Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cán bộ Hội năng động, giỏi làm kinh tế

Bùi Ánh - 07:06 14/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Anh Nguyễn Văn Hòa ở xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An) không chỉ là Phó Chủ tịch Hội Nông dân năng động, nhiệt tình mà anh còn là một điển hình làm kinh tế giỏi. Với trăn trở, khát khao tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình và góp phần giúp đỡ hội viên, nông dân trong xã, anh Hòa đã quyết tâm mở lối đi cho mình bằng nuôi tôm công nghệ 3 giai đoạn.

Mô hình tiên phong của tỉnh Nghệ An
Trên nền diện tích hơn 1ha tại vùng cát bãi ngang ven biển xã Diễn Kim, anh Hòa đã xây dựng với tổng 16 hồ nổi. Theo lời kể, anh bắt đầu bén duyên với nghề nuôi tôm từ năm 2019, khi vừa mới vào nghề anh chỉ dám đầu tư 3 hồ nuôi. Sau 1 năm kinh nghiệm, anh mạnh dạn xây dựng tiếp, nâng tổng số hồ nuôi và hồ lắng, lọc lên đến 16 hồ, trong đó có 13 hồ nuôi tôm. Anh là một trong những tốp đầu tiên phong mạnh bạo vươn mình ra khỏi khuôn phép truyền thống để áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao 3 giai đoạn ở dải đất bãi ngang đầy nắng và gió.


Việc nuôi tôm công nghệ cao như thế này có rất nhiều thuận lợi trong quá trình nuôi, một trong những ưu việt của nó là kiểm soát được con giống, vệ sinh môi trường nước tiện lợi. Đặc biệt, khi mùa mưa bão về nước không tràn vào hồ nuôi tránh được dịch bệnh đi kèm. Một lợi thế của việc nuôi tôm trên cát khi áp dụng công nghệ cao này là hệ thống dẫn khí có 2 nguồn:
Thứ nhất, nguồn máy nén khí sau khi lọc không khí ngoài môi trường đi qua hệ thống ống nhựa và chạy qua đường dây nano (các đơn vị khí rất nhỏ) tăng khả năng khuếch tán ôxi vào trong nước. Thứ hai, bằng quạt nước nhằm tăng độ hòa tan ôxi vào trong nước và thu gom rác, chất thải trong nước để đưa ra ngoài.
Qua trao đổi, anh Hòa cho biết: Quy trình nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn nhằm giúp tỷ lệ sống cao, tốc độ tăng trưởng nhanh, năng suất cao, đặc biệt hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, giúp tiết kiệm nước trong quá trình nuôi, môi trường nước và đáy ao được ổn định, sạch sẽ, giảm thấp nhất tác động bởi môi trường. Nuôi tôm công nghệ cao có ưu điểm nước đầu vào sẽ được đặt 2 dàn lọc âm, trong quá trình nuôi có hệ thống lắng lọc tuần hoàn nên hạn chế được rất lớn về dịch bệnh.
Cái khó của việc nuôi tôm bắt đầu từ con giống, đầu vào khó kiểm soát được con giống đảm bảo chất lượng, nhất là nuôi tôm vụ Đông đầu vào của con giống cực kì khan hiếm vì thời điểm đó họ không sản xuất giống. Mầm bệnh ngày càng phức tạp, môi trường ô nhiễm nên việc nuôi tôm xuất hiện dịch bệnh, thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện cho loại bệnh EHB (bệnh vi bào tử trùng) xuất hiện nhiều, có giai đoạn mới thả giống được khoảng 1 tuần là dịch bệnh xuất hiện. Cái khó nhất trong năm nay là giá tôm trong giai đoạn này tụt dốc khoảng 40.000 đến 50.000 đồng/kg nhưng các dịch vụ đi kèm lại tăng như thức ăn, thuốc men, vận chuyển…
Thu tiền tỉ mỗi năm từ nuôi tôm
“Diễn Châu có 8 xã ven biển, 28km giáp biển xem đây là tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch, khai thác từ biển và mô hình nuôi trồng thủy sản. Những năm gần đây việc đưa công nghệ cao vào nuôi tôm có thu nhập cao và đã được nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi quan tâm đầu tư, đây là một hướng đi có nhiều triển vọng. Hiện tại đã có hơn 100 hộ với hơn 200ha nuôi tôm công nghệ cao, với xu thế cho thu nhập cao như hiện nay trong thời gian tới còn nhân rộng...”, ông Ngô Đình Tưu – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu cho biết.

Ông Ngô Đình Tưu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu (đội mũ) lắng nghe những chia sẻ trong quá trình nuôi tôm của chủ mô hình.
Theo anh Hoà, bình quân mỗi năm nuôi 3 vụ tôm, vụ nuôi chính sản lượng rơi vào 20 đến 25 tấn tôm, với giá bán 140.000 đồng/kg như hiện nay tổng doanh thu khoảng 3 đến 3,6 tỷ. Đối với nuôi tôm vụ Đông khó đủ bề bởi con giống khan hiếm, năng suất kém, khó nuôi…
Thông thường mô hình nuôi tôm công nghệ cao này cứ bình quân 50 đến 60 con/kg là bắt đầu xuất bán, loại 30 đến 40 con/kg khó nuôi và rủi ro cao hơn. Mỗi vụ thả khoảng 1 đến 1,2 triệu con giống, tổng chi phí bỏ ra cho mỗi vụ khoảng 2 tỷ đồng.
“Từ khi nuôi tôm cho đến nay, vụ tôm thắng lợi nhất của tôi là vụ Đông năm 2022 với 13 hồ nuôi cho tổng sản lượng 25 tấn, giá bán 250.000 đến 290.000 đồng/kg cho lãi ròng gần 3 tỷ đồng. Đầu ra của tôm thẻ chân trắng khá ổn định, thương lái đến tận trang trại để thu mua. Dù nghề nuôi tôm theo kiểu này khá công phu, nhưng bù lại cho thu nhập ổn định”, anh Hòa cho biết thêm.
Hiện nay, mô hình nuôi tôm của anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động với mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng, và 10 đến 15 lao động thời vụ.  Mặc dù áp dụng nuôi tôm 3 giai đoạn nhưng nếu muốn có lợi nhuận cao, đòi hỏi người nuôi cần phải có kinh nghiệm dày dặn, theo dõi sát sao những biến động trong quá trình nuôi dù là nhỏ nhất. Áp dụng công nghệ cao vào mô hình nuôi tôm này, có thể cải thiện đáng kể công sức cũng như tiền của mà vụ nuôi vẫn thắng lợi.
Tuy nhiên, quá trình nuôi tôm của anh cũng không thể tránh khỏi thất bại, đó là vào năm 2020 vụ thứ 3, năm đó mưa bão nhiều, kinh nghiệm chưa có nên khi dịch bệnh xuất hiện không kịp xử lý, toàn bộ ao hồ nuôi tôm không thể cứu vãn. Bởi trong nuôi tôm, việc phòng bệnh đặc biệt quan trọng, hơn nữa, nếu tôm đã mắc bệnh thì có chữa trị được tôm cũng chậm lớn, dẫn đến hiệu quả nuôi thấp, thậm chí thua lỗ...
“Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, trong công việc, anh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm. Ngoài thời gian dành cho sản xuất kinh doanh, anh còn thường xuyên dự các buổi sinh hoạt, hội họp với các chi hội hoặc phối hợp giải quyết các vấn đề tại địa phương. Đặc biệt, anh Hòa còn hướng dẫn bà con cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, tạo sự gắn bó giữa Hội với hội viên, nông dân”, ông Tưu chia sẻ thêm.