Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Bánh tráng Phú Hòa Đông lan tỏa thị trường châu Âu

15:53 30/01/2020 GMT+7
Từng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn duy trì và phát triển. Làm nên sức sống làng nghề có sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của chính quyền và đặc biệt là sự tâm huyết của

Từng trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) vẫn duy trì và phát triển. Làm nên sức sống làng nghề có sự nỗ lực của người dân, sự quan tâm của chính quyền và đặc biệt là sự tâm huyết của ông Lê Thế Khải – Giám đốc HTX làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông.

Xã viên HTX bánh tráng Phú Hòa Đông đóng gói sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Thăng trầm ở làng bánh tráng trăm tuổi

Làng Bánh tráng Phú Hòa Đông đã có gần 100 năm phát triển. Sau năm 1975, làng nghề từng lâm vào giai đoạn khó khăn do tình hình chung là thiếu lương thực. Thế rồi, nghề bánh tráng được khôi phục vào năm 1980. Gần 10 năm sau, bánh tráng đã được xuất khẩu sang Pháp.

Những người làm nghề kể rằng, giai đoạn rực rỡ của làng nghề là những năm 1992 đến 1996. Khi đó, toàn xã có 1.700 lò tráng bánh, 39,4% số hộ của xã làm nghề bánh tráng, giải quyết việc làm được khoảng 5.000 lao động với các nghề liên quan như: đan liếp, tráng bánh, xay bột, cung cấp gạo, chất đốt, thu mua… Mỗi ngày cả làng tiêu thụ hơn 40 tấn gạo và sản xuất hơn 30 tấn bánh thành phẩm.

Nhưng rồi, trong xu thế công nghiệp hóa, lực lượng lao động đi vào các công ty, xí nghiệp, cộng với giá nguyên liệu đầu vào tăng, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các điểm thu mua dẫn đến chất lượng bánh bị thả nổi. “Những lô hàng bánh tráng xuất khẩu bị trả lại khiến cho nghề bánh tráng đi xuống. Trong khi, các món ăn trên thị trường ngày càng đa dạng như mì, bánh, nui… khiến bánh tráng kém sức cạnh tranh và rơi vào suy thoái. Năm 2011, cả làng chỉ còn 400 lò làm bánh tráng” ông Lê Thế Khải ngậm ngùi kể lại.

Vốn là người gắn bó, nhiệt huyết với nghề bánh tráng nên ông Lê Thế Khải và nhiều người vẫn lạc quan tin rằng nghề bánh tráng có tiềm năng phát triển. Bởi bánh tráng là món ăn truyền thống, được nhiều người dù là Việt, hay châu Á, châu Âu ưa chuộng, bánh tráng có thế mạnh riêng mà các món ăn khác không thể cạnh tranh. Vấn đề là phải thay đổi cách sản xuất, khắc phục các yếu kém, nâng cao chất lượng, uy tín, ứng dụng trang thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm lao động thủ công.

Sức sống hồi sinh

Nhận thấy những giá trị của làng nghề cùng sự tâm huyết của người làm nghề, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án khôi phục làng nghề truyền thống bánh tráng Phú Hòa Đông vào tháng 8 năm 2003. Đây chính là điểm tựa để làng bánh tráng 100 tuổi hồi sinh và phát triển.

Đề án xây dựng lộ trình để làng nghề phát triển bền vững. Từ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường, cho vay vốn hỗ trợ lãi suất, tập huấn Luật HTX 2003…

Thực hiện đề án, UBND xã Phú Hòa Đông tổ chức thí điểm cho 20 hộ vay vốn xây hầm biogas. Ngoài nguồn vốn vay 9 triệu đồng trả góp hàng tháng, mỗi hộ còn được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng. Giai đoạn 2 đã có 150 hộ tham gia, sử dụng nguồn vốn 1,5 tỷ đồng.

Để hỗ trợ sản xuất, Chi nhánh Ngân hàng CSXH cũng vào cuộc cho vay giải quyết việc làm, xây nhà vệ sinh, học nghề… cho trên 800 hộ vay số tiền hơn 5 tỷ đồng. Đối với 09 hộ tráng bánh đầu tư máy được vay 200 triệu đồng/hộ.

Cùng đó, địa phương cũng đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện nay, tất cả các trục đường chính trong xã đều được trải nhựa với 35km đường nhựa nông thôn, các tuyến đường còn lại được mở rộng cấp phối sỏi đỏ. 100% hộ dân trong xã có điện sinh hoạt. Nhờ đó, rất thuận lợi sản xuất và vận chuyển sản phẩm…

Từ đây, làng nghề hồi sinh. Hiện làng nghề có 65 lò tráng máy và khoảng 100 lò tráng thủ công, giải quyết việc làm cho từ 5.000 – 6.000 lao động trong toàn huyện. Thu nhập người lao động nghề bánh tráng cao hơn lao động nông nghiệp thuần từ 1,4 lần đến 3,6 lần. Mỗi ngày làm ra 40 tấn bánh, trong đó xuất khẩu 2/3.

Ông Lê Thế Khải nhớ lại, nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều cơ quan ban ngành, tháng 10.2006, HTX Bánh Tráng Phú Hòa Đông ra đời với 11 xã viên, có 07 hộ có máy tráng và 01 hộ sản xuất máy tráng. Đến 2008, HTX đã hoạt động ổn định, mỗi tháng đã xuất khẩu qua Pháp 6 tấn bánh tráng, và là nhà cung cấp thường xuyên cho Siêu thị Co.op Mart cho đến nay.

Đến tháng 9.2015, tổng số thành viên của HTX được nâng lên 18 xã viên với 10 lò tráng bánh. Sản phẩm chủ yếu là xuất khẩu. Ngoài ra, HTX còn cung cấp cho siêu thị và thị trường bán lẻ trong nước đã khoảng 15 tấn/tháng.

Phú Hòa Đông – Làng nghề bánh tráng truyền thống Củ Chi.

“Từ năm 2017 đến nay, HTX hoạt động rất ổn định, năm nào cũng có lợi nhuận cao. Dù tổng vốn điều lệ từ 2017 đến hết 2018 vẫn là 1 tỷ đồng, nhưng tổng doanh thu năm 2017 là 3,75 tỷ đồng thì năm 2018 tăng lên 4,07 tỷ đồng. Mỗi năm nộp ngân sách từ 800 đến 900 triệu đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 45 triệu năm 2017 tăng lên 65 triệu đồng năm 2018. Hiện HTX có 15 công nhân làm thường xuyên” ông Khải tự hào cho biết.

HTX đã có chiến lược và kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững, trong đó, mỗi thành viên cần nỗ lực đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. HTX đang lắp đặt sân phơi có màng nhựa để tránh mưa, bụi; lắp đặt hệ thống băng tải chuyển bánh ra sân phơi để giảm lao động, đầu tư hiện đại công nghệ bảo quản, đóng gói sản phẩm, mẫu mã …

Dù đã yên tâm với nghề, nhưng ông Khải vẫn mong nhà nước có ưu đãi về thuế, cho vay vốn, thành lập cửa hàng trưng bày sản phẩm, trưng bày những hiện vật về nghề tráng bánh, thành lập tour du lịch xanh dọc sông Saigon tuyến Vườn sinh thái Trung An – Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông – Địa đạo Bến Đình, Bến Dược… để nghề bánh tráng Phú Hòa Đông có thêm sức sống mới.

HTX Làng nghề Bánh tráng Phú Hòa Đông được nhận được bằng khen về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; bằng khen “10 năm xuất sắc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2010 – 2020” của UBND TPHCM.

Vân Nguyễn