Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Biến đổi xã hội ở nông thôn Việt Nam hiện nay và những vấn đề đặt ra

(Tapchinongthonmoi.vn) - Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam đã có những biến đổi vô cùng sâu sắc. Bên cạnh những biến đổi xã hội mang tính tích cực, nông thôn Việt Nam hiện nay xuất hiện những vấn đề xã hội cấp bách: Thiếu việc làm cho người lao động; Tệ nạn xã hội gia tăng; Những giá trị của văn hoá làng quê ngày càng mờ nhạt; Ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn…

Hình ảnh cổ kính, mang nét xưa cũ của làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội). Nguồn: VNN

Vấn đề đặt ra là cần có cách tiếp cận mới, thực chất, hiệu quả nhằm xây dựng và hoạch định các chính sách xã hội phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước nói chung và của nông thôn nói riêng, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững.
Nhận thức chung về biến đổi xã hội
Theo các nhà khoa học xã hội, biến đổi xã hội (social chane) là một quá trình xã hội trong đó các yếu tố cấu thành của xã hội và cả hệ thống xã hội đó thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác; hoặc các hành vi xã hội, các quan hệ xã hội, các thiết chế xã hội và các hệ thống phân tầng xã hội được thay đổi theo thời gian. Biến đổi xã hội diễn ra dưới mọi hình thức từ quy mô, cấu trúc và thành phần của xã hội, thiết chế xã hội, văn hóa, cộng đồng, vị thế xã hội, vai trò xã hội, mạng lưới xã hôi. Sự biến đổi này là do con người và vì con người, chính con người tạo ra sự biến đổi xã hội nhưng đến lượt nó lại bị ảnh hưởng của sự biến đổi đó. 
Biến đổi xã hội là một hiện tượng mang tính phổ biến. Mỗi xã hội đều biến đổi thông qua thời gian nhưng do điều kiện khác nhau nên các xã hội biến đổi theo những nhịp độ nhanh, chậm khác nhau. Căn cứ vào nội dung của biến đổi xã hội có thể chia ra biến đổi cấu trúc xã hội và biến đổi văn hóa xã hội. Căn cứ vào khả năng kiểm soát của sự biến đổi xã hội có thể chia ra biến đổi có hoạch định và biến đổi không hoạch định.  Căn cứ vào tốc độ biến đổi xã hội có thể chia ra biến đổi nhanh chóng và biến đổi chậm chạp. Căn cứ vào phạm vi ảnh hưởng của biến đổi xã hội có thể chia ra thành biến đổi vĩ mô và biến đổi vi mô. Việc phân loại biến đổi xã hội chỉ mang tính chất tương đối, bởi trên thực tế xã hội diễn ra vô cùng phong phú và rất phức tạp.
Có nhiều nhân tố tác động đến biến đổi xã hội, như: Phát triển kinh tế (tăng trưởng hay suy thoái); chính trị (quan điểm của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa bằng các chính sách xã  hội); văn hóa (xuất hiện những giá trị mới, niềm tin, phong tục…); xã hội (các loại hình tổ chức đời sống xã hội); phát triển của khoa học và công nghệ (xuất hiện internet, công nghệ số, 4.0…); điều kiện tự nhiên (vị trí địa lý, đất đai, sông, núi, tài nguyên, khí hậu, hệ động, thực vật...); dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố dân số theo vùng lãnh thổ…).
Những biến đổi xã hội của nông thôn Việt Nam hiện nay
Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn Việt Nam hiện nay có những biến đổi vô cùng sâu sắc. Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, nhất là vai trò chủ thể của nông dân, cả nước đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.”(1) đang được hiện thực hóa. Theo đánh giá của Đảng, Nhà nước, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Đường làng tại xã Hải Anh - xã Nông thôn mới nâng cao của huyện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh Toquoc.vn

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, đến nay, cả nước có 6.009/8.225 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 937 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 110 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 255 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới và 18 địa phương cấp tinh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh đó, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã đạt được kết quả nổi bật với 8.867 sản phẩm OCOP, của hơn 4.586 chủ thể. Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng, công nhận 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của hơn 4.586 chủ thể tham gia. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,2 lần so với năm 2010. Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016(2).
Bên cạnh những biến đổi xã hội mang tính tích cực nói trên, ở nông thôn Việt Nam hiện nay xuất hiện những vấn đề xã hội cấp bách: Thiếu việc làm cho người lao động; Tệ nạn xã hội gia tăng; Những giá trị của văn hoá làng quê ngày càng mờ nhạt; Ô nhiễm môi trường sống ở nông thôn; Xuất hiện những mâu thuẫn trong người dân do những bất cập của việc thu hồi đất…
Thiếu việc làm cho người lao động
Mặc dù sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã đem lại sự đa dạng hoá việc làm, nguồn thu cho người lao động, nhưng tình trạng người lao động thiếu việc làm lại là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các vùng nông thôn Việt Nam. Theo Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022 cho thấy lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, trong đó, lực lượng lao động ở nông thôn là 32,2 triệu người. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức trong khu vực nông thôn là 61,9%; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực này là 6,68%(3). Với lực lượng lao động lớn như vậy nhưng trên thực tế, người lao động nông thôn chỉ sử dụng khoảng 80% thời gian làm việc; 20% thời gian còn lại (tương đương với 6,52 triệu lao động) nhàn rỗi. Theo dự báo, đến năm 2025, số lao động ở khu vực nông thôn tăng thêm khoảng 5 triệu người, cộng với số người mất việc do đất nông nghiệp chuyển đổi mục đích trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ là con số không nhỏ. Mặt khác, lao động nông thôn không chỉ chiếm tỷ trọng cao, cơ cấu mất cân đối, mà còn hạn chế về tay nghề. Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên tại khu vực nông thôn là 16% (có tới 84% chưa qua đào tạo), thấp hơn nhiều so với tỷ lệ của thành thị (39,3%) và thấp hơn so với mức chung của cả nước (24,6%)(4).
Tệ nạn xã hội gia tăng
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng xã hội tiêu cực, biểu hiện bằng những hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức xã hội và có dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả xấu đời sống xã hội. Trước đây, đời sống xã hội nông thôn rất thanh bình, an toàn. Nông thôn thường là nơi mà người dân thành thị trở về để tìm kiếm sự thanh thản, an lành. Người dân nông thôn thật xa lạ với các tệ nạn nghiện hút, trộm cắp, số đề, cá độ, mại dâm…thế nhưng giờ đây đã trở thành khá phổ biến ở nông thôn. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình hình tệ nạn xã hội ở nông thôn diễn biến phức tạp, làm mất an ninh, an toàn, trật tự xã hội, làm ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, cuộc sống gia đình, cộng đồng. 
Những giá trị của văn hoá làng quê ngày càng mờ nhạt
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn có những tác động tích cực với việc phổ biến truyền bá lối sống công nghiệp hiện đại, các giá trị, các yếu tố văn hóa tiên tiến làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân nông thôn, tuy nhiên, những tác động tiêu cực cũng đang làm băng hoại dần nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người nông dân và cộng đồng làng quê. Đó là do sự thiếu chuẩn bị, thiếu định hướng, chọn lọc và do cả những bất cập trong công tác quản lý văn hoá, không ít những yếu tố phi văn hoá, phản văn hoá, từ đô thị và từ các phương tiện truyền thông, đặc biệt từ internet, đã thâm nhập vào đời sống nông thôn, dẫn tới những vấn nạn xã hội đáng suy nghĩ. Theo nhiều ngả đường, một số sản phẩm, loại hình văn hoá, văn học, nghệ thuật, một số quan niệm, lối sống, cách ứng xử, làm ăn... không phù hợp, thậm chí trái ngược, đối lập với thuần phong mỹ tục, với những giá trị tốt đẹp đã lan về thôn quê; chúng thâm nhập và làm tha hoá một bộ phận cư dân nông thôn, đặc biệt là giới trẻ; làm vẩn đục môi trường văn hoá, xã hội; bào mòn và làm rạn nứt quan hệ tốt đẹp, đồng thuận và thuần phác trong cộng đồng làng xã.
Ô nhiễm môi trường sống nông thôn ngày càng nghiêm trọng
Việc sử dụng không hợp lý, lãng phí quĩ đất canh tác; tình trạng san lấp, lấn chiếm ao hồ, sông, suối, các công trình thuỷ lợi; nạn đốt phá rừng, khai thác khoáng sản tùy tiện cùng với sự yếu kém trong xử lý nước thải, rác thải, bụi, khói, tiếng ồn... đang làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cảnh quan nông thôn, đời sống và sức khoẻ của nông dân, giảm thiểu khả năng đề kháng, thậm chí làm trầm trọng thêm những tai biến của tự nhiên. Cùng với nguồn nước bị ô nhiễm là bầu không khí bị ô nhiễm với bụi với quá nhiều độc tố có sức gặm nhấm và hủy hoại sức khỏe của người nông dân, nhất là người già và con trẻ. 

Các cấp Hội Nông dân Việt Nam luôn thường xuyên quan tâm hỗ trợ hội viên nông dân chung tay bảo vệ môi trường nông thôn. 

Ô nhiễm môi trường sống nông thôn ngày càng nghiêm trọng còn do thói quen xấu của người nông dân trong cuộc sống hàng ngày, như: Tình trạng lạm dụng phân bón hóa học của người nông dân như một thói quen; Tình trạng vứt rác thải sinh hoạt hàng ngày ở làng quê đã đến mức báo động; Không có dịch vụ thu gom rác thải. Mùi xú uế của rác thải khiến môi trường sống của chính người nông dân ít nhiều bị ảnh hưởng nghiêm trọng; Nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải sinh hoạt của người dân hằng ngày trực tiếp đổ ra,…
Mâu thuẫn trong người dân do những bất cập của việc thu hồi đất
Hiện nay, hầu hết ở các vùng nông thôn Việt Nam, quá trình thu hồi đất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gặp không ít những khó khăn từ phía người dân. Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài, người dân ngăn cản các nhà đầu tư, tố cáo về bồi thường giải phóng mặt bằng có xu hướng gia tăng. Mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân, giữa các nhà đầu tư với nhân dân… đã cản trở không nhỏ đến tiến độ triển khai các dự án và cũng gây tâm lý bất bình đối với người dân. Nguyên nhân gây ra mâu thuẫn trên là:
Diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi hầu hết là vùng đất tốt, có điều kiện thuận lợi cho canh tác, trong khi các diện tích đất đền bù là đất xấu, cách xa khu dân cư và điều kiện hạ tầng phục vụ sản xuất còn nhiều khó khăn.
Việc thực hiện định giá đền bù đất cũng như tài sản trên đất chưa phù hợp với giá thị trường và khu tái định cư. 
Hiện tượng quy hoạch treo, quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp tràn lan là khá phổ biến. 
Thời gian triển khai công tác thu hồi đất kéo dài nhiều năm gây bất lợi đến tâm lý cũng như việc ổn định đời sống và việc làm của các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất. 
Công tác tuyển dụng lao động tại các địa phương có đất bị thu hồi chưa thực sự hiệu quả. 
Đội ngũ cán bộ làm công tác bồi dưỡng giải phóng mặt bằng tại các địa phương vừa thiếu, vừa yếu, nhiều khi áp dụng không đúng chính sách, chế độ đền bù, hỗ trợ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Trong quá trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhiều nơi thiên về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư mà chưa cân đối quyền lợi với người dân bị thu hồi đất.
Vấn đề đặt ra
Một là, giải quyết việc làm cho người lao động ở nông thôn. Đây là một vấn đề xã hội rất lớn, đòi hỏi phải tiến hành giải quyết lâu dài và kiên trì. Vì vậy, cần có cách tiếp cận đồng bộ trong việc xây dựng và ban hành chính sách phù hợp, kịp thời, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, các lực lượng mới mang lại kết quả như mong muốn. Đó là: 1) Tiếp tục có những chính sách kịp thời, nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo thêm nhiều cơ hội về việc làm cho lao động nông thôn. Mỗi địa phương cần có những chính sách thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến mở rộng sản xuất, phát triển kết cấu hạ tầng, tận dụng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế du lịch, thương mại nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh nhằm thay đổi những tập quán sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu của nông dân; 2) Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, lựa chọn công thức luân canh hợp lý và đa dạng hoá các sản phẩm nông nghiệp. Chuyển lao động từ nông nghiệp sang sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ bằng cách phát triển kinh tế phi nông nghiệp với sự bổ sung của ngành chăn nuôi và các ngành nghề phi nông nghiệp; 3) Quan tâm thực chất việc nâng cao dân trí cho người dân và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có những chính sách tích cực trong việc giới thiệu việc làm cho lao động đã qua đào tạo, tìm đầu ra cho sản phẩm để những người đã tham gia đào tạo nghề tích cực phát triển sản xuất, tạo việc làm cho bản thân và cho người khác. 
Hai là, phòng, chống tệ nạn xã hội. Trước hết, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sớm ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về phòng tránh, giảm thiểu tác động của tệ nạn xã hội. Tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân về việc nâng cao nhận thức về tác hại của các tệ nạn xã hội, các chế tài xử phạt nếu vi phạm đến từng người dân từ đó giúp họ nâng cao ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, tránh các tệ nạn xã hội. Công tác thanh tra, kiểm tra cần sát với thực tiễn để việc phòng, chống tệ nạn xã hội đạt hiệu quả thiết thực. Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường... Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó đặc biệt chú ý nâng cao chất lượng công tác quản lý cư trú. Phối hợp với các chính sách về việc làm cho người lao động nhằm tạo sinh kế cho người dân, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, đời sống nhân dân phát triển, nhận thức được nâng cao thì các tệ nạn xã hội sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi.


Đường Nông thôn mới. Ảnh minh họa

Ba là, khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê. Để khắc phục những giá trị của văn hoá làng quê ngày càng mờ nhạt trong quá trình biến đổi xã hội ở nông thôn đặt ra vấn đề: 1) Phải có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là chính quyền địa phương, người dân về vai trò, vị trí của các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của làng quê; 2) Phải có những chính sách tạo động lực cho việc nghiên cứu, đánh giá cụ thể, bao quát để nhận diện trữ lượng, nguồn vốn, lợi thế của văn hóa làng quê, từ đó có chính sách bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị nguồn tài nguyên nhân văn trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng con người mới; 3) Chính sách về quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị phải bảo tồn nguyên vẹn không gian văn hóa truyền thống của làng quê. Bảo đảm sự phát triển hài hòa, bền vững, cân bằng; xử lý tốt mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa đô thị, thành phố với nông thôn; 4) Có những chính sách và hành động cụ thể nhằm giữ được những không gian xanh, những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu; những dòng sông thơ mộng, hiền hòa, những công trình lịch sử, văn hóa và đặc biệt phải gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng; 5) Xác định rõ vai trò, vị thế của người nông dân trong sáng tạo, thực hành, gìn giữ vào trao truyền văn hóa cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn, đẩy lùi những luồng thông tin độc hại, những hành vi, hiện tượng phản văn hóa, phản giá trị, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh ở làng quê, nhất là trong bối cảnh biến đổi xã hội đang diễn ra mạnh mẽ ở nước ta hiện nay.
Bốn là, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống nông thôn. Để giảm thiểu những tác động xấu từ ô nhiễm môi trường nông thôn hiện nay cần có cách tiếp cận như sau: 1) Phải có các kế hoạch và biện pháp đánh giá toàn diện về thực trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn nước ta hiện nay. Do sự phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương khác nhau nên mức độ ô nhiễm môi trường khác nhau nên phải lập được bản đồ về ô nhiễm môi trường tại các khu vực nông thôn, qua đó xác định các vùng ô nhiễm trọng tâm, trọng điểm để từng bước đề ra các biện pháp khắc phục phù hợp; 2) Quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề tại các khu vực nông thôn, bảo đảm tính khoa học, tính toán kỹ lưỡng, toàn diện các xu thế phát triển, từ đó có chính sách phù hợp; tránh tình trạng quy hoạch tràn lan, thiếu đồng bộ, chồng chéo; 3) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần ban hành và thể chế hóa các luật lệ có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường tại các khu vực nông thôn, tiến tới xây dựng bộ luật riêng về lĩnh vực này; 4) Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp, làm cho mọi người nhận thức một cách tự giác về vị trí, vai trò, mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội. 
Năm là, xử lý mâu thuẫn trong người dân do những bất cập của việc thu hồi đất. Thu hồi đất là một trong những vấn đề nóng bỏng, gây ra những mâu thuẫn, bức xúc, tranh chấp khiếu kiện nhất hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do người dân không được đền bù thỏa đáng trong công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng và các quy định của pháp luật đất đai về trình tự, thủ tục thu hồi đất. Vấn đề đặt ra trước hết là phải làm rõ những bất cập trong các quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất. Từ đó, xây dựng được một quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm và hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước và người có đất bị thu hồi, giảm thiểu những mâu thuẫn, bức xúc, tranh chấp khiếu kiện. 
Cách tiếp cận của từng vấn đề nói trên có thể là những gợi ý cho sự thay đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện những chính sách, quy định pháp luật để giải quyết những vấn đề xã hội cấp bách, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam nói chung và xã hội nông thôn Việt Nam nói riêng phát triển bền vững.