Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cách nhận biết và phòng bệnh dịch tả ở vịt

Anh Kiều - 14:54 31/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Nhằm giúp người chăn nuôi nhất là trong chăn nuôi gia cầm như nuôi vịt có kiến thức trong phòng chống dịch bệnh tả ở vịt và có hướng xử lý kịp thời, đúng cách,giảng viên Phạm Hương, trường Trung cấp Nông dân Việt Nam chia sẻ những kỹ thuật cơ bản để người chăn nuôi phát hiện sớm các triệu chứng và có cách xử lý kịp thời khi vịt bị bệnh, tránh thiệt hại nặng về kinh tế trong quá trình nuôi vịt.
Một con vịt bị dính dịch tả có thể lây bệnh cho cả đàn gia cầm

Theo giảng viên Phạm Hương chia sẻ, đặc điểm bệnh dịch tả ở vịt là một bệnh truyền nhiễm cấp tínhdo virus  gây ra, gây tử vong cao cho vịt. Tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Khi vịt bị bệnh thường có biểu hiện chủ yếu là sốt cao, sưng đầu, chảy nước mắt, chân mềm yếu, bại liệt, ỉa phân xanh. Các loại thuỷ cầm khác như ngan, ngỗng, thiên nga cũng bị lây bệnh khi tiếp xúc với vịt mắc bệnh.

Mùa phát bệnh bệnh dịch tả vịt có thể xảy ra quanh năm nhưng với vịt chăn thả tự do, bệnh thường lây lan mạnh và gây thành dịch vào thời vụ trùng với thời gian thu hoạch lúa. Trong khi vịt được phát triển cả về số con và số lượng đàn, dịch bệnh xảy ra gây tổn thất lớn cho người chăn nuôi .

Do đó, người chăn nuôi chú ý phương thức truyền lây bệnh dịch tả vịt chủ yếu là sự tiếp xúc trực tiếp giữa vịt khoẻ và vịt ốm hoặc vịt mang trùng. Bệnh có thể lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi và bãi chăn thả bị ô nhiễm. Hay vịt mẹ bị bệnh hoặc mang trùng truyền virus qua trứng làm giảm tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ ấp nở. Những vịt con nở ra từ trứng mang virus đều thải virus qua phân. 

Vịt bệnh thường đào thải virus theo phân và dịch bài xuất (nước mắt, dịch mũi) ra môi trường như bãi chăn thả, ao hồ. Nguồn nước nhiễm virus và động vật thuỷ sinh trong nguồn nước (tôm, cá, ốc..) cũng chứa virus trong một thời gian nhất định và có vai trò truyền bệnh. Vì vậy, lưu ý tránh cho vịt khoẻ tiếp xúc với nước ao tù, hoặc nơi đã chăn thả vịt bệnh chúng sẽ bị lây bệnh. Trên cùng một thửa ruộng chăn thả nhiều đàn vịt, nếu một đàn bị bệnh sẽ lần lượt lây cho các đàn khác.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia ngành Chăn nuôi nhận định: Ở vịt hoang, sự truyền bệnh qua trứng nhiễm bệnh là một phương thức tồn tại của virus dịch tả vịt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người ta đã tìm  được virus dịch tả vịt ở vịt trời con từ lúc mới nở đến 6 tháng tuổi.

Trong cơ thể vịt bệnh, virus có trong máu,  các cơ quan nội tạng, nhiều nhất ở gan, lách và não.

Để phát hiện bệnh dịch tả ở vịt, người chăn nuôi cần chú ý các biểu hiện bệnh sau: Về thời gian ủ bệnh từ 3 - 4 ngày. Ở những đàn vịt bị bệnh thường thấy: Lúc đầu xuất hiện những con lờ đờ, không thích vận động, không muốn xuống nước. Trên đàn vịt lớn,  khi chăn thả có một số con rớt lại sau đàn do chân bị liệt. Ở vịt đẻ khi bị bệnh, sản lượng trứng giảm xuống, thậm chí ngừng đẻ hẳn.

Vịt bệnh thường sốt cao, thân nhiệt lên tới 430C- 440C, vịt ủ rũ, bỏ ăn, đứng một chân, đầu rúc vào cánh. Trong đàn có nhiều con có tiếng kêu khản đặc. Vịt thường sưng mí mắt, niêm mạc mắt đỏ, lúc đầu chảy nước mắt trong, loãng làm ướt cả vùng lông dưới mi mắt, sau nước mắt đặc lại có màu vàng như mủ đóng đầy khoé mắt và có khi làm 2 mí mắt dính lại với nhau. Vịt khó thở, thở khò khè; Từ mũi chảy ra chất niêm dịch lúc đầu trong sau đặc lại, khô quánh bám quanh khoé mũi. Nhiều vịt bị sưng đầu, có con lông ở trên đầu dựng lên như có mào, khi sờ nắn có cảm giác đầu mềm như chuối chín. Hầu, cổ cũng có thể sưng to do tổ chức liên kết dưới da bị phù thũng.

Vịt mới bị bệnh thường khát nước, sau vài ngày thấy ỉa chảy, phân loãng, màu trắng xanh, thối khắm, hậu môn bẩn, lông xung quanh dính bết phân.

Đến ngày thứ 6- 7, vịt gầy rạc, liệt, nằm một chỗ, thân nhiệt giảm dần, con vật kiệt sức mà chết.

Xác vịt bệnh chết gầy, đầu, cổ sưng, tụ máu tím bầm, tổ chức dưới da thấm nước và keo nhầy, trong, màu hồng nhạt; Da vùng đầu, cổ, ngực, bụng, đùi xuất huyết lấm tấm giống muỗi đốt.

Khi giải phẫu con vịt, chúng ta sẽ nhìn thấy niêm mạc hầu, họng, thực quản viêm, xuất huyết lấm chấm như bị muỗi đốt; Dạ dày cơ (diều) cũng xuất huyết nặng; Niêm mạc ruột bị viêm, tụ máu và xuất huyết, có những vết loét; Hậu môn, trực tràng xuất huyết thành những vệt màu đỏ, xen kẽ những vết loét màu vàng; Gan sưng tụ máu, có những chấm trắng hoại tử to bằng đầu đinh ghim; Túi mật sưng, lách (quả tối) teo, có những chấm hoại tử; Xoang bao quanh tim tích nước vàng, viêm ngoại tâm mạc có xuất huyết thành điểm, thành vệt; Xoang bụng có dịch  màu vàng; Ở vịt đẻ, thấy mạch máu buồng trứng căng phồng, có khi xuất huyết. Trứng non méo mó, vỡ chứa đầy trong xoang bụng.

Muốn  đàn vịt khỏe mạnh môi trường chăn nuôi phảm đảm bảo vệ sinh và tiêm vacxin phòng bệnh đầy đủ

Để quá trình chăn nuôi vịt đạt hiệu quả, người chăn nuôi luôn luôn có kiến thức phòng bệnh và các biện pháp xử lý dịch để dịch không lây lan rộng trên đàn vịt nuôi. Đó là:

- Phòng bệnh bằng vệ sinh: Để tránh tổn hại về kinh tế do dịch bệnh gây ra, người chăn nuôi nên chú ý: Chọn mua vịt giống có nguồn gốc, ở cơ sở có uy tín, tốt nhất là tự túc con giống. Giữ vệ sinh nguồn thức ăn, chuồng nuôi, bãi chăn thả tránh  ô nhiễm căn bệnh. Không nên chăn thả vịt ở những nơi đang có dịch. Những trại vịt có số lượng lớn cần tăng cường vệ sinh chuồng trại, thực hiện nghiêm túc nội quy Phòng bệnh.

- Phòng bệnh bằng vacxin: Để chủ động phòng bệnh dịch tả vịt, người chăn nuôi cần tiêm phòng vaccin phòng bệnh dịch tả vịt cho đàn vịt. Ở những nơi ít bị dịch, với vịt nuôi thịt có thể tiêm 1 lần ngay khi vịt nở là đủ. Với vịt đẻ và vịt giống cần tiêm nhắc lại sau 45 ngày và cứ mỗi 6 tháng tái chủng một lần trước khi vịt vào vụ đẻ.

- Biện pháp xử lý khi có dịch:

+ Khi có dịch xảy ra, người chăn nuôi cần báo ngay cho cán bộ Thú y phụ trách địa bàn, gửi mẫu để chẩn đoán, xét nghiệm; loại hết những vịt có triệu chứng đem giết mổ; những con chết phải chôn. Hố chôn đào sâu ít nhất 1,5m  xác vịt phải đốt hoặc phun kỹ thuốc khử trùng dưới và trên rải vôi bột, mặt trên hố lấp đất, nén kỹ  tránh để các loài ăn thịt (chó, mèo, chim…) đào bới làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Nơi giết và chôn vịt phải cách xa nơi chăn thả và xa nguồn nước, khu dân cư để tránh lây lan.

+ Không giết thịt hoặc bán chạy vịt bệnh.

+ Tiêm thẳng vacxin và ổ dịch, khi dịch xảy ra có thể tiêm thẳng vacxin vào ổ dịch sẽ cứu sống được nhiều vịt nhưng tỷ lệ cứu sống cao hay thấp còn tuỳ thuộc vào thời gian tiêm vacxin khi dịch mới xảy ra hay xảy ra đã lâu, đàn vịt có ghép các bệnh khác không và điều kiện cách ly, tiêu độc có tốt hay không.

+ Phân rác phải ủ nóng, chuồng trại phải tẩy uế, sát trùng bằng các dung dịch formon 3% - 5%, crezin 5%, NaOH 2% hoặc nước vôi đặc. Để trống chuồng 1 tháng mới nhập vịt khác.

+ Những vịt sống sót chỉ nuôi thịt, không dùng làm giống.