Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu

17:52 27/11/2017 GMT+7

Bộ NN&PTNT cho biết, 11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi hơn 2 tỷ USD nhập khẩu phân bón và thuốc trừ sâu.

11 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 4,27 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD

Trong đó, theo Bộ NN&PTNT, uớc tính khối lượng nhập khẩu phân bón các loại trong tháng 11 năm 2017 đạt 349 nghìn tấn với giá trị 87 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu phân bón 11 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,27 triệu tấn và 1,14 tỷ USD, tăng 15,5% về khối lượng và tăng 13,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, khối lượng nhập khẩu phân đạm URE ước đạt 564 nghìn tấn với giá trị đạt 123 triệu USD, tăng 2,2% khối lượng nhưng giảm 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; phân SA ước đạt 1 triệu tấn với giá trị nhập khẩu đạt 120 triệu USD, tăng 9,7% về khối lượng và tăng 10,8% về giá trị so với năm 2016.

Nguồn phân bón nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2017 chủ yếu từ Trung Quốc chiếm tới 37,4% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này, tăng 1,7% về khối lượng và tăng 3,9% giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trong 10 tháng đầu năm, thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng phân bón các loại tăng mạnh nhất là thị trường Nhật Bản (tăng 53%), tiếp đến là thị trường Hàn Quốc và Nga (tăng hơn 33%).

Đồng thời, về thuốc trừ sâu và nguyên liệu, Bộ NN&PTNT ước giá trị nhập khẩu trong tháng 11/2017 đạt 98 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 11 tháng đầu năm 2017 đạt 890 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 10 tháng đầu năm 2017 chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm tới 52,7% tổng giá trị của mặt hàng này.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng ở hầu hết các thị trường, ngoại trừ thị trường Singapo và thị trường Nhật Bản (mức giảm lần lượt là 0,6% và 1,6%).

Trong đó, ba thị trường có giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng mạnh nhất là thị trường Thái Lan (+82%), Ấn Độ (+53,2%) và Trung Quốc (+52,8%) so với cùng kỳ năm 2016.

L.T