Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

8 giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 20/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi và Luật HTX sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Một trong những điểm mới, nổi bật của Luật HTX (sửa đổi) này là đã thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. 
Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp và phát t PTNT, Luật HTX sửa đổi đã bổ sung khoản 2 và khoản 4 Điều 25 quy định hỗ trợ tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX liên kết hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn để phát triển thị trường; hỗ trợ hình thành sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị kinh tế, văn hóa, lợi thế của địa phương.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, nhà lưới tại Hợp tác xã Tân Minh Đức (Gia Lộc). Ảnh Hải Ninh

Để phát triển hiệu quả KTTT, HTX và nâng cao vai trò vị thế của HTX đối với phát triển nông nghiệp nông thôn, các nhiệm vụ và giải pháp sau cần được triển khai đồng bộ gồm:
Nhóm giải pháp về chính sách
Một là, xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp điều kiện đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng và địa phương: Các địa phương cần tập trung nguồn lực xây dựng đa dạng các mô hình mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả phù hợp điều kiện đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, từng địa phương, đáp ứng xu thế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên hỗ trợ phát triển các mô hình HTX nông nghiệp gắn với vùng sản xuất nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ổn định của doanh nghiệp, người tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu; tạo điều kiện thúc đẩy hình thành liên kết chuỗi giá trị nông sản ổn định. Khi xây dựng các mô hình HTX cần gắn với việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh và quản lý hợp tác xã, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo minh bạch thông tin và an toàn thực phẩm; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất, phân loại, sơ chế và dịch vụ hậu cần của HTX.
Hai là, rà soát, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách cho HTX nông nghiệp: Rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kịp thời đề xuất, sửa đổi cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho HTX nông nghiệp hoạt động và phát triển, đặc biệt quan tâm đến các nhóm chính sách sau:
Chính sách đất đai: i) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX nông nghiệp tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh để hình thành vùng nguyên liệu tập trung có quy mô lớn, phát triển liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ổn định; ii) Hỗ trợ, hướng dẫn HTX nông nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng hạ tầng (kho tàng, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, sản phẩm).
Chính sách thuế, phí và lệ phí: Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí từ các hoạt động dịch vụ của HTX phục vụ thành viên; có chính sách ưu đãi đối với HTX hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; HTX sử dụng nhiều lao động nữ, lao động khuyết tật, nhiều thành viên là người khuyết tật, thành viên là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ phí kiểm toán HTX; hỗ trợ mở rộng việc mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp thông qua HTX.
Chính sách tín dụng: i) Cải tiến, đổi mới thủ tục, điều kiện tín dụng để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cho HTX nông nghiệp; ưu tiên HTX tham gia chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, gắn với bảo hiểm nông nghiệp; HTX nông nghiệp vay vốn theo dự án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả; ii) Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mở rộng hoạt động tín dụng nội bộ trong từng HTX nông nghiệp; nghiên cứu ban hành khung pháp lý về hoạt động tín dụng nội bộ cho HTX nông nghiệp tổ chức và hoạt động; iii) Nghiên cứu bổ sung chức năng của các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phát triển HTX và các chức năng khác như: bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao; đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp HTX nông nghiệp phù hợp với tình hình thực tế, năng lực tài chính, quản trị điều hành và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Chính sách khoa học, công nghệ: i) Ưu tiên hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất an toàn thực phẩm, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, giảm thất thoát thực phẩm, chế biến phụ phẩm của sản phẩm nông nghiệp, vệ sinh môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn; ii) Khuyến khích, hỗ trợ HTX nông nghiệp tham gia phát triển vùng nguyên liệu, hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; ưu tiên cấp mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi gắn với phát triển vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; các chương trình, đề án, dự án phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, máy móc thiết bị: Bố trí nguồn lực hỗ trợ HTX nông nghiệp về đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm như: đường giao thông nội vùng sản xuất; các công trình thủy lợi; xây dựng các khu tập kết, thu gom phân loại, đóng gói, sơ chế, nông sản nguyên liệu tập trung ở các vùng nguyên liệu trước khi chuyển đến nhà máy chế biến hoặc xuất khẩu; hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp.
Ba là, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp: i) Lồng ghép nội dung hỗ trợ HTX vào các chương trình, đề án phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn; công tác xây dựng mô hình HTX nông nghiệp điển hình; công tác tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện quản lý nhà nước và hỗ trợ HTX nông nghiệp; bố trí nguồn lực hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp ở địa phương; ii) Quan tâm, hỗ trợ xây dựng và phát triển các loại hình hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp như: Các câu lạc bộ của người sản xuất; hội quán; tổ hợp tác; nhóm, đội cùng sở thích; tạo điều kiện để nông dân, người sản xuất tìm hiểu, trao đổi thông tin, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, xây dựng lòng tin trong hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; iii) Thúc đẩy phát triển mạng lưới khuyến nông cộng đồng; lấy HTX làm nòng cốt cho chương trình tri thức hoá nông dân; xây dựng các hệ sinh thái (gồm các tổ chức, cá nhân như doanh nghiệp, ngân hàng, quỹ tín dụng, chuyên gia tư vấn, khuyến nông viên, kỹ thuật viên, người tiêu thụ…) làm công tác tư vấn, vận động nông dân vào HTX, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số hiệu quả, bền vững.
Bốn là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp: i) Nghiên cứu đưa nội dung đào tạo HTX nông nghiệp vào chương trình của các trường cao đẳng, đại học, các trường nghề và học viện chính trị; đào tạo, bồi dưỡng phát triển lực lượng khuyến nông cộng đồng, chuyên gia tư vấn phát triển HTX nông nghiệp; ii) Tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng trình độ, kỹ năng quản lý HTX nông nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; phát triển lực lượng, chuyên gia tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, lực lượng khuyến nông cộng đồng ở cơ sở (cấp huyện, xã) để thường xuyên tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; iii) Khuyến khích doanh nghiệp tham gia liên kết hỗ trợ nhân lực quản trị sản xuất, kinh doanh cho HTX nông nghiệp; hợp tác, liên kết đưa cán bộ quản lý, lao động làm việc trong các HTX nông nghiệp đi học tập, lao động tại nước ngoài; iv) Rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách tạo động lực để thu hút lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học về làm việc tại các HTX nông nghiệp để tăng cường năng lực quản trị, đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh và tham gia khởi nghiệp cùng HTX nông nghiệp.

Mô hình trồng hoa lan Hồ điệp công nghệ cao tại Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Bắc Ninh. Ảnh Huy Hoàng

Nhóm giải pháp khác
Năm là, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp: i) Khuyến khích mọi thành phần kinh tế hợp tác, liên kết đầu tư, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.  Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiêp nhà nước có cơ chế ưu tiên hỗ trợ hợp tác đầu tư, liên kết với HTX nông nghiệp trong phát triển vùng nguyên liệu, cung ứng vật tư đầu vào, khuyến nông-khuyến lâm-khuyến ngư, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ sản phẩm; ii) Căn cứ điều kiện cụ thể, các bộ, ban, ngành, địa phương rà soát, bổ sung xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch và giải pháp thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ưu tiên cân đối, bố trí vốn từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được giao để thực hiện các chương trình, đề án, dự án và nhiệm vụ hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX nông nghiệp.
Sáu là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp: i) Củng cố tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX nông nghiệp ở Trung ương và địa phương; bố trí tổ chức, công chức, viên chức đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao quản lý nhà nước về KTTT, HTX nông nghiệp, tránh tình trạng không có tổ chức hoặc cán bộ chuyên trách theo dõi về KTTT, HTX nông nghiệp; ii) Thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh, khen thưởng các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, các địa phương và các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp hỗ trợ phát triển KTTT, HTX nông nghiệp.
Bảy là, nâng cao vai trò các cấp ủy đảng, chính quyền, Liên minh HTX Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp: i) Nâng cao vai trò các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ phát triển bền vững HTX nông nghiệp gắn với không ngừng nâng cao đời sống người nông dân và văn minh hóa nông thôn. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị các cấp ở địa phương vào hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp theo định hướng đã được thống nhất về bản chất và mô hình HTX nông nghiệp; ii) Tăng cường gắn kết với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể chính trị và Liên minh HTX Việt Nam cùng hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; tăng cường các chương trình phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, đoàn thể chính trị và hệ thống và Liên minh HTX Việt Nam trong tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia thành viên và phát triển HTX nông nghiệp. Tạo dựng các hệ sinh thái hỗ trợ, tư vấn phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tám là, truyền thông, nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển KTTT, HTX trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới: i) Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cán bộ, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức kinh tế - xã hội và người dân về bản chất, vị trí và trò và tầm quan trọng của việc củng cố, xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; ii) Xây dựng nội dung, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm thiết thực hiệu quả với các hình thức đa dạng, phong phú. Nghiên cứu, tài liệu hóa các mô hình điển hình, các bài học hay để tuyên truyền; kịp thời khen thưởng, tôn vinh và nhân rộng các mô hình KTTT, HTX nông nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả và phát triển bền vững.