Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: “Phải bám sát diễn biến cơn bão trong bối cảnh các địa phương đang có dịch COVID-19”. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 16h ngày 23/9, bão cách bờ biển Bình Định khoảng 130 km, cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 140 km, cách bờ biển Quảng Nam khoảng 160 km, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 220 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, đi vào khu vực từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia, đến 15h hôm nay, số lượng tàu trong vùng nguy hiểm là 28 tàu.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cho biết, hầu hết đã kêu gọi tàu thuyền về nơi trú tránh an toàn; chuẩn bị sẵn phương án di dân đến nơi an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng báo cáo, hiện tỉnh chỉ còn 1 tàu hoạt động trên biển, đang trên đường vào bờ. Tỉnh đã tạm dừng thi công các công trình dở dang trên địa bàn. Về tình hình vụ Hè Thu, đến nay đã thu hoạch hơn 95% và đang huy động thêm nhân lực, bao gồm lực lượng vũ trang để giúp dân thu hoạch nốt số còn lại, hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Phước Sơn, ở âu thuyền Thọ Quang, tỉnh đã kiểm tra, test nhanh COVID-19 cho các ngư dân ngoại tỉnh vào trú tránh. Tỉnh còn 5 tàu đang hoạt động trên biển, đã được thông báo và đang di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, hiện trên toàn tỉnh đang có mưa to. Dự báo lượng mưa trong đêm nay sẽ cao, từ 200-300 mm. Tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân di dời, gia cố hơn 3.000 lồng bè nuôi trồng thuỷ, hải sản. Hiện Quảng Nam còn 1 thị xã đang áp dụng Chỉ thị 16, đã được “tập dượt” qua cơn bão số 5, nên “công tác phòng chống đến nay là ổn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện địa bàn Lý Sơn mưa đã ngớt, gió cấp 7-8. Các hồ chứa trên địa bàn tỉnh mới đạt mực nước dưới 40%, bảo đảm tham gia tích nước chống lũ.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên-Huế Hoàng Hải Minh, tất cả tàu thuyền đã vào neo đậu ở nơi an toàn. Tỉnh đã tiếp nhận 50 phương tiện với 278 lao động ngoại tỉnh vào trú tránh. Vụ Hè Thu cơ bản thu hoạch xong. Mực nước ở các hồ thủy điện, thủy lợi khá thấp, sẵn sàng đón lũ. Hiện các sông ở Thừa Thiên-Huế dưới mức báo động 1.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng báo cáo, hiện tỉnh chỉ còn 1 tàu đang trên đường vào bờ. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác chuẩn bị của các bộ, địa phương ứng phó bão số 6, cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông. Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ đã kịp thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương để triển khai trong thời gian ngắn, cũng như có những báo cáo, tham mưu kịp thời cho Chính phủ, “tôi cũng cập nhật liên tục thông tin từ các báo cáo mà các đồng chí gửi từ sáng đến giờ”.
Mặc dù trong thời gian ngắn chuyển trạng thái từ áp thấp nhiệt đới sang, song các địa phương đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống, từ việc kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn, thu hoạch hoa màu để hạn chế thiệt hại, rà soát công trình hồ đập, chuẩn bị phương án di dân khi cần thiết. Các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia.
Cơn bão hình thành ngay trên Biển Đông, di chuyển vào đất liền nhanh, do đó, phải có sự ứng phó, có dự báo chính xác, kịp thời đồng thời triển khai khẩn trương tới các địa phương. “Phải bám sát diễn biến cơn bão trong bối cảnh các địa phương đang có dịch COVID-19”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: Phải kết hợp công tác phòng chống thiên tai với phòng chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm thiệt hại do thiên tai ở mức thấp nhất và không để vì bão mà mất kiểm soát dịch bệnh.
Thời gian từ giờ đến khi bão ảnh hưởng trực tiếp, mưa lớn không còn nhiều, Phó Thủ tướng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phải bám sát từng giờ, từng phút để dự báo chính xác, thông tin kịp thời và các cơ quan thông tin, truyền thông cần tích cực phối hợp.
Ghi nhận nỗ lực của các địa phương, Phó Thủ tướng lưu ý còn một số việc phải tiếp tục thực hiện. Từ giờ đến đêm, kêu gọi toàn bộ số tàu thuyền trên biển di chuyển về bờ tránh trú và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm (theo báo cáo thì vẫn còn 21 tàu thuyền của Quảng Ngãi, Bình Định và Đà Nẵng còn trong vùng nguy hiểm, chưa kể các tàu hoạt động ven bờ không được lắp hệ thống giám sát theo dõi tàu cá).
Các địa phương phải kết hợp thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp nơi trú tránh cho ngư dân và kiểm tra, xét nghiệm COVID-19.
Rà soát, tổ chức sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm ven biển, cửa sông, sóng lớn, sạt lở (các địa phương phải rà soát lại phương án sơ tán phù hợp với tình hình để bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời chủ động phòng chống dịch COVID-19). “Có khi tập trung cả xóm vào nhà văn hóa mà không làm tốt công tác phòng chống dịch thì dễ tạo ra ổ dịch”, Phó Thủ tướng nhắc. Bảo đảm an toàn công trình xây dựng, đê điều, hồ đập thuỷ lợi, thuỷ điện. Vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước. Bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chủ động tiêu úng chống ngập.
Tất cả tàu bè trong đêm nay (đến 24h) phải gọi về nơi trú tránh an toàn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phải ứng trực 24/24, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, bão lũ, có COVID-19 rất dễ “thiệt hại kép”. Giải pháp phòng chống bão trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đòi hỏi không được chủ quan, sơ sẩy một chút là thiệt hại có thể gấp nhiều lần so với tình hình bình thường (không có dịch bệnh).
(Theo Chính phủ)