Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phổ biến thông tin về Phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí

Kiều Oanh - 16:24 19/11/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Sáng 19/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại (PVTM) dành cho các cơ quan báo chí tại hai điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương; cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông…

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh T.H

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, tiến trình hội nhập thương mại tự do  đã giúp chúng ta thay đổi căn bản thể chế kinh tế nói riêng và nền kinh tế nói chung. Xuất nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ, trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với việc cạnh tranh nhập khẩu hàng hóa. Đó là hệ quả tất yếu của việc mở cửa nền kinh tế. Song, chúng ta sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các thị trường trên thế giới.

Để bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế và đưa ra các cam kết xóa bỏ hàng rào thuế, xóa bỏ hàng rào kinh tế, các nhà đàm phán đã thiết kế ra một công cụ là PVTM. Theo thống kê của WTO, hơn 20 năm qua, các nước đã khỏi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá, 632 vụ chống trợ cấp, 400 vụ việc tự vệ. Trung bình mỗi năm hơn 290 vụ. Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Nếu như giai đoạn 2005-2010, mới có 25 vụ việc thì trong giai đoạn 2011-2015 là 52; giai đoạn trước 2016 đến tháng 9/2021 là 109. Giai đoạn trước năm 2005, tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, tổng số vụ việc cho đến nay là 208 vụ, đặc biệt là số lượt vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên, do ngoài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm, thậm chí là tôn.

 Nhiều mặt hàng của Việt Nam tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ. Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam nhưng trong những năm gần đây chúng ta đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM thiết lập môi trường cạnh tranh, công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của người sản xuất trong nước. Để cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về các biện pháp PVTM, vai trò của báo chí truyền thông là rất quan trọng. 

Với mong muốn cung cấp những kiến thức, thông tin bổ ích về các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do (FTA), phòng vệ thương mại (PVTM), tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã thông tin về những chính sách PVTM, hoạt động ứng phó và sử dụng công cụ PVTM… Việc tăng cường thông tin truyền thông từ các cơ quan báo chí sẽ giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chính sách pháp luật PVTM, phòng, chống bán phá giá trong quá trình thực thi các FTA như hiện nay.

Toàn cảnh hội nghị, Ảnh: T.H

Theo các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, PVTM được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa, trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều FTA như hiện nay. Vì thế, việc sử dụng và ứng phó các biện pháp PVTM ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) nhận định, các biện pháp PVTM đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với doanh nghiệp, bảo vệ sản xuất trong nước. Nhờ công cụ PVTM, một số doanh nghiệp đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất. Đặc biệt, các biện pháp PVTM cũng góp phần ổn định giá đầu vào cho một số ngành sản xuất trong nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của các biện pháp PVTM trong tiến trình hội nhập, Việt Nam đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, nghị định, thông tư, đề án về PVTM. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công thương đã điều tra 23 vụ việc PVTM, gồm 15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường… để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, PVTM không còn là khái niệm mới mẻ nhưng nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội của chúng ta còn thụ động sử dụng biện pháp PVTM dẫn đến nhiều thiệt hại xảy ra không thể cạnh tranh được với hàng xuất nhập khẩu, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thời gian qua báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong cung cấp thông tin và xử lý PVTM của các doanh nghiệp một cách chính xác, kịp thời. Đặc biệt là thông tin để doanh nghiệp nắm được khi có vụ việc xảy ra cần liên hệ cơ quan chức năng nào, để có xu hướng xử lý phù hợp. Tuy nhiên, bên cạnh đó có cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu rõ về PVTM. Do đó, công tác tuyên truyền cho cộng đồng doanh nghiệp và xã hội hiểu đúng, đủ công cụ quan trọng này để đảm bảo xuất nhập khẩu bền vững. Để làm tốt công tác tuyên truyền về PVTM  đề nghị Bộ Công thương cần xây dựng kênh đầu mối cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Về phía các cơ quan báo chí cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến kiến thức thông tin liên quan đến PVTM nhằm nâng cao năng lực, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về PVTM để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng đối với ngành sản xuất trong nước, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tham gia thương mại tự do…

TỪ KHÓA #bài tin tức