Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018: Khi “phép tính số học đơn thuần” thất bại!

21:34 25/08/2018 GMT+7

Trước khi đến với Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2018, Thể thao Việt Nam rất tự tin với mục tiêu giành từ 3 huy chương Vàng trở lên căn cứ vào thực lực, lẫn tiềm lực của mình. Nhưng tới lúc này, khi mà Á vân hội trên đất Indonesia được nửa chặng đường, thì cái mục tiêu ấy bỗng trở nên khó khăn… dù “cơn khát Vàng” vừa được giải. Tại sao thế?

Từ chuyện “ta tính”…

Trở lại với trước ngày ASIAD 2018 khởi tranh, mục tiêu giành từ 3 huy chương Vàng trở lên được đích thân tư lệnh ngành thể thao đặt ra. Đó chẳng hề là tính toán bất hợp lý bởi xen kẽ giữa 2 kỳ Á vận hội (tính từ ASIAD Incheon, Hàn Quốc 2014), Thể thao Việt Nam đã có bước tiến cực lớn trên đấu trường quốc tế với 1 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc lịch sử của nam xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.

Hơn thế, mục tiêu Vàng là hoàn toàn có cơ sở bởi theo tính toán của các nhà quản lý chuyên môn, lần đầu tiên trong lịch sử tham dự Á vận hội, Thể thao Việt Nam có đến hơn 10 vận động viên đạt tới trình độ châu lục và thế giới, đủ sức để cạnh tranh ngôi đầu. Bằng chứng là các tuyển thủ này đã giành được những tấm huy chương Thế vận hội, hay thế giới và cả châu Á, chứ chẳng hề là tính toán suông!

Nhưng thể thao lại chẳng hề là phép tính số học đơn thuần, dù phép tính ấy của chính những người trong cuộc. ASIAD 2018 còn chưa đi hết nửa chặng đường, thì có đến hơn nửa số niềm hy vọng Vàng của Thể thao Việt Nam… tắt ngóm!

Hoàng Xuân Vinh không còn là chinh mình

Hoàng Xuân Vinh vào cuộc đầu tiên ở nội dung từng vô địch Olympic 10m súng ngắn hơi nam với kỳ vọng cực lớn. Vậy mà chẳng ai ngờ, số 1 Thế vận hội không qua nổi vòng loại. Chỉ vài tiếng sau, trên đường đua xanh, tới lượt kình ngư Ánh Viên khóc nức nở vì bơi dưới khả năng của mình. Chưa dừng lại ở đó, những Thạch Kim Tuấn (cử tạ nam); Nguyễn Thị Thật (xe đạp nữ); Dương Thúy Vi (Wuhu), Kim Tuyền (Taekwondo)… cùng cảnh “ngơ ngác” khi vấp phải những đối thủ quá mạnh.

Đến nỗi lo không vượt qua chính mình

Thực ra “cơn khát Vàng” chẳng hể là câu chuyện mới của Thể thao Việt Nam tại đấu trường châu lục mà thực tế của 2 kỳ ASIAD trước là minh chứng khi chỉ được giải vào phút chót. Rõ ràng là tại ASIAD 2018 này, đỡ hơn nhiều khi đến ngày thi đấu thứ 6/16 của Đại hội, các cô gái đua thuyền Rowing đã giải được cơn khát bằng tấm huy chương Vàng nội dung thuyền nhẹ 4 người 2 mái chèo. Tấm huy chương mà ngay trên đất Indonesia, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, ông Trần Đức Phấn cũng phải thừa nhận còn… quý hơn Vàng!

Theo chia sẻ của ông Phấn, việc thi đấu không thành công trong những ngày vừa qua đã tạo thành một áp lực khổng lồ lên đôi vai mỗi tuyển thủ Việt Nam và tác động tới kết quả chung cuộc. Vì thế, việc giành được tấm huy chương Vàng đầu tiên này hy vọng sẽ giải tỏa áp lực tâm lý đó. Tuy nhiên, chính vị Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam cũng thừa nhận trong cuộc trao đổi với báo giới trong nước sau niềm vui: “Mọi khó khăn và thử thách lớn vẫn đang ở phía trước. ASIAD là sân chơi lớn mà Thể thao Việt Nam không dễ để chinh phục. Chúng ta tới đây với mục tiêu 3 HCV nhưng không có nghĩa là điều đấy có thể hoàn thành một cách dễ dàng, mà thực tế là vô cùng khó khăn, thậm chí có thể không đạt được”.

Đã có 1 và cũng chỉ còn 2 nữa là hoàn thành chỉ tiêu, khoảng cách không quá xa và đoàn Thể thao Việt Nam vẫn còn nhiều thế mạnh ở các môn võ, điền kinh và cả đua thuyền. Chỉ có điều nếu nhìn lại thất bại trước đó khi mà những Hoàng Xuân Vinh, Ánh Viên, Thúy Vi, Nguyễn Thị Thật… không vượt qua nổi chính mình, hay trường hợp của Thạch Kim Tuấn gặp phải đối thủ quá mạnh, thì thấy nỗi lo của vị Trưởng đoàn là có thật.

Ở một sân chơi lớn như ASIAD, rõ ràng, nếu chúng ta không chiến thắng nổi chính mình thì khó có thể chiến thắng được đối thủ. Bí mật của “cơn khát Vàng” là thế!

Ngọc Minh