Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp ở Ba Vì

13:21 23/03/2021 GMT+7

Ngày 22/3, Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân (ND) Việt Nam do đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại huyện Ba Vì, TP. Hà Nội về thực hiện kế hoạch công tác năm 2021 và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng mô hình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, Tổ hội ND nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025”.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Phạm Hải Hoa – Thành ủy viên, Chủ tịch Hội ND thành phố Hà Nội; đồng chí Phùng Tất Nhị – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ huyện Ba Vì, cùng nhiều cán bộ lãnh đạo UBND huyện Ba Vì và Chủ tịch Hội ND cơ sở.

Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Tuyết Minh

Kinh tế khởi sắc tại các xã miền núi

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Bích Hảo, Chủ tịch Hội ND huyện Ba Vì cho biết, Ba Vì có 7 xã miền núi với dân số 77.489 người/18.546 hộ, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 20.898 người/7.833 hộ (chiếm khoảng 37,1% dân số). Tổng số hội viên nông dân 7 xã miền núi là 9.089 người trong đó hội viên nông dân là người dân tộc 3.756 hội viên (chiếm 41%).

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam “về đẩy mạnh xây dựng Chi hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp”, tính đến hết năm 2020, Ba Vì đã thành lập được 2 Chi hội ND nghề nghiệp, với 39 hội viên tham gia; 74 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp với 977 hội viên tham gia. Trên cơ sở Tổ hội ND nghề nghiệp đã thành lập, Hội tiếp tục hướng dẫn xây dựng phát triển thành lập được 74 Tổ hợp tác (gắn với 74 Chi, Tổ hội ND nghề nghiệp). Riêng 7 xã miền núi (vùng dân tộc thiểu số) thành lập được 1 Chi hội (Chi hội sản xuất miến dong thôn Minh Hồng – xã Minh Quang) với 19 hội viên tham gia; 22 Tổ hội với 358 hội viên tham gia, trong đó có 132 hội viên là người dân tộc thiểu số.

Thời gian qua, hội viên, nông dân 7 xã miền núi luôn được quan tâm, được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo. Về nguồn vốn Quỹ HTND: Hội ND các cấp trong huyện cũng đã quan tâm cho hội viên nông dân 7 xã miền núi vay vốn hơn 48 tỷ đồng. Riêng 7 xã miền núi đang quản lý là hơn 11 tỷ đồng cho 535 hội viên vay, chiếm 23,16%. Trong đó có 263 hội viên là người dân tộc thiểu số được vay hơn 5,9 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hội viên tham gia chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp được quan tâm hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, về nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân: Tổ hội Nông dân được vay vốn, với tổng số tiền là trên 11 tỷ đồng, trong đó riêng 7 xã miền núi có 188 hội viên thuộc 23 chi, tổ hội được vay vốn, với tổng số tiền là trên 4,1 tỷ đồng (trong đó có 100 hội viên là người dân tộc thiểu số được vay vốn với số tiền là hơn 1,9 tỷ đồng)

Thông qua các nguồn vốn vay, hội viên nông dân 7 xã miền núi trong huyện đã đầu tư để phát triển các mô hình kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói, giảm nghèo. Khu vực 7 xã miền núi huyện Ba Vì ngày càng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hội chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài với quy mô đạt trên 12.000 con; Tổ hội sản xuất chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với tổng diện tích trồng chè trên 1.800ha, giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè Ba Vì”; Tổ hội sản xuất chè sạch với diện tích 40ha ở xã Ba Trại; mô hình sản xuất miến dong ở các thôn Minh Hồng (xã Minh Quang), Ninh (xã Khánh Thượng), Hợp nhất (xã Ba Vì); Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì…

Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho 350 – 500 lao động mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,79% (2.458 hộ nghèo) cuối năm 2015, xuống còn 1,116% (207 hộ nghèo) cuối năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người vùng núi cuối năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người/năm, mỗi năm tăng thêm bình quân trên 2 triệu đồng/người.

Tuy nhiên, Ba Vì là huyện có địa bàn rộng, số lượng hội viên đông, nguồn vốn Qũy HTND, vốn vay uỷ thác của NHCSXH, Ngân hàng NN&PTNT chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hội viên nông dân; hạn mức cho vay còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất và chăn nuôi, đặc biệt là dự án điểm gắn với xây dựng mô hình kinh tế và chi hội, tổ hội ND nghề nghiệp, do vậy hội viên nông dân chưa thấy được các hoạt động hỗ trợ thiết thực khi tham gia chi, tổ hội nên chưa thu hút được hội viên tham gia. Đất đai của các hội viên khu vực miền núi chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún; cơ chế chính sách về tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn nhiều thủ tục phức tạp nên các tổ hội chưa có điều kiện để hợp tác sản xuất với quy mô lớn. Một rào cản nữa là hội viên nông dân người dân tộc thiểu số 7 xã miền núi về trình độ kiến thức còn chưa đồng đều, năng lực còn hạn chế nên chưa mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, chưa mạnh dạn tham gia các chi, tổ hội.

 Cần có định hướng tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm

Tại buổi làm việc đã có 6 ý kiến của các đồng chí Chủ tịch Hội ND các xã kiến nghị, đề xuất với Trung ương Hội NDVN, Hội ND TP. Hà Nội tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa để bổ sung các nguồn vốn mới đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất và chăn nuôi; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh tổ chức quảng bá xúc tiến tiêu tụ sản phẩm cho nông dân. Tạo điều kiện cho nông dân được tiếp cận kết nối với các doanh nghiệp  đầu tư, kinh doanh sản phẩm nông sản để tiêu thụ sản phẩm ổn định, tránh tình trạng được mùa rớt giá…

Đại biểu các xã phát biểu ý kiến

Theo ông Hoàng Trung Thiện, Chủ tịch Hội ND xã Yên Bài cho hay, ND xã Yên Bài không còn mặn mà làm nông nghiệp. Ông lấy ví dụ trong trồng lúa, bà con ND đã làm bài toán thu nhập giữa đầu tư công chăm sóc, vật tư với thu hoạch sản phẩm giá trị mang lại không có lãi nên bà con không còn thiết tha với cây lúa. Ông có kiến nghị chính quyền địa phương nên có hướng cho phát triển du lịch sinh thái để thu hút lao động nông thôn trên địa bàn các xã của huyện Ba Vì, thông qua đó sẽ đẩy mạnh bán sản phẩm nông nghiệp hiệu quả. Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi nên cần nắm bắt cơ hội này, hiện trên Yên Bài có nhiều hộ gia đình có điều kiện tự mở mô hình du lịch sinh thái.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Trưởng Ban Kinh tế- Xã hội, Trung ương Hội NDVN đã chỉ ra những hạn chế mà huyện Ba Vì  gặp phải đó là: Có 1.800ha diện tích trồng chè nhưng lại không có sản phẩm có thương hiệu mạnh; cũng như có lượng đàn bò sữa lớn nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm được doanh nghiệp đầu tư. Hội ND huyện Ba Vì nói riêng, Hội ND TP. Hà Nội nói chung cần học tập mô hình tiêu thụ nông sản của Hội ND các tỉnh bạn, ví dụ như Hội ND tỉnh Ninh Bình thành lập chuỗi các gian hàng bán nông sản cho hội viên ND.

“Ba Vì là huyện lớn của TP. Hà Nội có vị trí địa lý chính trị  cả về quốc phòng và an ninh, lại có văn hoá đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc. Hướng đi mở về phát triển sinh thái nông nghiệp (nông nghiệp gắn với du lịch, gắn với trải nghiệm” là hướng mà mỗi hội viên ND cần bắt nhịp, hình thành ý tưởng để khởi nghiệp. Chúng ta nên tìm hiểu nền công nghiệp thứ 6 của Hàn Quốc”, đồng chí Toàn gợi mở.

Đồng chí Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội ND TP. Hà Nội cho hay, qua buổi làm việc này Hội ND TP. Hà Nội có thêm kinh nghiệm, phương pháp và cách làm. Qua ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các đồng chí chủ tịch xã đưa ra Hội ND TP. Hà Nội cần có suy nghĩ tìm giải pháp, kế hoạch cụ thể, có định hướng để đưa về cơ sở hoạt động hiệu quả. Hội sẽ tận dụng các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho bà con vay vốn phát triển sản xuất. Hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc còn ít, yêu cầu các đồng chí chủ tịch Hội ND huyện cần quan tâm thu hút nhân lực và mở rộng nhiều chi, tổ hội nghề nghiệp. Hội ND TP. Hà Nội sẽ tổ chức những chuyến tham quan học hỏi mô hình, ví dụ như đi  học mô hình du lịch sinh thái tại tỉnh Thái Nguyên…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Trung ương Hội ND Việt Nam đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì cần tạo điều kiện thuận lợi cho Hội ND huyện Ba Vì tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 05/8/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam “về đẩy mạnh xây dựng Chi hội ND nghề nghiệp, Tổ hội ND nghề nghiệp”.

Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND huyện Ba Vì cần rà soát lại việc phát triển của chi hội nghề nghiệp và tiếp tục nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động các chi, tổ hội nghề nghiệp. Đặc biệt, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương như: Gà đồi Ba Vì, miến dong Minh Hồng, thuốc Nam… Qua đó, góp phần phát triển mạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản phẩm hàng hóa, giá trị cao.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trọng tâm là nhân rộng những tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi từ các mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp.

Hội ND huyện và Phòng Dân tộc Miền núi huyện Ba Vì cần xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 đơn vị để cùng thảo luận, đưa các giải pháp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền huyện Ba Vì có các chính sách, cơ chế hỗ trợ hội viên nông dân 7 xã miền núi giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.

Đối với những kiến nghị của Hội ND các xã miền núi huyện Ba Vì, đồng chí Đinh Khắc Đính yêu cầu Hội ND huyện Ba Vì cần tổng hợp, đề xuất; Hội ND TP. Hà Nội phối hợp với các sở, ngành để tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân huyện Ba Vì nói chung và hội viên nông dân 7 xã miền núi nói riêng. Trong năm 2021, Hội ND huyện Ba Vì phấn đấu xây dựng 1 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.

Chiều cùng ngày Đoàn công tác đã đi thăm mô hình điểm về sản xuất chè an toàn theo hướng VietGAP và mô hình thuốc nam người Dao tại xã Yên Bài, huyện Ba Vì.

Quỳnh Chi