Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

“Nữ hoàng trứng Việt Nam”: Luôn khát khao được làm việc và vì lợi ích cộng đồng

09:16 22/10/2020 GMT+7
Được mệnh danh là “Nữ hoàng trứng Việt Nam”- Bà là doanh nhân Phạm Thị Huân (tức Ba Huân), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân, TP. Hồ Chí Minh. Dấu ấn đậm nét trong quá trình hình thành thương hiệu Ba Huân chính là sự lao động không mệt

Được mệnh danh là “Nữ hoàng trứng Việt Nam”- Bà là doanh nhân Phạm Thị Huân (tức Ba Huân), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Ba Huân, TP. Hồ Chí Minh. Dấu ấn đậm nét trong quá trình hình thành thương hiệu Ba Huân chính là sự lao động không mệt mỏi của bà suốt hơn 50 năm qua. Thành tựu của Công ty chính là sự khẳng định thành quả công việc của một người phụ nữ giản dị, một người luôn tự nhận mình chưa học hết tiểu học nhưng luôn tiên phong, đam mê, chịu khó học hỏi, nỗ lực phấn đấu không ngừng, luôn khát khao được làm việc và nghĩ đến lợi ích cho cộng đồng.

Đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội NDVN tặng hoa bà Ba Huân – Chủ tịch Công ty CP Ba Huân nhân chuyến thăm và làm việc tại cơ sở Ba Huân, Bến Lức – Long An. Ảnh: Hoàng Tuấn.

Khởi nghiệp từ gánh trứng chợ quê

Trong chuyến thăm và làm việc tại trang trại gà lấy trứng của Công ty Cổ phần Ba Huân tại Bến Lức, tỉnh Long An vào trung tuần tháng 9 vừa qua, đồng chí Thào Xuân Sùng – Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo Công ty đặc biệt là cá nhân bà Phạm Thị Huân trong suốt thời gian qua, góp phần đưa thương hiệu trứng Ba Huân lan tỏa khắp mọi miền đất nước và đến với cả thị trường một số nước trên thế giới.

Có được thành quả như hôm nay, bà Ba Huân – Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết, trong hơn 50 năm gắn bó với nông nghiệp, bà đã nhiều lần “lên bờ xuống ruộng” nhưng vẫn cố gắng kiên trì, tự học hỏi và nỗ lực không ngừng để mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng cũng như đồng hành phát triển cùng nông dân. Nhìn lại chặng đường phát triển của công ty, đặc biệt là việc công nghiệp hóa sản phẩm trong ngành Chăn nuôi gia cầm, bà Ba Huân chia sẻ: “Việc này chẳng khác gì “lấy trứng chọi đá”. Mà đúng là tôi lấy ““lấy trứng chọi đá” thật, bởi vì tôi là một phụ nữ chưa học hết lớp 5 trường làng. 12 tuổi tôi đã níu theo đôi gánh cùng mẹ ra chợ tập tành bán trứng. 16 tuổi tôi được mẹ chính thức giao cho gánh trứng với lời dạy: Kiến tha lâu đầy tổ; một nghề cho chín còn hơn chín mười nghề; và nhất là mất tiền còn kiếm lại được nhưng mất uy tín là mất tất cả”.

Bước vào nghiệp trứng với tất cả vất vả của những người buôn bán nhỏ bên chợ làng quê Long An; chẳng quản trời mưa lầy lội gánh trứng trên vai, bấm chân xuống bùn đến chảy máu, rồi những ngày nắng rát, mồ hôi ướt đầm vai áo vẫn phải giữ cho gánh trứng không xô lệch, đổ bể là coi như xong. Từ những gánh trứng đó đã mang đến cho bà những đồng tiền tích cóp để có cả một ước mơ lớn mở ra.

Bước ra khỏi chợ làng, khi đó, bà đã chủ động tìm đến những vùng đất nuôi vịt chạy đồng khắp từ Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang… để “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Vốn ít nhưng luôn sòng phẳng và nghĩ cho lợi ích của nông dân, nên bà được mọi người tin tưởng giao trứng để bà đem đi bán khắp nơi. Chính vì vậy mà bà đã xây dựng cho mình được một vựa trứng trong vùng. Dần dần, bà đã mạnh dạn mở rộng thị trường, mua trứng chuyển lên TP. Hồ Chí Minh để phân phối. Năm 1985 bà quyết định mở vựa trứng riêng ở Chợ Lớn. Từ đó, cái tên “Nữ hoàng hột vịt”, “Vua trứng” được gắn cho bà và dần hình thành thương hiệu trứng Ba Huân.

Năm 2001, doanh nghiệp Ba Huân ra đời đánh dấu bước đầu đi vào chuyên nghiệp hóa việc kinh doanh sản phẩm gia cầm. Thương hiệu Ba Huân đã trở thành cái tên quen thuộc của người tiêu dùng trong nước, không những thế mà sản phẩm trứng còn được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông, Malaysia, Singapore.

Trước khủng hoảng của dịch cúm gia cầm năm 2003, nhiều gia đình nông dân gắn với việc chăn nuôi gà, vịt lấy trứng bị phá sản dẫn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chế biến mất nguồn cung ứng nguyên liệu; do tâm lý sợ dịch bệnh nên người tiêu dùng không sử dụng trứng trong một thời gian dài khiến Công ty Ba Huân đứng trước bờ vực phá sản.

Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của người chăn nuôi, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng và không để Công ty phá sản, bà Ba Huân đã đi nhiều nước châu Âu, châu Á để học tập công nghệ nước ngoài, phục vụ cho ngành gia cầm và bà đã quyết định đầu tư thiết bị tự động hóa, xử lý trứng sạch của Tập đoàn MOBA Hà Lan theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Tiếp cận được với thiết bị này bà kể rằng bà đã mừng rơi nước mắt vì mình đã tìm ra con đường mới cho quả trứng và niềm tin sẽ đem lại những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, giúp đỡ nông dân tránh bị thiệt hại bởi dịch bệnh. Trở về quê hương, bà đã có quyết định táo bạo là đem hết vốn liếng, bán bớt xưởng và mượn thêm tiền để mua bằng được máy xử lý trứng. Bà tự nhủ: Nhất định mình sẽ thành công.

Trang trại gà lấy trứng của Công ty CP Ba Huân tại Bến Lức – Long An. Ảnh: Huyền Đức

Đưa thương hiệu trứng sạch Ba Huân đến với thị trường trong và ngoài nước

Công ty Cổ phần (CP) Ba Huân là đơn vị tiên phong đưa công nghệ xử lý trứng sạch về Việt Nam. Sau gần 50 năm hoạt động và hơn 15 năm áp dụng công nghiệp hóa các sản phẩm nông nghiệp trong ngành Chăn nuôi gia cầm, cho đến nay, Công ty CP Ba Huân đã khép kín quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghệ cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng. Các sản phẩm của Công ty cũng vô cùng đa dạng: Trứng vịt sạch, trứng gà sạch, trứng vịt muối, trứng bắc thảo, trứng vịt lộn, trứng cút tươi.

Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty kiêm Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cho biết: Sau nửa thế kỷ gắn bó với nghề chăn nuôi, phân phối trứng gia cầm, Ba Huân đã xây dựng được hệ thống gồm 1 trang trại chăn nuôi gà lấy trứng quy mô 18ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương; 1 trang trại gà lấy thịt quy mô 34ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Thạnh Hóa, Long An; 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương với công suất 20 tấn/ giờ; 2 nhà máy xử lý trứng gia cầm, tổng công suất hơn 300 nghìn trứng/giờ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội; 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An với công suất 50 tấn/ngày.

Dây chuyền xử lý trứng tự động hóa công nghệ Hà Lan của Công ty Ba Huân bao gồm 8 công đoạn: Rửa bằng nước sạch 2 lần; sấy khô; Chiếu tia UV diệt khuẩn; soi tìm trứng hư, nứt; áp lớp dầu bảo vệ tránh sự xâm nhập của vi khuẩn từ bên ngoài vào trứng; in dấu thương hiệu truy xuất nguồn gốc; cân trọng lượng; đóng gói sản phẩm. Trứng qua dây chuyền được xử lý và diệt khuẩn bằng tia UV đã tiêu diệt 99,9% các vi khuẩn có hại trên trứng và làm se khít các lỗ thông khí trên vỏ trứng, tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong trứng, vừa không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến chất lượng của trứng mà giá thành lại chỉ ngang bằng những sản phẩm chưa qua xử lý an toàn. Công nghệ xử lý trứng của Công ty Ba Huân đã đánh dấu bước đột phá lớn trong phát triển nông nghiệp sạch của Việt Nam hiện nay. Việc đầu tư công nghệ dây chuyền hiện đại khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn quốc tế đã nâng cao giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, sản phẩm thâm nhập vào các siêu thị lớn trong và ngoài nước và tạo công ăn việc làm thu nhập ổn định cho nhiều người.

Trực tiếp thăm quan trang trại nuôi gà đẻ trứng của Công ty tại Bến Lức, Long An, đồng chí Thào Xuân Sùng phấn khởi cho biết: Lần đầu tiên tôi được thăm mô hình chăn nuôi gà hiện đại theo tiêu chuẩn của EU tại Việt Nam. Dây chuyền đạt yêu cầu của các nước trong Hiệp định EVFTA. Nhà máy này đạt được các chỉ số mà thế giới đòi hỏi, quy chuẩn mà hiệp định EVFTA đặt ra, trong đó liên quan đến môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình trang trại đã tạo ra một bước đột phá về tư duy không chỉ đặt ra cho Công ty Ba Huân với hơn 900 lao động trực tiếp mà đặt ra cho nông dân, cho các tổ hợp tác, hợp tác xã… nuôi gà đẻ trứng có một ý thức, suy nghĩ nghiêm túc rằng trước khi vì mình thì hãy vì những người đón nhận những quả trứng – đó chính là người tiêu dùng, có như thế mới đạt mục tiêu phát triển bền vững. Dây chuyền sản xuất mà Công ty Ba Huân áp dụng là một hình mẫu lý tưởng để các đơn vị nông nghiệp học hỏi.

Người đứng đầu Hội Nông dân Việt Nam cũng mong muốn các chủ hộ doanh nghiệp, giám đốc hợp tác xã được bà quan tâm để họ có thể áp dây chuyền công nghệ cao này vào trong chăn nuôi. “Nhân đây, tôi trân trọng mời chị Ba Huân tham gia làm giáo viên “đặc biệt” cho khóa huấn luyện chuyên sâu về cách nuôi gà hiệu quả cho bà con nông dân cả nước. Đây là một phần trong chương trình dạy nghề, tập huấn cho nông dân do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức” – đồng chí Thào Xuân Sùng đặt vấn đề với bà Phạm Thị Huân.

Hiện nay, hệ thống phân phối của Công ty Ba Huân đã phủ kín các siêu thị trên các tỉnh, thành phố, đặc biệt là 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ba Huân là đối tác của hầu hết các hãng thức ăn nhanh, các doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu từ trứng và thịt gia cầm. Ba Huân cũng có một hệ thống phân phối ở các chợ truyền thống, cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị tiện ích trên các khu dân cư tập trung tại các đô thị lớn.

Quan tâm đến người lao động và chia sẻ lợi ích cộng đồng

Công ty Ba Huân hiện có hơn 900 lao động, với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Ba Huân luôn quan tâm, tạo môi trường làm việc lý tưởng cho cán bộ, công nhân viên nhằm phát huy tối đa những phẩm chất tốt nhất của các nhân viên. Các chế độ đãi ngộ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động đều được bà tuân thủ và thực hiện đầy đủ. Công ty thường xuyên bồi dưỡng, giúp đỡ tạo điều kiện cho công nhân phán đấu vào Đảng, hàng năm tổ chức kết nạp Đảng cho công nhân ưu tú.

Để đảm bảo các hoạt động theo đúng quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của chuỗi sản xuất và chăn nuôi, trong những năm quan, Công ty Ba Huân đã đầu tư rất nhiều công sức trong việc tiếp cận khoa học kỹ thuật, đào tạo đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Suốt hơn 10 năm, Công ty đã cử hơn 350 nhân viên tham gia các khóa học ngắn hạn ở trong và ngoài nước để nâng cao trình độ, năng lực làm việc. Toàn chuỗi của Ba Huân đều đạt và được cấp chứng nhận công nghệ cao. Đây là một cố gắng rất lớn vì sự phát triển bền vững, vì lợi ích của người tiêu dùng.

Dịch Covid-19 vừa qua, để chia sẻ bớt khó khăn với người lao động công ty đã bán giảm giá trứng gà 50% cho hệ thống Công đoàn; Công ty đã cung cấp sản phẩm giảm giá 20%-30% cho các khu cách ly. Mặc dù dịch bệnh nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì sản lượng và không để cho nhân viên nào phải nghỉ việc vì dịch bệnh.

Đã trở thành truyền thống của Công ty, bên cạnh việc phát triển, Công ty luôn gắn kết và đồng hành cùng với nông dân, đồng hành với người tiêu dùng trong các hoạt động cộng đồng, thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đặc biệt quan tâm đến những nông dân khó khăn, những mảnh đời bất hạnh. Với tâm niệm “Ba Huân chia sẻ niềm tin cộng đồng”, công ty đã đồng hành cùng nhiều chương trình thiện nguyện như: “Tết làm điều hay”, “Xuân yêu thương”, “Ngôi nhà mơ ước”, xây dựng nhà tình thương… Tổng kinh phí hỗ trợ công tác từ thiện xã hội từ năm 2009 – 2019 hơn 35 tỷ đồng.

Trong hướng phát triển tới của Công ty, bà Khánh Sơn – thành viên Ban Tư vấn và tuyền thông của Công ty Ba Huân cho biết: Ngoài việc cung ứng các sản phẩm tươi sống truyền thống, Ba Huân sẽ đặc biệt chú trọng phát triển dòng sản phẩm chế biến với tiêu chí: Ngon, bổ, rẻ để làm phong phú thực đơn cho mỗi gia đình. Hướng tới, Công ty Ba Huân sẽ xây dựng một đề án tích hợp để triển khai nhằm thông qua các sản phẩm của Ba Huân kết nối với thị trường để quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề của nông dân trong cả nước, quảng bá văn hóa ẩm thực, văn hóa vùng miền thông qua các hội chợ, các cuộc giao lưu văn hóa, lễ hội góp phần kích cầu đầu ra cho nông sản Việt và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa ẩm thực Việt.

Năm 2012, bà Ba Huân được nhận giải thưởng “100 phụ nữ nổi bật của năm 2012” do The International Alliance for Women (TIAW) bình chọn vì những đóng góp tích cực cho xã hội, giúp nhiều người phụ nữ phát triển kinh tế.
Năm 2016, bà được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc – FAO, khu vực Châu Á, Thái Bình Dương vinh danh là Nông dân xuất sắc. .
Năm 2017, bà được Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Huyền Đức