Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần thiết phải phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản

09:01 29/05/2019 GMT+7
Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong cuộc Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản (TTCUNS) Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030” diễn ra tại Hà Nội, ngày 28.5.2019, do Văn Phòng Điều phối Nông thôn mới (Bộ

Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong cuộc Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản (TTCUNS) Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến năm 2030” diễn ra tại Hà Nội, ngày 28.5.2019, do Văn Phòng Điều phối Nông thôn mới (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội cùng các bộ, ban, ngành có liên quan từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp và  tổ chức quốc tế như Đại sứ quán Pháp, Austrialia, tổ chức Jica, AFD, FAO …

Xây dựng TTCUNS là cần thiết

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội thì hệ thống các kênh phân phối nông sản thực phẩm truyền thống qua các chợ đầu mối (kiểu cũ), chợ dân sinh đang giảm dần và gặp nhiều thách thức do hệ thống này tồn tại một số hạn chế về công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, khả năng quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm và hệ thống logistic chưa đồng bộ. Thay vào đó kênh phân phối nông sản thực phẩm qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cửa hàng chuyên kinh doanh nông sản thực phẩm có nhiều khởi sắc, do hệ thống kênh phân phối này có những ưu điểm kiểm soát chất lượng và khả năng truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm. Những hệ thống này cũng có những mặt hạn chế như chưa tập kết được số lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hệ thống logistic còn riêng lẻ và thực sự chưa đồng bộ.

 

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội thảo.

Với thực trạng hệ thống phân phối nông sản thực phẩm như hiện nay thì việc phát triển các TTCUNS hiện đại là cần thiết phù hợp và yêu cầu cấp bách nhằm kiểm soát tốt công trác đảm bảo ATTP, đáp ứng yêu cầu về các sản phẩm có chất lượng cao hơn, nông sản thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và khả năng cung ứng nông sản với số lớn phục vụ hoạt động xuất khẩu.

Mục tiêu của đề án xây dựng TTCUNS là: Xây dựng định hướng và cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống TTCUNS  Việt Nam hiện đại, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và khả năng cạnh tranh của hàng nông sản Việt Nam.

Tại Hội thảo, đại diện một số tổ chức, DN cũng đã nêu tầm quan trọng của việc phát triển các trung tâm cung ứng nông sản, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất được những giải pháp hiệu quả phát triển hệ thống này. Cùng với tính chất hiện đại, các trung tâm cung ứng được kỳ vọng sẽ đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội thảo ông Nguyễn Văn Sửu – Phó Chủ tịch Thường trực TP.Hà Nội cho biết: Thành phố là một trong những địa phương xung phong đầu tiên tham gia Đề án xây dựng TTCUNS. Hiện trên địa bàn TP. Hà Nội có 2 chợ đầu mối nông sản Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam, bên cạnh đó có chợ hoạt động như chợ đầu mối như Long Biên, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vĩ…Vì vậy, TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 5058/QĐ-UBND ngày 5/11/2012 về phê duyệt quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; theo đó trên địa bàn thành phố sẽ có 8 chợ đầu mối (trong đó đã có 2 chợ đầu mối Minh Khai và chợ đầu mối phía Nam) đang hoạt động và dự kiến phát triển thêm 6 chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng, diện tích từ 20-30ha/chợ.

TTCUNS phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn

Tại buổi Hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng: TTCUNS có điểm khác so với chợ đầu mối truyền thống là mô hình cần đảm bảo đủ 3 yêu cầu:

Thứ nhất là an ninh lương thực;

Thứ hai là đảm bảo tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, hàng xuất khẩu đảm bảo đủ các thủ tục cần thiết;

Thứ ba là tạo sự thông suốt giữa các vùng nguyên liệu, giảm chi phí nhất là chi phí logistic để nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc xây dựng TTCUNS còn đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành Nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, tiến tới đưa những sản phẩm nông sản thực phẩm mũi nhọn của Việt Nam chất lượng tốt, bảo đảm tiêu chuẩn nghiêm ngặt tiếp cận thị trường nông sản thế giới.

Quang cảnh buổi Hội thảo.

Theo ông Bertrant – Trưởng Ban Hợp tác Quốc tế (Tập đoàn Semmaris – Pháp): Ở các quốc gia phát triển lẫn đang phát triển, các chợ đầu mối đều là công cụ chiến lược giúp chính quyền đạt được các mục tiêu của chính sách công như: Nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, khuyến khích chế độ dinh dưỡng lành mạnh; đảm bảo an ninh lương thực, đảm bảo cung cấp liên tục các sản phẩm tươi sống; cơ cấu sản xuất nông nghiệp địa phương, nâng cao chuỗi giá trị và khả năng cạnh tranh; cơ cấu lại hạ tầng đô thị; cải thiện công tác quản lý chất thải và nước thải từ công nghiệp chế biến và các hoạt động logistics cho nông sản… Việc xây dựng chợ đầu mối cần quan tâm đến những vấn đề sau: Vị trí chợ, quy mô, loại chợ và dịch vụ, quản lý và điều hành, mô hình quản trị.

Theo ông Nghiêm Bá Hưng – Giám đốc Công ty Peapros: Hệ thống TTCUNS hiện đại gồm 4 loại mô hình cụ thể khác nhau về quy mô, chức năng, đáp ứng được các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế. Các loại mô hình TTCUNS hiện đại sẽ gắn kết với nhau tạo thành một hệ thống cung ứng nông sản hiện đại phục vụ kết nối sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản tại thị trường nội địa và xuất khẩu, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), góp phần thúc đẩy sản xuất NN, thương mại và dịch vụ phát triển. (1) TTCUNS hiện đại cấp tỉnh/phố đặt tại các thành phố lớn; (2) Trung tâm thu gom nông sản đặt tại các vùng sản xuất trọng điểm; (3) Trung tâm xuất khẩu NS đặt tại các tỉnh biên giới có các cửa khẩu quan trọng sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; (4) Mạng lưới các chợ VSATTP tại các xã phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế, nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương…

Kết thúc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, đại biểu, đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan nhằm hoàn chỉnh đề án trong quý 3.2019 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiến hành triển khai ở các địa phương trên cả nước.

TTCUNS cần đảm bảo tính minh bạch của các giao dịch mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Có thể đạt được bằng cách: Thu thập thông tin về sản xuất và thị trường (số lượng và chất lượng sản phẩm) thu thập thông tin về giá cả, ví dụ qua nhân viên khảo sát thị trường trong thời gian bán hàng. Các luồng thông tin phải dễ tiếp cận cho cả người mua và người bán trước khi thực hiện giao dịch. Ngoài ra, đơn vị quản lý điều hành chợ cần thiết lập một chiến lược marketing để thu hút các nhà bán buôn và các đơn vị logistics. Chiến lược này bao gồm phát triển thị trường và khách hàng tiềm năng trong tương lai.

          Ông Bertrant – Trưởng Ban hợp tác quốc tế (Tập đoàn Semmaris- Pháp)

Lương Thuỷ