Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tây-Ta lội bùn trồng tái tạo rừng ngập mặn

17:04 20/07/2019 GMT+7
Sáng 20/07/2019, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức: “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số

Sáng 20/07/2019, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức: “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” và trồng rừng tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Lan tỏa cộng đồng ý thức chung tay chống biến đổi khí hậu

Sáng 20/07/2019, người dân ấp Kinh Hòn Bắc vô cùng ngạc nhiên khi thấy “ông Tây”, “bà Đầm”, lãnh đạo Bộ NN và PTNT, lãnh đạo UBND tỉnh cùng hàng trăm cán bộ nhân dân tỉnh Cà Mau và các tỉnh bạn xoắn quần lội xuống bãi trồng rừng. Đối với họ, trồng rừng trên phần đất của mình đã vốn đã là công việc từ lâu, nhưng có một ngày hội trồng rừng như thế thì họ càng ngạc nhiên hơn.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại Lễ phát động.

Cà Mau là tỉnh có diện tích 63.017 ha rừng ngập mặn đứng đầu Việt Nam, đứng hàng thứ hai thế giới, sau rừng Amazôn của Nam Mỹ, trải dài 6 huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời, U Minh, Ngọc Hiển và Năm Căn. Thế nhưng, do biến đổi khí hậu những năm gần đây, nước Mê Kông đổ về càng ít, dòng chảy thay đổi khiến phù sa bồi đắp ít đi không như trước, dẫn đến rừng ven biển bị sạc lở hàng trăm héc ta mỗi năm. Chưa kể, từ những năm 1980, khi sức ép di cư tự do khai phá rừng, đã khiến rừng ngập mặn Cà Mau giảm đi không ít. Vì thế, sức lan tỏa của ngày hội trồng rừng hôm nay như một thông điệp lớn gửi đến cộng đồng là nên phải cùng nhau trồng giữ tái tạo rừng ven biển, như bảo vệ lá chắn sóng, lá phổi xanh cho cuộc sống con người. “Tây” họ có ý thức cộng đồng như vậy, hổng lẽ dân mình không hiểu sao chú? Anh Hải, nhà ở Khánh Bình Tây Bắc vừa theo dõi buổi lễ, vừa tâm sự.

Ông “Tây” Tim McGrath, Giám đốc GIZ nhấn mạnh: “Tầm quan trọng của việc kết hợp các biện pháp phục hồi rừng ngập mặn với bảo vệ bờ biển để có một giải pháp toàn diện và hiệu quả bảo vệ vùng ven biển. Đây cũng chính là lĩnh vực ưu tiên của GIZ nhằm góp phần bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn để giảm thiểu rủi ro thiên tai cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn của người dân”. Cái bắt tay dính  đầy bùn đất lẫn tiếng cười sảng khoái giữa Tim McGrath, Caitlin Wiesen với Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp như lời khẳng định: “Việt Nam sẽ làm tất cả vì người dân của mình và cộng đồng”

Ông Tim McGrath, Giám đốc GIZ.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, người phụ nữ châu Âu duy nhất trong số hơn 500 người tham dự buổi lễ và trồng rừng tại thực địa cho hay: Liên Hợp quốc đã và đang sát cánh cùng Chính phủ và người dân Việt Nam chống lại biển đổi khí hậu, thiên tai. Hình ảnh hôm nay như một thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam gửi đến cộng đồng thế giới , kêu gọi cùng chung tay bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nhất là các địa phương giáp biển. Vừa cười, bà vừa lấp đất cho cây mắm do chính tay bà trồng, với hy vọng thời gian sau quay lại, nó sẽ lớn nhanh  giúp giữ lại phù sa nơi đây đang bị sóng biển bào mòn.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.

Thông điệp mạnh mẽ, ý nghĩa lớn.

Tại buổi trồng cây, những người tham dự, không kể tây-ta đã trồng hàng ngàn cây đước, cây mắm trên diện tích 0,3 ha ven biển Kinh Hòn B. Một không khí vui vẻ hào hứng lan tỏa trong vùng Đá Bạc vì sự kiện này. Trước đó ít phút đã diễn ra lễ phát động với hơn 500 người tham dự, bao gồm: Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương có liên quan; Lãnh đạo UBND một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long;  Lãnh đạo các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh Cà Mau; Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức quốc tế; Người dân và các em học sinh của xã Khánh Bình Tây và các xã lân cận; các tỉnh ven biển phía Nam.

Cùng đồng lòng vì một màu xanh của rừng

Tại đây, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai khẳng định: “Đây là dịp để cho cán bộ, nhân dân các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và tất cả chúng ta nâng cao nhận thức và ý thức trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển; hiểu rõ lợi ích, giá trị do rừng ngập mặn mang lại; từ đó tích cực tham gia trồng, bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học, hệ sinh thái ven biển bằng những hành động thiết thực, hiệu quả”.

Theo Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: “Sự kiện này cũng sẽ góp phần truyền tải thông điệp rộng rãi đến các địa phương về tầm quan trọng to lớn của hệ sinh thái rừng ngập mặn, để mọi người cùng chung tay bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn”.

Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ông Lê Văn Sử – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định: “ Ngay từ ngày 01/01/2019, Cà Mau đã hứng chịu cơn áp thấp nhiệt đới mạnh, nhiều nhà cửa tài sản của người dân bị gió xoáy lốc giật tiêu tan nên Cà Mau là địa phương thấu hiểu cảm nhận lớn về thiệt hại thiên tai từ biến đổi khí hậu, nhất là vùng ven biển. Vậy nên, đại diện UBND tỉnh Cà Mau, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cà Mau nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào trồng rừng ngập mặn bảo vệ bãi ven biển một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và hy vọng rằng sẽ lan tỏa đến khắp nơi, không chỉ là một phong trào.

Một số hình ảnh lãnh đạo bộ, tỉnh cùng đại diện các tổ chức quốc tế tham gia trồng rừng

Bài, ảnh: Hoàng Quân