Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Cần tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất

16:52 22/07/2021 GMT+7

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tại Hội nghị sơ kết trực tuyến giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khóa IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và sơ kết công tác Hội, phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 diễn ra sáng ngày 22/7 tại Nghệ An do Hội Nông dân tỉnh tổ chức.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Ngọc Kim Nam, Ủy viên BTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số ban, ngành của tỉnh Nghệ An.

Đào tạo nghề, hỗ trợ nguồn vốn được xem là đòn bẩy trong phát triển kinh tế

Báo cáo kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Nghệ An khẳng định: Hội đã tập trung lãnh, chỉ đạo quán triệt, triển khai học tập các nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, triển khai nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo điều kiện để nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư chuyên canh, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh; thu hút đông đảo nông dân vào Hội…

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2018 – 2023 và sơ kết công tác Hội, phong trào nông dân 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

Một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị là nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) trong vấn đề phát triển kinh tế của hội viên. Theo ý kiến từ các điểm cầu để hội viên có thêm nguồn vốn trong quá trình phát triển kinh tế cần được quan tâm hơn nữa từ các cấp Hội nhằm giảm bớt khó khăn về tài chính cho hội viên. Tính đến 15/6/2021, tổng nguồn vốn là 75.550 triệu đồng (trong đó nguồn Trung ương ủy thác là 17.700 triệu đồng; Ngân sách tỉnh cấp là 32.000 triệu đồng; nguồn tăng trưởng của tỉnh là 1.377 triệu đồng; Nguồn huyện quản lý là 24.473 triệu đồng), tăng 22.920 triệu đồng, tăng  43,5% so với đầu nhiệm kỳ. Các mô hình vay vốn Quỹ HTND đều phát triển tốt, tăng thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, cho thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên từ 5-7 triệu đồng/tháng. Thông qua chương trình hỗ trợ vay vốn từ Quỹ HTND đã hình thành được nhiều mô hình liên kết sản xuất quy mô lớn có hiệu quả kinh tế cao, cụ thể như: Mô hình “Trồng cam Xã Đoài” theo tiêu chuẩn VietGAP có gián tem nhãn truy xuất nguồn gốc, tại xã Đồng Thành, huyện Yên Thành; Mô hình “Chăn nuôi bò giống 3B ứng dụng công nghệ cao” tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn; Mô hình “Nuôi cá lồng trên sông nước mặn” tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc;  Mô hình “Chế biến nước mắm” tại phường Nghi Hải – Cửa Lò ; Mô hình “ Cải hoán, đóng mới và nâng cấp tàu cá” tại xã Quỳnh Lập – Thị xã Hoàng Mai…

Cơ sở sản xuất giò bê Chung Tài (Hợp Thành – Yên Thành) hàng năm giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, cho thu nhập cao

Chia sẻ của điểm cầu Cửa Lò, về hoạt động vươn khơi bám biển đây là một hoạt động đòi hỏi vốn ban đầu lớn nhưng các hội viên cũng cố gắng để cùng vươn khơi nên rất mong muốn được sự quan tâm của cơ sở Hội các cấp quan tâm phân bổ nguồn vốn Quỹ để ngư dân có thêm nguồn vốn đóng tàu vươn khơi. Vì có khai thác được nguồn lợi thủy sản mới có thêm cơ hội phát triển làng nghề, các tổ hội nghề nghiệp và cải thiện được cuộc sống. Để vừa khai thác tài nguyên vừa bảo vệ môi trường biển, Hội đặc biệt chú trọng tuyên truyền các hộ dân không dùng bom, mìn trong quá trình khai thác. Hội kịp thời động viên, tặng quà cho các ngư dân phát huy tinh thần bảo vệ vùng biển quê hương.

Cùng với đó các cấp Hội tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với ban, ngành, các trường trung cấp nghề trên địa bàn để mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao KHKT cho nông dân. Kết quả trong nửa nhiệm kỳ các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp mở 682 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 22.512 lao động nông thôn; trong đó, Trung tâm Hỗ trợ nông dân và giáo dục nghề nghiệp Hội Nông dân Nghệ An trực tiếp mở 126 lớp đào tạo nghề cho 4.298 học viên. Thông qua kết quả học nghề, có trên 78% học viên sau học nghề đã tự tạo việc làm hoặc tìm việc làm mới.

Đồng chí Nguyễn Thị Hải – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh báo cáo tại Hội nghị

Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, phối hợp với các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong việc cung cấp các vật tư phân bón, giống, thức ăn chăn nuôi, hướng dẫn để các cấp hội chủ động tín chấp cho nông dân vay để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Kết quả trong 3 năm (2018-2020) đã tạo điều kiện cho trên 1 triệu lượt hội viên nông dân vay hơn 42.500 tấn phân bón các loại, 155 tấn thức ăn chăn nuôi, 120 nghìn con giống các loại.

Tại Hội nghị trực tuyến các đại biểu cũng đã nghe báo cáo của các điểm đầu cầu về những vấn đề đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Kỳ Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Cửa Lò, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… Các ý kiến tập trung về việc nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội; Chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong việc liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; Cách gây quỹ Hội từ việc tổ chức Hội đứng ra nhận ruộng canh tác; Kinh nghiệm phát huy Quỹ Hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế…

Tổ chức tốt phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”

Ngay đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh Hội đã chỉ đạo ban hành hướng dẫn số 04-HD/HNDT về triển khai phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; chỉ đạo các cấp Hội tổ chức phát động, hướng dẫn quy trình đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đảm bảo đúng quy định, chặt chẽ và thực chất hơn. Tham mưu, phối hợp với UBND tỉnh tổng kết phong trào “nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020”.

Hàng năm các cấp Hội đã tuyên truyền vận động được 60% hộ gia đình hội viên nông dân đăng ký trở thành hộ nông dân SXKD giỏi, trong đó số hộ nông dân đạt tiêu chí hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp đạt 50%. Từ phong trào thi đua SXKD giỏi đã xuất hiện hàng trăm mô hình kinh tế có hiệu quả góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Hàng năm, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đã hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm giúp đỡ cho trên 150.155 lao động có việc làm; giúp đỡ có hiệu quả 88.089 lượt hộ khó khăn về vốn, vật tư kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Mô hình chăn nuôi của tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi bò 3B xã Thanh Lương (Thanh Chương) hướng phát triển mới về tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương như bãi bồi ven sông để trồng cỏ, kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống, có chợ mua bán trâu bò,…và liên kết những cơ sở chế biến, kinh doanh giò me từ huyện Nam Đàn để cung ứng đầu ra

Song song với đó, các cấp Hội phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng được 1.036 mô hình kinh tế phát triển có hiệu quả, tăng so với đầu nhiệm kỳ. Nhờ sự tham gia tích cực của tổ chức Hội mà trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 16/21 huyện có 115 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 89 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 26 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Chính những sản phẩm đạt chất lượng OCOP này đã phần nào cho thấy khả năng và sự sáng tạo của mỗi người dân trong quá trình tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế, khẳng định thương hiệu vùng miền như giò me Nam Nghĩa, trám Thanh Chương, tương Nam Đàn, bột sắn dây Nam Anh, sen quê Bác,…

Ông Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận những đóng góp của Hội Nông dân các cấp trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các cấp Hội Nông dân Nghệ An đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua. Về giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo, các cấp Hội Nông dân cần chú trọng vào các vấn đề cụ thể như: Cần quan tâm vấn đề tuyên truyền, vận động hội viên thay đổi tư duy sản xuất, hình thành tư duy thị trường hàng hóa trong sản xuất nông nghiệp; Xây dựng mối liên kết trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp; Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn nhu cầu thực tiễn cho hội viên, dạy những nghề hội viên cần, xã hội cần, dạy nghề đi đôi với giải quyết việc làm; Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới gắn với các đề án về môi trường, về tiêu thụ nông sản, về tổ hợp tác nông dân…

                                                                                                                           Bùi Ánh