Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tập đoàn De Heus mong muốn hợp tác với Hội NDVN để hỗ trợ nông dân nhiều hơn

Bài, ảnh: Thịnh Hưng - 06:51 06/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chiều ngày 5/5, tại Hà Nội, ông Lương Quốc Đoàn  - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Elsbeth Akkeman - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cùng lãnh đạo Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan); Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM).

Trao đổi tại buổi làm việc, ông Lương Quốc Đoàn đã giới thiệu về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động nổi bật của Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Lương Quốc Đoàn - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với bà Elsbeth Akkeman - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cùng lãnh đạo Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan); Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM) ngày 5.5.2022.

Theo Chủ tịch Lương Quốc Đoàn, nông dân Việt Nam hiện nay còn rất nhiều khó khăn khi diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra nông sản còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, Hội Nông dân Việt Nam đang vận động, tập trung nông dân liên kết, thành lập các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực, cùng sở thích...

Là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp Nông dân, Hội Nông dân Việt Nam tập trung vào những nhiệm vụ chính, hoạt động trọng tâm đó là hỗ trợ cho người nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, vật tư, đặc biệt là vật tư đầu vào. Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết với nhiều doanh nghiệp hỗ trợ nông dân mua vật tư, phân bón trả chậm.

Về hỗ trợ vốn cho nông dân, Hội Nông dân đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội và các ngân hàng thương mại khác tạo điều kiện cho nông dân vay vốn. Hiện, tổng dư nợ với các ngân hàng do Hội nhận uỷ thác cho vay đạt khoảng 150.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân Việt Nam đang quản lý tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp trong toàn hệ thống đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân được Hội đầu tư cho các dự án nhóm hộ liên kết sản xuất. Hội Nông dân tín chấp bằng uy tín, nông dân vay vốn không phải thế chấp tài sản, tuy nhiên do quy mô nhỏ nên mức vay cũng nhỏ. Đối với Quỹ Hỗ trợ Nông dân mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án.

Bà Elsbeth Akkeman  - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam chia sẻ về nông nghiệp Hà Lan.

Chia sẻ về chiến lược kinh doanh, hai vị lãnh đạo cao cấp nhất của Tập đoàn De Heus - ông Co De Heus và ông Koen De Heus - đồng Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc/CEO toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus cho biết: Là tập đoàn gia đình ở Hà Lan, De Heus luôn phát triển theo hướng khác so với các doanh nghiệp, tập đoàn khác trên thế giới. De Heus đặt ra mục tiêu sẽ là một mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết từ người chăn nuôi với công ty giống, công ty giết mổ đến nhà phân phối trong từng sản phẩm.

"Triết lý làm việc của chúng tôi là chúng tôi làm những thứ mà chúng tôi giỏi. Ở đây chúng tôi giỏi lĩnh vực chăn nuôi nên sẽ hỗ trợ tốt nhất cho người chăn nuôi. Làm những gì có thể để giúp nông dân là giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển. Chúng tôi tin rằng sự phát triển vững chắc của nông dân tạo nền tảng cho sự phát triển nông thôn, và sự phát triển thịnh vượng nông thôn tạo nền tảng cho sự phát triển xã hội"- ông Co De Heus chia sẻ.

Ông Co De Heus - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc/CEO toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Heus chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Tập đoàn.

Theo ông Co De Heus, để nông dân thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ, chuyển sang quy mô lớn hơn, chúng ta cần có vốn, công nghệ, kỹ thuật. Ở khía cạnh này Tập đoàn De Heus và Hội Nông dân có chung mục tiêu, nhiệm vụ. Tập đoàn De Heus mong muốn hợp tác với Hội Nông dân Việt Nam để hỗ trợ nông dân nhiều hơn.

"Chiến lược kinh doanh của De Heus là không cạnh tranh với nông dân mà là cùng đồng hành, hợp tác và hỗ trợ họ. Tập đoàn De Heus sẽ cung cấp thức ăn chăn nuôi, con giống tốt nhất, chuyển giao kỹ thuật nuôi và bao tiêu đầu ra cho nông dân. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các nông hộ tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong chăn nuôi; cùn tìm ra các giải pháp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận cho nông dân" - ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á chia sẻ thêm.

Ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á chia sẻ tại buổi làm việc.

Theo ông Gabor, sau hơn 13 năm có mặt tại Việt Nam, De Heus luôn coi đây là thị trường rất quan trọng của mình. Đến nay, De Heus đã vươn lên là công ty có quy mô sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản lớn nhất hiện nay, với 23 nhà máy và nằm trong danh sách 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.

Tại buổi tiếp, bà Elsbeth Akkeman - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết, chính sách nông nghiệp của Hà Lan chú trọng vào những nguyên tắc chính: Cạnh tranh quốc tế, tính bền vững về mặt kinh tế và xã hội, chất lượng an toàn thực phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học… "Về vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là mối quan tâm của Hà Lan mà còn là mối quan tâm của Việt Nam" - bà Elsbeth Akkeman nói.

Bà Đại sứ Elsbeth Akkeman cũng dành sự trân trọng đối với Tập đoàn De Heus khi tập đoàn này không chỉ sản xuất ra sản phẩm tốt, mà còn thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội, đặc biệt là với người lao động, bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp bền vững.

Lãnh đạo Hội Nông dân Việt Nam chụp ảnh kỷ niệm cùng bà Elsbeth Akkeman - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, cùng lãnh đạo Tập đoàn Hoàng gia De Heus (Hà Lan); Tập đoàn Hùng Nhơn (TP.HCM).

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đánh giá cao các dự án 2 tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đang triển khai, đóng góp cho sự phát triển của ngành Chăn nuôi nói riêng, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung. Chủ tịch Lương Quốc Đoàn đề nghị De Heus tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Song song đó, De Heus tiếp tục phối hợp cùng Hội Nông dân Việt Nam cùng các địa phương xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, hỗ trợ nông dân đầu vào, đặc biệt là cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân, từ đó tăng thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của nông dân.