Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Sự thật “giải cứu nông sản”: Nhiều người mua nhưng không thể dùng

08:28 30/05/2018 GMT+7

Cộng đồng mạng xã hội lại vừa phát xuất một đợt tranh luận mới xoay quanh chủ đề “giải cứu nông sản”, khi một số thành viên đưa thông tin về đợt “giải cứu” 17 tấn sầu riêng ở Hà Nội vào hôm qua 25/5/2018. Một số người mua những trái sầu riêng này về nhà đã phải đem vứt bởi sầu riêng còn xanh non, và phàn nàn họ đã bị lợi dụng tinh thần thiện nguyện.

Hình ảnh sầu riêng non dùng “giải cứu” được chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo phản ảnh, có cả video clip chứng minh, các quả sầu riêng được “giải cứu” đều còn non, múi trắng không hương vị và không thể ăn được. Điều này ngược với thông tin “cầu cứu” chia sẻ trên mạng xã hội, là xe sầu riêng đưa ra Lạng Sơn bán, do hỏng máy lạnh nên không thể xuất hàng và phải về Hà Nội mong được tiêu thụ để bớt lỗ.

Thông tin cho biết người tài xế cần được giúp đỡ chuyến hàng, nên rất đông người tiêu dùng đã tham gia mua hết xe sầu riêng. Song kết quả, phần lớn sầu riêng “giải cứu” này không thể ăn được và cộng đồng phát sinh tranh cãi 2 chiều. Một bên chê người mua đã có tâm giúp người sao lại đi trách sầu riêng không ăn được, phía ngược lại cho rằng cộng đồng bị lừa và vấn đề “giải cứu” cần được xem xét kỹ hơn, tránh những vụ việc đáng tiếc làm ảnh hưởng tâm lý chung và làm phật ý người có lòng trắc ẩn.

Câu chuyện này, một lần nữa lại đặt câu hỏi đầy bức xúc về hiện tượng “giải cứu nông sản” cho nông dân. Phải chăng nhiều nơi đang có hiện tượng, người nông dân hoặc đơn vị kinh doanh “lợi dụng” sự quan tâm của xã hội để đưa ra thị trường tiêu thụ những loại nông sản kém chất lượng, trục lợi một cách bất chính dựa vào niềm tin tưởng và lòng tốt của người khác?

Có bao nhiêu quả dưa hấu mong “giải cứu” này là bảo đảm chất lượng tiêu dùng?

Chị Nguyễn Kiều Nguyên, một giáo viên dạy cấp 1 tại Đà Nẵng chia sẻ, chị đã từng tham gia hoạt động giải cứu nông sản, mua giúp thực phẩm, trái cây cho bà con nông dân, nhưng sau đó về nhà hầu như không dám dùng. Cụ thể với dưa hấu chị mua, từng có chất lượng kém, thịt dưa không mùi vị, nhạt thếch, vừa bở vừa không có màu đỏ, nên chị phải coi như chỉ mua về để hưởng ứng phong trào rồi yên lặng vứt đi. Một số người tiêu dùng khác ở TP.HCM cũng cho biết, họ đã từng mua chuối giải cứu ở Đồng Nai, có điều quả chuối khi ăn có mùi vị không ngon, và để qua 2 ngày thì đã héo nẫu, phải đem đổ bỏ.

Sự thật không thể phủ nhận, là đa phần người tiêu dùng khi đối diện thông tin “giải cứu nông sản” luôn hào hứng tham gia, với tinh thần thông cảm cho khó khăn của bà con nông dân, nhưng sau đó đem nông sản “giải cứu” đều phải đổ bỏ vì chất lượng không bảo đảm. Do quan niệm “mua làm phúc” nên phần lớn người tiêu dùng không có phản ảnh gì khi gặp những trường hợp này, song sự thật số tiền họ bỏ ra để “giải cứu nông sản” không hề ít ỏi, dẫn đến hiện tượng “lãng phí” tiền bạc và cả cái tâm của những người tham gia.

Nên chăng cộng đồng xã hội cần nghiêm túc xem lại vấn đề. Nếu thật sự hoạt động “giải cứu nông sản” là tốt, tích cực, dư luận cần sự minh chứng cụ thể và đấu tranh với những thông tin không chính xác. Ngược lại, việc sẻ chia “giải cứu nông sản” cần xác định thông tin đầy đủ, có trách nhiệm, phải tổ chức chu đáo, chứ không thể chỉ là những lời nói quanh co và hô hào suông, đưa đến những hệ lụy mất giá trị về quan hệ xã hội.

Tham gia “giải cứu” để rồi bực bội khi thấy đó là sản phẩm kém chất lượng, thật sự là vấn đề nghiêm trọng với mọi người, cần được dư luận cảnh tỉnh, để ngăn chặn những kẻ manh tâm, lợi dụng lòng tốt và sự cả tin của cộng đồng mà trục lợi. Bản thân những người trong cuộc rất cần mạnh dạn nói ra, để đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực. Lúc đó, may ra ý nghĩa của những hành động “giải cứu” mới phần nào được vẹn toàn!

Nguyên Đức