Chính phủ yêu cầu ngăn chặn lạm thu đầu năm học
Đó là một trong những nội dung được nêu tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019. Trong đó có những nội dung quan trọng như: Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm; điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; kiên quyết điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân…
Nghị quyết nêu rõ, nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019 còn rất nặng nề, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó lưu ý không được chủ quan, phải thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá tình hình trong nước và thế giới để kịp thời có đối sách hiệu quả, phù hợp, không để bị động, bất ngờ.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, quyết liệt hơn nữa trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách. Tinh thần chỉ đạo chung của Chính phủ là nỗ lực phấn đấu cao nhất, thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2019, tạo nền tảng vững chắc cho năm 2020, năm cuối của nhiệm kỳ, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách mạnh mẽ, hoàn thiện thể chế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục coi đây là nhiệm trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chồng chéo, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất phục vụ người dân, doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách, bắt kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm, trong đó, về tiến độ những dự án, công trình trọng điểm: Về các dự án điện, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm như các dự án Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2… bảo đảm tiến độ hoàn thành.
Cụ thể, đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và Tổ máy 2 vào quý III năm 2021; đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện báo cáo trình Ban Cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến về dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành trong tháng 12 năm 2020 và Tổ máy 2 vào quý I năm 2021.
Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, đề xuất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2019; đối với Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, bảo đảm tiến độ đưa Tổ máy 1 vào vận hành quý II năm 2021 và Tổ máy 2 vào quý III năm 2021.
Về các dự án hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng dự án, công trình quan trọng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9/2019; chịu trách nhiệm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm; đặc biệt là tập trung khắc phục các vướng mắc do thủ tục, làm rõ trách nhiệm của Bộ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ban quản lý dự án, Nhà thầu và địa phương liên quan; đồng thời xử lý những tồn tại của một số công trình, dự án đang triển khai dở dang.
Trong đó, đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm về tiến độ khởi công 3 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách; tiến độ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư sau khi cấp có thẩm quyền có chỉ đạo chính thức hình thức lựa chọn nhà đầu tư, bảo đảm cơ bản hoàn thành các dự án vào năm 2021 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, kịp thời báo cáo Chính phủ, Quốc hội xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng trì trệ, chậm tiến độ đề ra.
Đối với Dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành toàn tuyến vào năm 2021 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 272/TB-VPCP ngày 2/8/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6334/VPCP-QHQT ngày 05/7/2019 của Văn phòng Chính phủ; chủ động biện pháp xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nếu vượt thẩm quyền, không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong nhân dân.
Đối với Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định Nhà nước, khẩn trương thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án, bảo đảm tiến độ trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 8.
Đối với Dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm liên quan về tiến độ trình, thẩm định phê duyệt chủ trương đầu tư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 6557/VPCP-CN ngày 24/7/2019 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với việc sửa chữa khắc phục hư hỏng của hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trực tiếp chỉ đạo Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trong tháng 11 năm 2019; chịu trách nhiệm cá nhân nếu để xảy ra các vấn đề về mất an toàn hàng không do nguyên nhân từ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn. Rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư các cảng hàng không, phân loại, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp đối với từng cảng để công bố danh mục cảng kêu gọi đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 năm 2019.
Bộ trưởng Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về tiến độ, bảo đảm hoàn thành, đưa vào sử dụng đầy đủ các công năng trong năm 2020 đối với dự án xây dựng Bệnh viện Việt – Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại tỉnh Hà Nam.
Về các dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chịu trách nhiệm tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để bảo đảm tiến độ, hiệu quả của các dự án đầu tư.
Điều chuyển hoặc thu hồi số vốn đầu tư công chậm giải ngân
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã được giao; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả giải ngân chậm của bộ, ngành, địa phương mình; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 của Chính phủ; Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 và Công điện số 1042/CĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ; kiểm điểm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, cản trở, gây chậm trễ trong triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Kiên quyết thực hiện việc điều chuyển hoặc thu hồi số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2019 đã giao cho các bộ, ngành, địa phương nhưng giải ngân chậm hoặc không có khả năng giải ngân, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để kịp thời ứng phó, đồng thời tạo thêm dư địa cho điều hành, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng công tác thống kê, phân tích, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành khung khổ thử nghiệm chính sách mới cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo các Quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch phát triển các ngành để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí và không hiệu quả. Khẩn trương hoàn thiện báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2020 và kế hoạch đầu tư công năm 2020 của bộ, ngành mình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội theo quy định.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát các biến động của thị trường trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; điều hành tỷ giá phù hợp. Tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ gia đình, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; triển khai sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giám sát, cảnh báo, ngăn ngừa các rủi ro về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng. Bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử.
Chủ động ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo 389 và các địa phương có biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên theo dõi sát tình hình thị trường, chủ động có biện pháp ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước.
Bộ NN&PTNT thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, tình hình nguồn nước để hướng dẫn các địa phương chủ động có phương án tổ chức sản xuất phù hợp; kịp thời chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh. Đánh giá việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các khuyến nghị EC đưa ra đối với Việt Nam về chống khai thác hải sản trái phép không khai báo và không theo quy định; có chiến lược khai thác, nuôi trồng thủy sản theo hướng phát triển bền vững; rà soát, đánh giá để khai thác hiệu quả đội tàu đánh cá mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi an toàn; chủ động chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ dịp Tết. Tích cực chuẩn bị các Hội nghị toàn quốc về: Tổng kết 10 năm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tổ chức trong tháng 10 năm 2019; tổng kết 10 năm về an ninh lương thực; Hội nghị về chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp.
Ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo triển khai năm học mới 2019-2020 thiết thực, hiệu quả; tăng cường công tác quản lý thu, có biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm thu đầu năm học; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh trường học; chú trọng xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Rà soát, chấn chỉnh công tác đào tạo đại học văn bằng 2, không để xảy ra tiêu cực. Thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục đào tạo cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách.
Bộ Y tế chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, giảm quá tải bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế, thúc đẩy y tế tư nhân phát triển gắn với tăng cường quản lý tốt chất lượng dịch vụ y tế, không để xảy ra tình trạng lạm thu, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế, các đối tượng chính sách, đặc biệt là người nghèo tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp, chế tài để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là ngăn chặn rác thải nhựa; phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể phát động phong trào quốc gia về ngăn chặn rác thải nhựa, không rác thải nhựa ven biển. Khẩn trương có đánh giá về môi trường khu vực cháy tại Công ty cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông.
Chuyển nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin Truyền thông.
Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, tạo sự lan tỏa trong hệ thống hành chính nhà nước.
Để tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết, phát huy vai trò quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Chính phủ thống nhất: Phân công Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban; phân công Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử; chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử; chuyển nhiệm vụ Thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chuyển các nhiệm vụ đang thực hiện từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện từ ngày 4/9/2019, cụ thể:
+ Trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương trong năm 2019.
+ Phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu… và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
+ Chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa.
+ Định kỳ hàng quý, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ và Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.
Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ; làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, đôn đốc việc tổ chức thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Các bộ, cơ quan, địa phương lựa chọn các dịch vụ người dân quan tâm và có nhu cầu sử dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, tránh làm hình thức, theo phong trào, gây lãng phí. Tập trung xây dựng hệ thống thông tin một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thực hiện nghiêm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Giao Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương trình ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (phiên bản 2.0); thực hiện việc kết nối Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước với Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương, đạt tiêu chuẩn về an toàn thông tin… và các nhiệm vụ cụ thể khác.
(Theo VGP)
-
EU tăng tần suất kiểm tra một số nông sản Việt trước khi nhập khẩu -
Lâm Đồng: Phát huy vai trò của cộng đồng, tạo điều kiện để người dân tham gia đóng góp ý kiến -
Mô hình "Vườn mẫu về phát triển cây ăn trái" tại xã Quảng Ngãi -
Bình Thuận: Mở ra nhiều cơ hội kết nối giao thương để phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
- Lâm Đồng, tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình xã Nông thôn mới thông minh và thí điểm xã thương mại điện tử
- Cà Mau: Dự toán ngân sách 59,345 tỷ đồng cho nhiều chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2025
- Cà Mau: Sẽ xây mới, sửa chữa 4.400 căn nhà
- Mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với các công nghệ, giải pháp, sản phẩm tiên tiến, hiện đại
- Việt Nam đang có nhiều thuận lợi trong việc thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm
- An Giang: Ứng dụng chuyển đổi số là chìa khóa góp phần tạo nên một nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiệu quả
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
-
Giải pháp cấp nước sạch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới ở Kiên GiangĐể sớm hoàn thành tiêu chí nước sạch trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Kiên Giang và đưa việc thực hiện tiêu chí này đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang đã kiến nghị một số giải pháp, trong đó có xã hội hoá các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung.
-
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớnNgày 26/12/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Nhà quân sự thiên tài, Nhà văn hóa lớn.
-
Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong nông nghiệp, cùng đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mìnhTheo Anh hùng Lao động Thái Hương, Hiệp hội các Doanh nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao trong Nông nghiệp (ATE) cần tiếp tục phát huy vai trò liên kết, quy tụ các thành viên đủ “tâm” và “tầm”, thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau phát triển, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng quốc tế, năng suất, giá trị gia tăng cao, cùng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
-
Hà Tĩnh: Sẵn sàng cho Lễ Kỷ niệm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác(Tapchinongthonmoi.vn) – Thông tin từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay các hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-2024) và trao bằng chứng nhận Di tích Quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm đã được hoàn tất.
-
10 kết quả nổi bật trên các lĩnh vực của tỉnh Sơn La năm 2024Năm 2024 là một năm nhiều khó khăn, thách thức với Sơn La như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường… Đặc biệt, cơn bão số 2, số 3 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của tỉnh Sơn La ổn định và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện trên 10 kết quả nổi bật.
-
Xuất khẩu điều, cà phê cùng đạt mốc hơn tỷ đô trong năm 2024Trong năm 2024, cà phê, hạt điều là những mặt hàng nông sản tăng trưởng tích cực về xuất khẩu thu về 4-5 tỷ USD.
-
Liên Chung: Tập trung phát triển kinh tế nông thôn tạo chuyển biến tích cựcTrong hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2024, xã Liên Chung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đã có những kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế nông thôn, tạo chuyển biến tích cực đóng góp vào sự tăng trưởng chung của kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
-
“Logo Halal” trên hộp sữa là lời cam kết với người tiêu dùng của VinamilkQuy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Ngoài “chứng nhận”, đâu là điều doanh nghiệp cần để khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường này?
-
MobiFone đem tiếng Anh trực tuyến dành cho học sinh tiểu họcCuối năm 2024, MobiFone chính thức ra mắt sân chơi tiếng Anh dành cho học sinh tiểu học lớp 3, 4, 5 mang tên English Beat – Primary.
-
Thêm gần 100 sản phẩm của tỉnh Phú Thọ được công nhận OCOP(Tapchinongthonmoi.vn) - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PT NN) Phú Thọ cho biết: Năm 2024, tỉnh có thêm 99 sản phẩm mới, trong đó có 94 sản phẩm hạng 3 sao do UBND cấp huyện quyết định công nhận và 5 sản phẩm hạng 4 sao do UBND tỉnh quyết định công nhận.
-
1 Năng động, sáng tạo, các cấp Hội trong Cụm thi đua số 2 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu thi đua -
2 Tạp chí Nông thôn mới trao tặng quà “Chung tay vì người nghèo- không ai bị bỏ lại phía sau” tại Tuyên Quang -
3 "Dấu ấn" của Cụm thi đua số 3: Nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu do nông dân làm chủ -
4 Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW -
5 Cụm thi đua số 4: Tăng cường kết nối giao thương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hoạt động an sinh xã hội