Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần ban hành đầy đủ các TCVN đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cam, bưởi, chuối, cà phê

Nguyễn Vân - 17:21 26/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 26/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn “Thực trạng sản xuất, kinh doanh, đăng ký lưu hành và tự công bố lưu hành giống cây trồng nông nghiệp, giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng giống cây trồng Việt Nam”.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu dự trực tiếp và khoảng gần 200 đại biểu dự trực tuyến đến từ các đơn vị: Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Vụ Pháp chế; Văn phòng SPS Việt Nam; Đại diện Sở NN&PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: Diễn đàn hôm nay là để chúng ta cùng bàn về những khó khăn, đề xuất hướng tháo gỡ, vướng mắc để việc thực hiện quản lý giống cây trồng tốt hơn. Tuy nhiên, tôi đề nghị những ý kiến phải có dẫn chứng cụ thể và đưa ra những đề xuất, giải pháp rõ ràng, tránh hiện tượng chung chung, đại khái. Tinh thần là hài hòa giữa doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước, làm thế nào để giải quyết những bất cập nhằm đáp ứng tái cơ cấu ngành, tăng thu nhập cho người dân trực tiếp sản xuất trên những cánh đồng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Sau khi Luật Trồng trọt ra đời, chúng ta đã có những thay đổi rõ rệt. Đặc biệt, đối với giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính thì tổ chức, cá nhân tự công bố lưu hành. Đây là bước thay đổi rất quan trọng, tuy nhiên điều này là vấn đề khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp chưa kịp thích nghi. Trong việc chuyển đổi như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa lường trước được những thay đổi.

Sau 3 năm thực hiện Luật Trồng trọt vẫn có một số vướng mắc, tuy nhiên, nhìn chung Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt đã có những hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời. Chưa khi nào để xảy ra trường hợp khan hiếm giống, thiếu giống, nhất là các giống lúa. Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã có những giống thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với từng vùng miền.

Từ phương thức quản lý cũ, chúng ta chuyển sang phương thức quản lý mới, vì thế vẫn còn những vấn đề chưa thích ứng được, có những trục trặc, nhưng về cơ bản trong những năm vừa qua Luật Trồng trọt đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất. Thời gian tới Bộ NN&PTNT, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục rà soát sửa đổi những điểm còn chưa phù hợp trong Luật trồng trọt. Hiện nay Bộ NN&PTNT đã trình Chính phủ việc sửa đổi trong năm 2024.

Cùng với đó là rất nhiều các ý kiến trao đổi của các chuyên gia, doanh nghiệp, đại diện ngành Nông nghiệp các địa phương như Hà Nội, Sơn La, Gia Lai, Tiền Giang, Cần Thơ… về quản lý sản xuất, thương mại giống cây trồng. Thông qua diễn đàn nhằm truyền thông, phổ biến rộng rãi các giải pháp kiểm soát giống cây trồng để phát triển bền vững ngành trồng trọt Việt Nam.

Các đại biển tham dự Diễn đàn. Ảnh: ĐVCC

Ông Vương Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ngô cho biết: Những quy định của Luật Trồng trọt trong khâu công nhận lưu hành giống nói chung, giống ngô nói riêng đã giản lược được nhiều thủ tục, từ đó bớt thời gian, thủ tục, tiết kiệm chi phí cho các đơn vị nghiên cứu. Tuy nhiên, về quy định số điểm khảo nghiệm, quy định số, điểm khảo nghiệm theo vùng là cần thiết, nhưng một số giống đưa đi khảo nghiệm kết quả nhận về không đầy đủ số điểm khảo nghiệm. Trường hợp đó phải khảo nghiệm bù, có được ghi nhận đầy đủ trong hồ sơ đưa lên để được công nhận lưu hành hay không, thay vì đơn vị có giống cây khảo nghiệm lại phải tiến hành lại từ đầu rất tốn kém và mất thời gian.

Hiện nay, tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện có nhiều quy định tiêu chí rất cao, rất ít giống có thể vượt qua điều kiện đó. Ngay như quy định về giống đối chứng, hiện đang sử dụng rất nhiều các giống đối chứng của các tập đoàn khác. “Phương án phù hợp là cần thay đổi về quy định đối chứng để khắc phục những điểm hạn chế của Luật chưa được sửa chữa”.

Bà Đặng Ngọc Chi, đại diện CropLife Việt Nam chia sẻ: Về các vướng mắc về quy trình đăng ký và công nhận giống cây trồng mang tính trạng cải tiến tại Việt Nam. Hiện nay, các hướng dẫn khảo nghiệm hiện thiếu chỉ tiêu và phương pháp đánh giá công nhận các tính trạng cải tiến như: Kháng sâu, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật, kháng bệnh... Dẫn tới thiếu công cụ xác định tính khác biệt giữa giống mang tính trạng biến đổi gen với giống nền thường. Bên cạnh đó, không thể đăng ký đồng thời giống nền và giống biến đổi gen với tính trạng cải tiến. Từ thực trang trên, tôi đề xuất, bổ sung chỉ tiêu và phương pháp đánh giá, công nhận đối với các tính trạng cải tiến vào hai tiêu chuẩn TCVN 13382-2:2021 và TCVN 13381-2:2021 đối với cây ngô.

Sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam đã và đang là trụ cột quan trọng trong nền nông nghiệp, với sự gia tăng đáng kể về diện tích và sản lượng. Tuy có hệ thống cơ cấu chủng loại đa dạng, gồm khoảng 50 loại cây, ngành cây ăn quả đối mặt với nhiều thách thức lớn. “Cơ cấu giống chủ lực chủ yếu là cây địa phương, nhưng chỉ có 32 giống được công nhận từ năm 2008-2019. Mặc dù đã có sự tăng cường với 120 giống từ 2020-2022, nhưng nhìn chung, số lượng giống được công nhận còn rất ít.

Cùng với đó, tình trạng cây giống kém chất lượng, thiếu kiểm soát về chất lượng, và nghiên cứu chọn tạo giống cây ăn quả chưa có công nghệ đột phá đều là những thách thức lớn. Đối mặt với những khó khăn này, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Trưởng phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả, Cục Trồng trọt đề xuất, các nhân tố trong chuỗi ngành hàng cây ăn quả cần hợp tác chặt chẽ, nâng cao năng lực quản lý và đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển giống cây ăn quả để đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng và tăng cường hiệu suất sản xuất trong lĩnh vực này.

Trước xu hướng kinh doanh giống cây trên mạng, ông Trần Xuân Định, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam cho biết: Đây là tất yếu nhưng đưa lại nhiều hậu quả, hệ lụy. Một số cá nhân, nhóm lừa đảo đã tổ chức giới thiệu và quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok… các giống cây trồng mới, quả to, màu sắc đẹp, hấp dẫn, ship hàng đến tận nhà cho nông dân. Các giống lúa bán chạy, giống tốt được nông dân ưa chuộng, các thương hiệu lớn như ThaiBinh Seed, Vinaseed… bị các đối tượng mạo danh, bán giống giả qua mạng, bán theo kiểu “đa cấp”.

Phần lớn những nông dân vùng xa, vùng sâu, vùng mà hệ thống bán lẻ, phân phối của các công ty chưa vươn tới trở thành nạn nhân. Sản xuất, kinh doanh giống là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định khá chặt ở các văn bản luật và hướng dẫn luật. Tuy nhiên, hình thức bán qua mạng thì chưa có những quy định cụ thể và chế tài, đó là kẽ hở và cái khó cho quản lý với giống cây trồng nói riêng và nhiều hoạt động thương mại khác. Theo ông Định, hệ thống sản xuất giống tuy nhiều nhưng năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực của sản xuất hàng hóa, hướng xuất khẩu. Khâu yếu nhất của Việt Nam với ngành hàng hạt giống đó là giống rau, hoa.

Ngoài ra, các quy định của pháp luật còn một số bất cập, thủ tục rườm rà, các văn bản hướng dẫn luật chậm ban hành và một số còn mâu thuẫn. Sự không đồng đều về hệ thống sản xuất và cung ứng giữa các vùng miền, số lượng doanh nghiệp tham gia ngành giống khá đông nhưng không thực sự mạnh. Qua đó, ông Định kiến nghị, sửa Luật Trồng trọt và các nghị định, thông tư hướng dẫn để khả thi hơn, thực tế hơn tránh tình trạng mâu thuẫn nhau giữa các luật; có văn bản giải quyết các vướng mắc về tên giống tự công bố lưu hành với một loạt tên các giống rau, hoa của một số đơn vị đã phản ánh; sửa nhanh TCVN về khảo nghiệm giống ngô.

GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ: Luật Trồng trọt có nhiều điểm sáng nhưng vẫn có nhiều điểm cần điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên, các đơn vị Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu chỉnh sửa quy chuẩn quốc gia về khảo kiểm nghiệm giống; nghiên cứu rút gọn thủ tục việc tự công bố, các đơn vị chỉ cần công bố lên cổng thông tin điện tử và chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố của mình. Cục Trồng trọt làm công tác hậu kiểm, doanh nghiệp nào không theo những gì công bố thì phải chịu xử phạt.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ NN&PTNT khẳng định, sau 3 năm triển khai Luật Trồng trọt đã mở ra một cách nhìn mới, đưa ra các quy định mới trong quá trình công nhận giống cây trồng.
Tuy nhiên, có 4 nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện, gồm: Công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; bổ sung hướng dẫn về phương pháp giải trình tự gen; điều kiện gia hạn giống cây trồng; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn Việt Nam giống cây trồng chính. Hiện nay, có giống lúa, giống ngô đã hoàn thiện được toàn bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý, sử dụng, khai thác, sản xuất và kinh doanh. Thời gian tới cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các giống cây trồng nông nghiệp chính là cà phê, cam, bưởi, chuối.