Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới nông dân

Trần Thị Mai Hương - 11:38 16/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Nam Định đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Từ đó, giúp hội viên, nông dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Hội viên nông dân được phát tờ rơi có nội dung liên quan đến pháp luật.

Phong phú, đa dạng về nội dung tuyên truyền

Theo ông Đặng Ngọc Hà – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nam Định: Xác định rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hàng năm, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã ban hành các văn bản cụ thể để chỉ đạo các cấp Hội thực hiện: Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời phổ biến nội dung các văn bản pháp luật có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Đất đai năm 2013, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ môi trường… Các văn bản pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; Các chương trình, đề án phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện nhiệm vụ của Hội, địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng…

Hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được đa dạng hóa thông qua các hội nghị sinh hoạt chi Hội, sinh hoạt Câu lạc bộ, phát hành tờ rơi, sách hỏi đáp pháp luật, sân khấu hóa, xây dựng các mô hình điểm, tuyên truyền trên bản tin, website Hội Nông dân…

Trong những năm quacác cấp Hội đã phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên và Môi trường tổ chức được trên 2.500 buổi tuyên truyền cho hơn 200.000 lượt hội viên, nông dân; phát hành gần 136.000 cuốn Bản tin Nông dân Nam Định, 7.000 tờ rơi, 1.250 sách hỏi đáp pháp luật. Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội tổ chức 14 lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; công tác giám sát và phản biện xã hội cho trên 1.500 cán bộ, hội viên nông; tập huấn “Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình” tại thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc; tọa đàm với chủ đề “Đừng vung tay - hãy cầm tay” tại huyện Hải Hậu; Giao lưu sân khấu hóa “Chung tay xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” tại huyện Ý Yên; Diễn đàn “Đàn ông đích thực nói không bạo lực với phụ nữ” tại huyện Giao Thủy; truyền thông, tư vấn cho nam nông dân về “Phòng, chống bạo lực gia đình” tại huyện Vụ Bản; tập huấn “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của nam giới về phòng, chống bạo lực gia đình” tại huyện Nghĩa Hưng...

Hội Nông dân tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị tập huấn về thực hiện Quyết định 81/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh tư liệu

 Xây dựng và duy trì các mô hình tuyên truyền pháp luật cho nông dân

Để công tác tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật đạt hiệu quả, Hội Nông dân các cấp chú trọng việc xây dựng các mô hình với nhiều cách làm mới, sáng tạo góp phần tăng hiệu quả tuyên truyền, đã góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân và người dân trong việc chấp hành pháp luật; hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương

Hiện, tỉnh Nam Đinh thành lập được 40 câu lạc bộ "Nông dân với pháp luật" với 2.255 thành viên… Mỗi thành viên câu lạc bộ đều là tuyên truyền viên phổ biến pháp luật đến tận người dân; đồng thời tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; tham gia hòa giải, trợ giúp pháp lý; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hội viên, nông dân…  Kết quả, trong những năm qua, có 15.517 lượt người được tư vấn, trợ giúp pháp lý, 1.995 vụ việc được hòa giải. Song song với đó, công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được Hội Nông dân các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, các thành viên Câu lạc bộ cũng là những tuyên truyền viên pháp luật thường xuyên tư vấn, giải đáp về pháp luật cho hội viên, nông dân; tham gia hòa giải, giải quyết mâu thuẫn và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ Hội này thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao trình độ thông qua các hội nghị tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ hội... giúp trang bị thêm kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới hội viên, nông dân.

Hội Nông dân tỉnh còn phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh thành lập được 11 câu lạc bộ“Nông dân với an toàn giao thông” với 220 thành viên tham gia; Phối hợp với ngành Công an, Bộ đội Biên phòng thành lập được hơn 70 mô hình “Nông dân tự quản về an ninh trật tự” với gần 5.000 thành viên tham gia. Thành phần nòng cốt của các câu lạc bộ là cán bộ Hội, ngoài ra còn có công an, bộ đội, trưởng xóm và hội viên, nông dân tiêu biểu của địa phương. Các câu lạc bộ đều có quy chế hoạt động cụ thể, duy trì sinh hoạt thường xuyên. Nội dung các buổi sinh hoạt tập trung vào việc phổ biến, tuyên truyền một số chuyên đề pháp luật phù hợp với thực tế địa phương. Từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên, đồng thời góp phần tạo ra phong trào tham gia tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật trong hội viên, nông dân.

"Có thể nói, thông qua việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của đông đảo cán bộ, hội viên nông dân và nhân dân trên địa bàn được nâng lên rõ rệt, qua đó, góp phần tích cực trong việc kiềm chế, đẩy lùi các hành vi vi phạm pháp luật, chấp hành tốt pháp luật, có thói quen tìm hiểu và thực thi nghiêm luật pháp ngày càng phổ biến, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương xã hội; nâng cao dân trí, văn hóa pháp luật, tạo môi trường, lành mạnh thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh" - ông Đặng Ngọc Hà khẳng định.

* PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, HỘI VIÊN, NÔNG DÂN