Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Phó Thủ tướng yên tâm với công tác phòng, chống mưa lũ tại Thừa Thiên Huế

08:59 17/11/2023 GMT+7
Chiều tối 16/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì họp trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Phó Thủ tướng yên tâm với công tác phòng, chống mưa lũ tại Thừa Thiên Huế- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì họp trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ trên địa bàn tỉnh - Ảnh: VGP/Hải Minh

Theo báo cáo tại cuộc họp, nhiều hình thế thời tiết kPhwownb, như không khí lạnh mạnh, nhiễu động gió trên cao và địa hình dãy Trường Sơn chắn gió... là những nguyên nhân gây mưa đặc biệt lớn ở khu vực Trung Bộ trong những ngày qua.

Từ đêm 12 đến sáng sớm ngày 16/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên đã ghi nhận lượng mưa từ 600-1.100 mm, có nơi trên 1.300 mm, khiến 5 người chết và mất tích; hơn 20.000 ngôi nhà bị ngập; thiệt hại chăn nuôi, trồng trọt khá lớn.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đã xảy ra mưa to, mưa rất to trên diện rộng, kéo dài, có nơi trên 1.300 mm, khiến mực nước sông trên sông Hương, sông Bồ đạt đỉnh vào tối ngày 15/11.

Mưa lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm 1 người chết, 1 người mất tích do lật ghe tại TP. Huế; 2 người bị thương do sạt lở đất đá tại thị xã Hương Trà.

Trước đó, vào lúc 4h ngày 13/11, tàu cá BĐ-94404-TS khi đang cách bờ biển Phú Lộc khoảng 6,3 hải lý thì bị hỏng máy và đứt dây dây neo, trên boong có 2 thuyền viên bị mất tích.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đồn biên phòng tuyến biển triển khai tìm kiếm, Cảng vụ Hàng hải Thừa Thiên Huế phối hợp tìm kiếm cứu nạn. Đến 13h45 13/11, tàu Hoàng Sa 126 đã cứu được 2 thuyền viên, cách cảng Chân Mây 8-10 hải lý. Đến 16h ngày 13/11, tàu Hoàng Sa 126 đã bàn giao 2 thuyền viên cho Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây.

Lượng mưa lớn, diễn ra trong khoảng thời gian ngắn cũng đã làm ngập khoảng 85% tuyến đường của 36 phường, xã tại TP. Huế, và nhiều đoạn quốc lộ, tỉnh lộ, nơi sâu nhất là 1,5 m.

Trước tình hình đó, Sở GD&ĐT đã thông báo cho lãnh đạo các phòng GD&ĐT, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên và hiệu trưởng các trường trực thuộc Sở căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, chủ động thông báo cho học sinh nghỉ học từ thứ tư, ngày 15/11. Sáng 17/11, những vùng cao, vùng không ngập lụt có thể cho đi học lại.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã sa thải lưới điện 28% toàn tỉnh, trong đó tại TP. Huế đã sa thải 100% lưới điện các phường phía Bắc thành phố, bờ Nam 90%. Đến 12h ngày 16/11, đã khôi phục 40% lưới điện sa thải, và dự kiến khôi phục 90-100% trong sáng ngày 17/11 nếu nước không lên lại.

Ngành điện lực đã có phương án đảm bảo nguồn điện, ưu tiên cho các cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, dự báo, cảnh báo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, cơ sở y tế, bệnh viện, nhà máy cấp nước sinh hoạt.

Thừa Thiên Huế vẫn duy trì hoạt động của sân bay và các tuyến giao thông đường bộ để bảo đảm nhu cầu di chuyển của khoảng 40.000 du khách, trong đó có 8.000 khách quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, nhờ theo dõi sát tình hình thời tiết nên tỉnh rất chủ động trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại của mưa lũ, đến nay vẫn kiểm soát tốt tình hình.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng mai, 17/11, lượng mưa tại Trung Bộ giao động từ 70-100 mm, từ chiều mai sẽ giảm dần tại Trung Bộ và Thừa Thiên Huế. Trong tháng 11 và 12, vẫn có khả năng mưa trên diện rộng tại khu vực Trung Bộ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, mất mát về người và của do mưa lũ gây ra tại các địa phương ở Trung Bộ.

Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao tinh thần chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả mưa lũ của các cấp chính quyền, nhất là sự vào cuộc của cả Bí thư lẫn Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết qua nghe báo cáo tại cuộc họp, ông cảm thấy khá yên tâm khi địa phương vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo phối hợp cùng tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là hồ Tả Trạch.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và địa phương chú trọng việc huy động nguồn lực xã hội hóa để bảo đảm trang thiết bị tốt nhất có thể cho các lực lượng chức năng làm công tác cứu hộ, cứu nạn, bao gồm cả xuồng, phao cứu sinh.

Theo Chinhphu.vn