Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển

Điện Biên: Mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động hiệu quả

Hoàng Tính - 07:16 14/03/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam về “Đẩy mạnh xây dựng chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp”, đến nay toàn tỉnh Điện Biên đã thành lập mới nhiều chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, các mô hình đã phát huy hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Làm giàu trên quê hương

Cũng chỉ chăn nuôi trâu, bò, dê, gà hay canh tác cây trồng như: Lúa, chè, sắn, cà phê... nhưng giờ đây nông dân tỉnh Điện Biên đã tự tin làm giàu, bởi họ đã có chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, nơi các thành viên luôn sẵn sàng trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giúp nhau làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình.

Chi, Tổ hội Nông dân nghề nghiệp đã giúp bà con nông dân ở Điện Biên tự tin phát triển sản xuất, làm giàu ngày chính quê hương.

Tới thăm gia đình ông Lường Văn Kim - Bản Món Hà (xã Xuân Lao, huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên) được ông cho biết: Đối với người nông dân chúng tôi, việc áp dụng khoa học tiến bộ, cập nhật kiến thức chăn nuôi còn rất hạn chế chính vì vậy khi Hội Nông dân xã Xuân Lao phát động thành lập tổ chăn nuôi gia súc gia cầm và thủy sản; tôi đã đăng ký ngay, khi vào tổ chăn nuôi được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm rất bài bản.

“Từ những kiến thức đã học, tôi đã áp dụng vào sản xuất của gia đình; đến nay gia đình tôi đã có 8 con bò, gần 20 con dê, hàng trăm con gia cầm và 5.000 m2 đất trồng lúa, từ đó giúp gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm” ông Kim phấn khởi cho biết.

Ông Lò Văn Kiên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Lao cho hay: Bước đầu thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp ở xã Xuân Lao cũng gặp một số khó khăn, do nhiều hội viên nông dân chưa nắm được lợi ích khi thành lập ra tổ, hội. Qua vận động, tuyên truyền, đến nay nhiều hội viên đã tham gia vào tổ hội, hoạt động đi vào nền nếp, bước đầu có hiệu quả.

Sau một thời gian hoạt động, các thành viên của tổ hội đã nắm bắt được nhiều kiến thức phục vụ sản xuất, giúp cho kinh tế hộ gia đình ổn định hơn. Đến nay Hội Nông dân xã Xuân Lao đã thành lập được 3 tổ hội nghề nghiệp. Trong đó tổ chăn nuôi bò sinh sản còn được Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh Điện Biên hỗ trợ cho vay 300 triệu đồng để các hội viên phát triển sản xuất.

Tạo chuỗi sản xuất hàng hoá

Ông Mùa A Páng – Chi hội trưởng Chi hội chăm sóc thu hái chè Shan Tuyết ở thôn Sín Chải (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa) cho hay: Trước khi vào chi hội, các thành viên chúng tôi đều sản xuất chè tự do, mạnh nhà ai, nhà đấy phát triển, chính vì vậy mà sản xuất chè manh mún nhỏ lẻ. Nhưng từ khi vào chi hội, 14 hội viên với 50ha chè Shan Tuyết chúng tôi đã biết liên kết lại sản xuất chè theo chuỗi 6 nhà.

Từ Chi, Tổ hội nông dân nghề nghiệp, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã liên kết sản xuất theo chuỗi hàng hoá.

Trong quá trình sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần các hội viên trong chi hội chăm sóc thu hái chè Shan Tuyết ở thôn Sín Chải đều luôn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất, thị trường... Cũng từ đó chè Shan Tuyết của Sín Chải đã trở thành hàng hoá cung cấp ra thị trường.

Cũng như việc phát triển cây chè Shan Tuyết ở Sín Chải, giờ đây việc chăn nuôi bò, dê ở Tổ hội chăn nuôi bò, dê sinh sản ở thôn Páo Tỉnh Làng 2 (xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa) cũng đã có nhiều khởi sắc, bà con nông dân đã chủ động phát triển đàn gia súc.

Ông Giàng A Vảng - Tổ trưởng Tổ hội chăn nuôi bò, dê sinh sản ở thôn Páo Tỉnh Làng 2 cho biết thêm: Trước đây, việc chăn nuôi bò, dê của bà con nông dân chủ yếu là thả rông trong rừng nên việc chăm sóc, phòng dịch bệnh rất hạn chế, nhiều khi bò, dê bị bệnh mất trong rừng cũng không hay. Nhưng từ khi được tham gia Tổ hội chăn nuôi bò, dê tháng 3/2019, các hội viên đã tích cực chia sẻ kinh nghiệm kết hợp với đầu tư chuồng trại, trồng cỏ, ngô làm thức ăn nên đàn gia súc phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Lù Văn Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên cho hay: Tính đến nay, Điện Biên đã xây dựng được 70 chi hội nghề nghiệp với 770 thành viên tham gia, có 57 tổ hội với 580 thành viên. Kết quả hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao được nhận thức cho hội viên, phát huy được nội lực của hội viên nông dân, giúp họ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thống nhất phương án sản xuất - kinh doanh, giảm thiểu chi phí dịch vụ đầu vào con giống, thức ăn chăn nuôi, nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm, ổn định đầu ra trên thị trường.

Với việc được tham gia vào các Tổ hội Nông dân nghề nghiệp nông dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã có cơ hội để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ngoài ra, đây cũng là một trong những tiền đề cho việc thành lập các Hợp tác xã, góp phần đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm...