Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Chi, tổ hội nghề nghiệp là chỗ dựa để hội viên phát triển kinh tế bền vững

10:24 24/01/2020 GMT+7
Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nâng cao thu nhập bền vững, thời gian qua, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tập trung và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Nhờ tham gia mô hình này, nhiều nông dân trên

Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nâng cao thu nhập bền vững, thời gian qua, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tập trung và có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp. Nhờ tham gia mô hình này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã biết liên kết làm ăn và có thu nhập hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm.

Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình.

Để hiểu rõ hơn về kết quả sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 24 của Ban Thường vụ T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) về xây dựng chi hội, tổ hội nghề nghiệp, phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình.

Nhiều thành tích nổi bật

Đến nay, việc thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của T.Ư Hội NDVN tại tỉnh Ninh Bình đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Tại tỉnh Ninh Bình, nông dân chiếm 75% dân số của tỉnh, hội viên ND chiếm 88% số hộ nông dân. Hiện nay, toàn tỉnh có 8 Hội ND cấp huyện, 143 cơ sở Hội, 1.612 chi Hội. Công tác xây dựng tổ chức luôn được các cấp Hội chú trọng, trọng tâm là xây dựng chi Hội, cơ sở Hội vững mạnh. Đặc biệt, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của T.Ư Hội NDVN, các chi – tổ hội nghề nghiệp ở Ninh Bình đã có những bước đi khá vững chắc.

Các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học – kỹ thuật (KHKT) cho các thành viên tham gia tổ hội nghề nghiệp. Đồng thời, Ban Thường vụ Hội ND các cấp trong tỉnh thường xuyên sâu sát cơ sở, chỉ đạo về mặt chuyên môn, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các tổ hội hoạt động.

Trong thời gian qua, Hội ND các cấp đã phối hợp tổ chức 13.598 buổi chuyển giao KHKT cho 906.621 lượt cán bộ, hội viên, nông dân; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 20.936 hội viên, nông dân.

Ông Đinh Hồng Thái (thứ 2, từ trái sang) cùng các đại biểu thăm quan mô hình cửa hàng thực phẩm an toàn của Hội Nông dân thực hiện tại TP.Ninh Bình. Ảnh: Quang Minh

Cụ thể về các mô hình điển hình của tỉnh đang được phát huy, phát triển ra sao, thưa ông?

Trong số các chi, tổ hội nghề nghiệp được thành lập, Tổ hội nghề nghiệp nuôi con đặc sản tại thôn 12, xã Đông Sơn, TP.Tam Điệp được xem như một điểm sáng rất hiệu quả. Được Hội ND thành lập với 17 hội viên tham gia ban đầu, đến nay sau gần 3 năm, tổ hội đã phát triển lên 38 hội viên, trở thành một chi hội. Điều đáng nói, ban đầu từ tổ hội chỉ có một nghề là nuôi các con đặc sản, đến nay chi hội đã mở rộng sang các lĩnh vực nhà hàng, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn.

Việc xây dựng các tổ hội nghề nghiệp còn là tiền đề quan trọng để thành lập các hợp tác xã (HTX) chuyên ngành, giúp ND liên kết với doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần liên kết, tiêu thụ nông sản.

Theo đó, Hội ND tỉnh đã vận động thành lập HTX “Nông sản an toàn và du lịch Tam Điệp” hoạt động hiệu quả trên cơ sở phát triển tổ Hội nghề nghiệp “Sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản Đông Sơn”. Chi Hội trưởng ND đồng thời là Tổ trưởng tổ Hội nghề nghiệp, chủ cửa hàng nông sản an toàn và là thành viên sáng lập, Giám đốc HTX.

Hiện nay, HTX có 30 thành viên, trong đó có 4 doanh nghiệp trực thuộc gồm: Công ty cổ phần Nông sản và dịch vụ Tiến Lý, Công ty ăn uống Minh Đạt, Công ty Chăn nuôi Duy Hưng, Doanh nghiệp Đàm Thiếp với tổng vốn điều lệ 1,9 tỷ đồng.

HTX này đã được T.Ư Hội NDVN đầu tư, hỗ trợ mô hình nuôi dê sinh sản và đến nay đang phát triển tốt. HTX đã xây dựng trang trại, cơ sở giết mổ, hệ thống các nhà hàng để tiêu thụ sản phẩm, tạo vòng tròn khép kín giữa người sản xuất – HTX – thị trường.

Hiện HTX luôn duy trì nuôi trên 3.000 con đặc sản như: Dê, hươu, nai, ngựa, nhím, lợn rừng, lợn mán… Bình quân mỗi năm, HTX xuất bán gần 40 tấn sản phẩm, doanh thu đạt 15 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt từ 400 triệu – 3 tỷ đồng/hộ.

HTX đã tạo được mối liên kết giữa các hộ thành viên sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giúp các thành viên có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, phát huy thế mạnh, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế từ nguồn lực lao động, kinh nghiệm trong nuôi trồng, chế biến, quảng bá sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm – là cầu nối giữa những cá thể sản xuất tại địa phương với người tiêu dùng.

Tổ hợp tác, các HTX chuyên ngành – hướng phát triển hiệu quả, bền vững

Để chi, tổ hội hoạt động ngày càng hiệu quả, bền vững, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã có những hỗ trợ và giải pháp nào, thưa ông?

Để chi, tổ hội hoạt động có hiệu quả, cùng với chỉ đạo, hướng dẫn thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các cấp Hội ND tỉnh Ninh Bình đã tập trung khai thác các nguồn vốn và ưu tiên hỗ trợ tổ hội nghề nghiệp.

Cụ thể, trong 3 năm (2016 – 2018), Hội ND tỉnh Ninh Bình đã giải ngân 12 dự án từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân (HTND) cho 12 tổ hội nghề nghiệp với tổng số 6,2 tỷ đồng. Một số tổ hội nghề nghiệp được Hội ND cho vay Quỹ HTND với số vốn khá cao như: Tổ hội nghề nghiệp chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư) 1 tỷ đồng; tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh (Gia Viễn) 1 tỷ đồng; Tổ hội nghề nghiệp sản xuất đồ mộc xã Yên Mỹ (Yên Mô) với 500 triệu đồng.

Định hướng và điểm mới trong việc thực hiện xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Thời gian tới, để nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông dân liên kết với doanh nghiệp, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm ban hành thông tư và các văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 58/2018/NĐ – CP về bảo hiểm nông nghiệp để người nông dân đẩy mạnh sản xuất.

Điểm mới là trong thời gian tới, Hội ND tỉnh sẽ giúp bà con thành lập các nhóm hội, Tổ hợp tác, các HTX chuyên ngành, đây là hướng đi dự kiến cho hiệu quả tốt. Theo đó các HTX chuyên ngành sẽ đáp ứng được tiêu chí: Không cần đông, chỉ trên 7 hộ làm cùng 1 lĩnh vực, cùng nhu cầu để sản xuất ra sản phẩm.

Nếu làm được như vậy các HTX này sẽ đưa được các nguyên liệu đầu vào với giá hợp lý và Hội ND sẽ thông qua các HTX này để hỗ trợ cho bà con về giống, vốn, KHKT. Điều quan trọng là thông qua mô hình này bà con sẽ liên kết được với nhau để sản xuất hiệu quả hơn nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu. Đây là hướng mà chúng tôi sẽ tập trung làm quyết liệt trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

Xin cảm ơn ông!

“Để việc xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Ninh Bình đã xây dựng tiêu chí “5 cùng”, đó là: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất – kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi. Trên cơ sở tiêu chí “5 cùng”, từ năm 2016 đến nay, Hội ND tỉnh Ninh Bình đã vận động thành lập và duy trì hoạt động 16 chi, tổ hội nghề nghiệp”.
Ông Đinh Hồng Thái – Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình.

Quang Minh (thực hiện)