Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông dân và Hội Nông dân Việt Nam

07:08 19/05/2020 GMT+7

Hồ Chí Minh cho rằng “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình luôn khát khao cháy bỏng về nền độc lập dân tộc, ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Trong quá trình tìm đường cứu nước, Người đã nhận ra rằng, cách mạng Việt Nam muốn thành công, phải theo đường lối cách mạng vô sản, thực hiện giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp để đi tới xã hội cộng sản. Trong cuộc cách mạng này, phải: “Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp”(1) . Hồ Chí Minh cho rằng “Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc”(2) .

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958 – Ảnh: Tư liệu

Bác thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nông dân

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ thuế khóa bất công của thực dân Pháp, giảm tô 25% và chia ruộng đất của thực dân, phong kiến cho nông dân. Ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các điền chủ nông gia Việt Nam: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”(3). Tháng 4/1952, tại Hội nghị lần thứ Ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II, Hồ Chí Minh khẳng định một lần nữa những đóng góp to lớn của giai cấp nông dân đối với sự nghiệp cách mạng: “Nông dân là tối đại đa số trong nhân dân nước ta, là bộ phận chủ chốt trong đội ngũ cách mạng, là giai cấp đóng góp nhiều nhất trong kháng chiến”(4). Đến năm 1953, trong thư gửi “Hội nghị Nông vận và Dân vận toàn quốc” ngày 5/2/1953, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”(5).

Sau khi miền Bắc được giải phóng, từng bước xây dựng cơ sở vật chất để lên chủ nghĩa xã hội, Người tiếp tục đặt niềm tin vào giai cấp nông dân trong cuộc cách mạng này: “nông dân ta đã anh hùng trong cách mạng, trong kháng chiến, trong cải cách ruộng đất, thì trong cuộc cách mạng biến đổi nông nghiệp từ thấp lên cao này nông dân ta cũng phải là anh hùng”(6).

Hồ Chí Minh thấu hiểu những hy sinh, mất mát của nông dân trong đấu tranh giành độc lập và kháng chiến bảo vệ nền độc lập đó. Trong Di chúc, Người căn dặn khi kháng chiến thành công Đảng và Nhà nước: “phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(7). “Đồng bào nông dân đã luôn luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ….. , tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”(8).

Như vậy, có thể thấy rằng, Hồ Chí Minh đã đánh giá đúng vai trò, vị trí quan trọng của nông dân trong cách mạng và đã biết cách khơi dậy sức mạnh ấy để biến thành động lực cách mạng. Người luôn mong muốn tất cả mọi người, trong đó có nông dân, “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(9).

Hồ Chí Minh thấy được sự cần thiết phải tập hợp nông dân trong tổ chức Hội

Không chỉ nhận thức đúng vai trò, vị trí quan trọng của nông dân đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Hồ Chí Minh còn nhận thấy được sự cần thiết phải tập hợp nông dân trong tổ chức Hội của mình, dưới sự lãnh đạo của đảng của giai cấp công nhân (Đảng Cộng sản). Ngay trong thập kỉ 20, thế kỉ XX, Hồ Chí Minh đã nhận ra phong trào nông dân các nước thuộc địa nói chung, nông dân Việt Nam nói riêng “còn thiếu tổ chức, thiếu người lãnh đạo”(10). Hồ Chí Minh đã đề nghị “Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ tổ chức lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng”(11). Người cho rằng nông dân Việt Nam “phải tổ chức nhau để kiếm đường giải phóng”(12), “Nông hội là một cái nền cách mệnh của dân ta”(13). Nông hội cần được lập ở mọi cấp: làng, tổng, huyện, tỉnh, toàn quốc cho mọi nam nữ nông dân từ 18 tuổi trở lên. Một làng có ba người tình nguyện vào nông hội thì đã tổ chức được một nông hội làng. Nông hội lúc này cần ngụy trang bằng những tên gọi như phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa…
Từ những quan điểm trên của Hồ Chí Minh, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên(14) đã xác định giai cấp nông dân là một lực lượng cách mạng to lớn. Cần phải tổ chức Nông hội, làm cách mạng ruộng đất cho giai cấp nông dân, tiến tới thành lập chính quyền công – nông – binh. Về đường lối cách mạng Việt Nam, Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên chỉ ra rằng “công cuộc cách mệnh An Nam bây giờ phải liên hợp thổ địa cách mệnh và dân tộc cách mệnh”(15).

Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh TL

Sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tan rã thành các tổ chức cộng sản. Những tổ chức này tiếp tục xác định vai trò quan trong của giai cấp nông dân trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Dưới sự chỉ dẫn của các tổ chức cộng sản, tổ chức hội của nông dân được thành lập ở khắp các địa phương, từ Bắc đến Nam với những tên gọi khác nhau như: Hội canh nông, hội cày, hội cấy….

Đầu năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: “Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng đánh trúc bọn địa chủ phong kiến” và “Đảng làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi ở dưới quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia”(16).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân đã bùng lên mạnh mẽ trong khắp cả nước nhưng nổi bật là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tại đây, phong trào đấu tranh của nhân dân đã làm cho chính quyền thực dân phong kiến bị tê liệt ở cấp huyện và tan rã ở cấp xã. Các xã bộ nông – một hình thức chính quyền cách mạng cơ sở ở thôn xã được thành lập phỏng theo mô hình xô viết ở Liên Xô.

Các xã bộ nông ban bố quyền tự do dân chủ của nhân dân. Quần chúng được tự do tham gia các đoàn thể cách mạng, tự do hội họp, thảo luận và góp phần vào công việc chung của xã hội. Trên cơ sở đó, tổ chức đảng và tổ chức quần chúng cách mạng phát triển nhanh chóng, trong đó có tổ chức Nông hội đỏ(17) của giai cấp nông dân.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp tại Hồng Kông, Trung Quốc đã thông qua Luận cương Chính trị. Luận cương khẳng định vai trò quan trọng của giai cấp nông dân trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Hội nghị nhấn mạnh: “phải chỉnh đốn nông hội lại cho có hệ thống theo điều lệ mới và dự bị việc tổ chức Đông Dương Tổng Nông hội. Phải tổ chức đội tự vệ của nông dân”(18). Hội nghị thông qua Nghị quyết về Nông dân vận động, trong đó chỉ rõ những sai lầm, khuyết điểm trong việc tổ chức, tập hợp nông dân đứng lên đấu tranh.

Trên có sở đó, Nghị quyết đề ra nhiệm vụ đổi mới công tác vận động nông dân, với trọng tâm là xây dựng tổ chức nông hội từ cơ sở lên đến trung ương. Theo đó, cơ sở của nông hội là làng, đến tổng, huyện, tỉnh, xứ, trên cùng là Đông Đương Tổng Nông hội. Trong nông hội, bần nông và trung nông có vai trò quan trọng, còn phú nông không cho lọt vào tổ chức.

Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết phải thành lập các đội tự vệ của nông dân để bảo vệ phong trào đấu tranh cách mạng: “Việc tổ chức và khoách trương đội tự vệ của nông dân rất quan trọng và cần thiết cho cuộc tranh đấu ở nhà quê”(19). Nghị quyết xác định rõ mối quan hệ khăng khít giữa Nông hội với Công hội, giữa Nông hội với Đảng: “Nông hội phải phát sinh liên lạc mật thiết với Công hội. Đối với Đảng thì Nông hội phải chịu chính trị chỉ huy, nhưng tổ chức của Đảng và Hội phải có phân tách rõ ràng. Đảng bộ muốn đem ý kiến gì thi hành trong Nông hội thì phải do Đảng đoàn; mà Đảng đoàn phải dùng cách giải thích, đề nghị mà làm chứ không được dùng cách mệnh lịnh…”(20).

Hội nghị thông qua Điều lệ Tổng Nông hội Đông Dương gồm 8 điều, trong đó nêu rõ mục đích của Điều lệ là nhằm “thống nhất hết thảy Tổng Nông hội Đông Dương để tranh đấu bênh vực quyền lợi hàng ngày của nông dân và để thực hiện cách mạng thổ địa”(21). Điều lệ quy định: “Hễ Nông hội nào thừa nhận mục đích, điều lệ và chịu thi hành những án nghị quyết của Tổng Nông hội Đông Dương và nộp hội phí thì được nhận làm hội viên”(22).

Về tổ chức, Điều lệ nêu rõ: Các nông hội phải lấy làng làm cơ sở, một làng là một nông hội. Hệ thống tổ chức của Tổng Nông hội Đông Dương được quy định rõ ràng: “Hết thảy Nông hội làng thống nhất lại thành Tổng Nông hội tổng; hết thảy Tổng Nông hội tổng trong một huyện thống nhứt lại thành Tổng Nông hội huyện; hết thảy Tổng Nông hội huyện trong một tỉnh thống nhất lại thành Tổng Nông hội tỉnh; hết thảy Tổng Nông hội tỉnh trong một xứ thống nhứt lại thành Tổng Nông hội Xứ; hết thảy Tổng Nông hội các xứ thống nhứt lại thành Tổng Nông hội Đông Dương”(23). Hội nghị còn thông qua Điều lệ Nông hội làng. Mục đích của Nông hội làng là đoàn kết hết thảy bần và trung nông trong làng, liên hiệp với nông dân và công nhân các nơi trong nước để đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bênh vực quyền lợi của nông dân và thực hiện cách mạng ruộng đất.

Bộ mặt nông thôn ngày nay đã có những thay đổi quan trọng, đời sống của nông dân cũng được cải thiện. Ảnh TL

Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương được thông qua tại Hội nghị thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (tháng 10/1930) là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, thể hiện của sự trưởng thành về chính trị của giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với ý nghĩa quan trọng đó, ngày 17/1/1991, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VI) đã nhất trí lấy ngày 14/10/1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Tư tưởng của Hồ Chí Minh về nông dân và Hội Nông dân Việt Nam là những chỉ dẫn quan trọng để xây dựng, củng khối đại đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ cuộc đấu tranh giành lại nền độc lập dân tộc năm 1945 đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) cũng như công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

TS. Nguyễn Danh Lợi – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 2, Tr. 2
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr.31
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.246
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.458
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 42
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 11, tr. 417
(7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
(8) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.617
(9) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 4, Tr. 87
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 1, tr 311
(11) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 1, tr 311
(12) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 2, tr 339
(13) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập 2, tr 341
(14) Tổ chức cách mạng do Hồ Chí Minh lập ra năm 1925 ở Quảng Châu, Trung Quốc
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, 2002, Hà Nội, tập 1, tr. 106
(16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 1998, tập 2, tr. 4
(17) Trong cao trào cách mạng 1930-1931, Nông hội và một số tổ chức chính trị xã hội hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng thường được gắn thêm từ “đỏ” để chỉ tính chất cách mạng của tổ chức đó như: tự vệ đỏ, cứu tế đỏ,…Đây cũng là cách gọi của Liên Xô, Trung Quốc.
(18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 115
(19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 155
(20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 156
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 158
(22) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 158
(23) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Sđd, tập 2, tr. 158.