Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Thị trấn miền núi phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững

15:34 28/12/2018 GMT+7

Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn bốn bề là đồi núi trải dài, ở giữa là sông suối uốn quanh, thị trấn Vũ Quang, (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) với xuất phát điểm thấp, điều kiện kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên sau gần 15 năm thành lập và 8 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, cách làm sáng tạo của cả hệ thống chính trị, Thị trấn Vũ Quang đã có bước chuyển biến lớn, đạt kết quả khá toàn diện, vững chắc, với nhiều dấu ấn nổi bật trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả đó, minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đầy trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, người đứng đầu và sự đồng thuận của quần chúng nhân dân.

Đầu tàu cho nền kinh tế huyện

Được thành lập theo Nghị định 112/2003/NĐ-CP ngày 03/10/2003 của Chính phủ, trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hương Đại và 2 xóm thuộc xã Hương Minh, Đức Bồng; thị trấn Vũ Quang là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội của huyện Vũ Quang.

Trụ sở hành chính thị trấn.

Trải qua 4 kỳ Đại hội, BCH Đảng bộ thị trấn Vũ Quang đã lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng và các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, nhờ đó tạo được sự chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Đảng bộ, chính quyền địa phương cùng với nỗ lực phấn đấu của nhân dân, thị trấn Vũ Quang từng bước tăng trưởng, thu ngân sách một số lĩnh vực vượt so với cùng kỳ các năm trước.

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương như: trạm y tế, trường học, đường sá giao thông,… cũng đạt được những thành tựu nổi bật. Chính quyền thị trấn chủ trương phát triển kinh tế là mặt trận hàng đầu, tập trung phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng CNH – HĐH, chú trọng phát triển các loại hình TTCN – TM – DV; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế nông nghiệp, các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt 418.752 triệu đồng, tăng 6,23 % so với cùng kỳ; TMDV đang chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của thị trấn Vũ Quang;  thu nhập bình quân đầu người 34.15 triệu đồng/người/năm (bằng 113,4% so với năm 2017).

Trong sản xuất nông nghiệp, cơ cấu cây trồng vật nuôi từng bước được chuyển đổi rõ rệt, đã chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao.Năm 2018, Tổng sản lượng lương thực cây có hạt 225 tấn; Tổng đàn trâu, bò hiện có 623 con; Khai thác 30 ha gỗ keo tràm; giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 7.626 triệu đồng.

Giá trị sản xuất lĩnh vực CN, TTCN, XDCB  đạt 37.945 triệu đồng (bằng  99.8% sơ với năm 2017). Thương mại dịch vụ có xu hướng tăng; giá trị sản xuất lĩnh vực TMDV và thu nhập khác  đạt 340.303 triệu đồng (tăng 2,2 % so với cùng kỳ); Toàn thị hiện có 15 Doanh nghiệp, 290 hộ kinh doanh ổn định và 30-40 kinh doanh không thường xuyên; tổng mức lưu chuyển hoàng hóa bán lẻ đạt gần 90 tỷ đồng (tăng  gần 2 tỷ đồng so với năm 2017).

Từng bước vươn mình hoàn thiện mọi mặt kinh tế – xã hội

Đến Thị trấn Vũ Quang vào những ngày này, chắc hẳn ai cũng cảm nhận được không khí hồ hởi, sôi nổi của người dân trong xây dựng NTM.Trên toàn địa bàn thị trấn, nơi đâu cũng bắt gặp những con người đang miệt mài với công việc của mình. Phong trào ra quân làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm triển khai rầm rộ; tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực tạo nên vùng kinh tế mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Dù còn không ít gian nan vất vả nhưng trên khuôn mặt mỗi người đều rạng rỡ niềm vui. Mỗi người đang bằng chính sức của mình góp phần làm nên diện mạo mới ở các làng quê của thị trấn miền núi.

Thị trấn Vũ Quang đang trên đà phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Ông Phan Quốc Long – Chủ tịch UBND chia sẻ tuy thị trấn đang đà phát triển nhưng cũng có những hạn chế như; thu nhập bình quân đầu người còn thấp, đời sống người dân còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Các mô hình như trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm… phát triển chậm, manh mún. Tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra chưa được tập trung xử lý, khắc phục gây bất bình trong nhân dân. Cùng với đó, thị trấn chưa có chính sách thu hút các hộ, các nhà đầu tư tham gia sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập. Công tác quản lý nhà nước về đất đai còn yếu, xử lý các tồn đọng về đất đai, cấp đất ở.

Từ những hạn chế, khó khăn, yếu kém; chính quyền đã tập trung chỉ đạo tốt các biện pháp gieo cấy và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng vụ Hè Thu, vụ Đông để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch cả năm, thực hiện tốt công tác tiêm phòng gia sức, gia cầm, tăng cường công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng, nâng cao hiệu quả khai thác rừng trồng, đồng thời chú trọng công tác trồng mới, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng.

Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang ông Nguyễn Thái Hòa nhận xét; Thị trấn Vũ Quang là một trong những thị trấn có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ổn định, tuy nhiên vẫn còn chậm so với một số thị trấn miền núi khác. Vì vậy, ãnh đạo thị trấn tăng cường quản lý, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các khoản chi đồng thời nỗ lực tiếp cận sự hỗ trợ của các nhà đầu tư, các nguồn tài trợ để giúp thị trấn trong việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn.

Một địa bàn cách đây 10 năm không được nhiều người biết đến hoặc chỉ biết với một thị trấn nhỏ bé, xa xôi, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Bằng tất cả tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nhất trí trong Đảng, sự điều hành, quản lý có hiệu quả của chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân nên Thị trấn Vũ Quang hôm nay đang từng bước chuyển mình trên con đường hội nhập, giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững.

Huyền Trang – Xuân Vũ