Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Xã Tiến Thịnh huy động nội lực tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao

Đức Vượng - 11:10 05/11/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội đã phát triển bền vững các làng nghề làm kẹo lạc, chè lam, bánh đa nem... Các sản phẩm truyền thống này đã trở thành sản phẩm OCOP, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Ngày 29/5/2024, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 2806/QĐ-UBND về việc công nhận xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao (đợt 2) năm 2023. Đây là kết quả của quá trình huy động nguồn lực xã hội hoá “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân hưởng thụ” trong chương trình xây dựng NTM nâng cao với các tiêu chí phát triển bền vững.

Chia sẻ về nhiệm vụ xây dựng NTM ở địa phương, ông Trần Anh Tân, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cho biết: “Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tiến Thịnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương. Tính đến tháng 10/2024, xã đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra; hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 80 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ).”

Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” xã Tiến thịnh, huyện Mê Linh
Người dân đến giao dịch tại bộ phận “một cửa” xã Tiến thịnh, huyện Mê Linh

Nhờ tập trung xây dựng NTM nâng cao, hiện nay, 100% tuyến đường trên địa bàn xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông; hệ thống trường học và trang thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp bảo đảm phục vụ công tác giảng dạy, không còn phòng học tạm, phòng học cấp bốn dột nát.

Các thôn trên địa bàn xã đều có nhà văn hóa đảm bảo về diện tích, được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cộng đồng dân cư; các điểm vui chơi công cộng, đường giao thông, trạm xá y tế…được trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Xã Tiến Thịnh xác định “xây dựng NTM là không có điểm kết thúc” và tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố Hà Nội, huyện Mê Linh để tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội địa phương.

Trạm y tế xã Tiến Thịnh được cải tạo khang trang phục vụ nhu cầu khám bệnh cho người dân
Trạm y tế xã Tiến Thịnh được cải tạo khang trang phục vụ nhu cầu khám bệnh cho người dân

Chính quyền xã Tiến Thịnh cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn và dịch vụ, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các khâu đột phá của huyện.

Trên địa bàn xã Tiến Thịnh hiện nay có hơn 12.000 hộ làm nghề phụ, trong đó tập trung chủ yếu ở 3 thôn: Trung Hà, Yên Thị và Thọ Lão. Thọ Lão có truyền thống làm hương, Trung Hà có tiếng với nghề làm bánh đa nem và mỳ bún, còn Yên Thị được nhiều người biết đến bởi nghề làm kẹo, bánh và mỳ bún.

Làng nghề bánh đa nem của xã Tiến Thịnh hướng đến tham gia chương trình OCOP của TP. Hà Nội và có hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã QR gắn thương hiệu chuyên nghiệp.
Làng nghề bánh đa nem của xã Tiến Thịnh hướng đến tham gia chương trình OCOP của TP. Hà Nội và có hệ thống truy xuất nguồn gốc, mã QR gắn thương hiệu chuyên nghiệp

Ông Trần Anh Tân, Chủ tịch UBND xã Tiến Thịnh cho biết, các hộ làm nghề đặc biệt quan tâm tới uy tín, chất lượng sản phẩm của địa phương nên không sử dụng các chất phụ gia độc hại, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm của làng nghề đều đã có tên tuổi, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, mã QR… Do đó, sản phẩm tại làng nghề được người tiêu dùng đón nhận và là thương hiệu “quen” tại rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các đơn vị cũng đã lên kế hoạch sản xuất, cải tiến quy trình, mở rộng quy mô sản xuất từ rất sớm nhằm tạo đà sản xuất cho năm mới nhiều bứt phá.

Hiện xã Tiến Thịnh có 2 làng nghề là bánh đa nem thôn Trung Hà và làng nghề mỳ bún thôn Yên Thị đã được công nhận danh hiệu làng nghề Hà Nội năm 2017. Các làng nghề cũng “chuyển mình” để hội nhập, tạo ra sản phẩm vừa mang tính kinh nghiệm truyền thống, vừa đổi mới, sáng tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Cho đến nay, sự lớn mạnh của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, ổn định thu nhập cho người dân, đồng thời đóng góp một phần không nhỏ vào chương trình xây dựng NTM.

Song song với việc phát triển làng nghề truyền thống, nhân dân trên địa bàn xã Tiến Thịnh cũng tận dụng nguồn tài nguyên địa phương vừa phụ phẩm trong sản xuất kết hợp với chăn nuôi lợn, gà. Nhờ đó, thu nhập của người dân cũng cải thiện, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu, với mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ làm nghề và phát triển chăn nuôi. Hết năm 2022, Tiến Thịnh không còn hộ nghèo, xã đang hoàn thiện các tiêu chí về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2024.

Huyện Mê Linh: Nỗ lực đạt mục tiêu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhờ đẩy mạnh và quyết liệt trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên đến nay nhiều xã trên địa bàn huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) đã về đích nông thôn mới nâng cao.