạn đói trở nên kịch liệt vào cuối năm 1944, đầu năm 1945 càng thúc đẩy nông dân lên đường đấu tranh. Vì họ hiểu rằng: Muốn chống nạn đói tận gốc, phải tiêu diệt phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Sau Nhật đảo chính Pháp được ba tháng, khu giải phóng được thành lập ở Việt Bắc, khích lệ nhân dân toàn quốc vô cùng mạnh mẽ, khí thế cách mạng tràn dâng như sóng bể. Ngày 13.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh. Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Trung ương Đảng ra lệnh Tổng khởi  nghĩa trong toàn quốc. Như những dòng thác, nhân dân mà chủ yếu là nông dân đã cuồn cuộn xô về các phủ, huyện, các tỉnh lỵ giành chính quyền. Một quang cảnh vô cùng phấn khởi: Hàng vạn, hàng chục vạn nông dân áo nâu, quần nâu, tiến bước trong các đoàn biểu tình.

Ngày 2.9.1945, hàng ngàn nông dân từ các huyện lỵ lân cận Hà Nội đổ về Quảng trường Ba Đình chứng kiến ngày khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Tượng đài Xô Viết – Nghệ Tĩnh tại ngã ba thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh Tư liệu
                                                                   Thiên Việt